Thành phố Hồ Chí Minh: Ngộp thở vì cơ sở tái chế phế liệu trong khu dân cư

25/08/2023 13:24 Tác động môi trường
Theo thống kê, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh hiện có khoảng 1.000 cơ sở tái chế chất thải đang hoạt động. Trong đó, phần lớn là các cơ sở có quy mô vừa và nhỏ có hệ thống trang thiết bị, máy móc cũ kỹ, công nghệ tái chế lạc hậu. Có hơn 90% cơ sở tái chế không có hệ thống xử lý nước thải và khoảng 80% cơ sở không có hệ thống xử lý khí thải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Thành phố Hồ Chí Minh: Ngộp thở vì cơ sở tái chế phế liệu trong khu dân cư

Trên địa bàn huyện Bình Chánh, quận Bình Tân (Thành phố Hồ Chí Minh), nơi có nhiều cơ sở tái chế phế liệu hoạt động. Người đi đường dễ dàng nhìn thấy những cơ sở thu gom, tái chế phế liệu nằm lọt thỏm giữa những khu dân cư. Trên tuyến kênh Ba Tri (đoạn thuộc xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh), cũng có nhiều cơ sở thu gom, tái chế phế liệu hoạt động. Phế liệu được tập kết thành những đống cao như núi và hầu hết để lộ thiên. Nằm giáp ranh giữa xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) và phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân), con hẻm dài chưa tới 500m nhưng có tới 3 cơ sở hoạt động tái chế phế liệu bao bì. Diện tích thì chật chội, phế liệu chất đầy trước cổng. Tương tự, khu vực đoạn dưới chân cầu Bình Thuận (thuộc phường Bình Hưng Hòa B) với nhiều cơ sở không có địa chỉ, bảng hiệu... Tình trạng này tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và ô nhiễm môi trường. Mỗi khi trời mưa là toàn bộ nước mưa chảy ra từ mấy bãi phế liệu sẽ trôi thẳng ra kênh. Người dân ở đây lo lắng nước mưa dính chất độc hại có thể thẩm thấu qua đất, xuống mạch nước ngầm, ảnh hưởng sức khỏe người sử dụng

Theo các chuyên gia, với cách làm manh mún của người dân, và việc thiếu một quy hoạch tổng thể của cơ quan quản lý và chính quyền địa phương khiến ngành nghề này đang gây ô nhiễm, nguy cơ cháy nổ, gây bức xúc cho người dân.

Các cơ sở tái chế phế liệu tự phát phần lớn đang sử dụng công nghệ lạc hậu, dùng chất đốt công nghiệp, không có quy trình về tiêu chuẩn an toàn. Hậu quả là làm phát sinh rất nhiều khói, bụi độc hại, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, đặc biệt là những trường hợp thường xuyên tiếp xúc hoặc sinh sống gần các xưởng tái chế.

Các cơ sở tái chế phế liệu này làm lợi thì ít mà gây ô nhiễm thì nhiều. Để bảo vệ môi trường, ngành chức năng của Thành phố Hồ Chí Minh nên có kế hoạch di dời các cơ sở vào các cụm, khu công nghiệp phù hợp. Đồng thời, hỗ trợ vốn vay ưu đãi để chuyển đổi công nghệ tái chế. Khi được hỗ trợ đầy đủ, các cơ sở này sẽ có điều kiện hoạt động tốt hơn, thậm chí còn đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn của thành phố./.

PV
Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động