Thấy gì từ Báo cáo Hiện trạng môi trường Quốc gia năm 2021
Hình ảnh Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia năm 2021 |
Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay thì môi trường chính là vấn đề nóng bỏng được Chính phủ các quốc gia quan tâm hàng đầu, trong đó có Việt Nam. Trong điều kiện đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, kinh doanh, dịch vụ ngày càng đa dạng và đang tạo ra những tác động, áp lực rất lớn lên môi trường. Vì vậy, việc thu thập thông tin về môi trường là rất quan trọng và cấp thiết trong tình hình hiện nay.
Báo cáo hiện trạng môi trường là thống kê, đánh giá và phân tích các thông số về các yếu tố thuộc môi trường, diễn biến các tác động môi trường tiếp theo.
Bộ Tài nguyên và Môi trường lập báo cáo tổng quan về hiện trạng môi trường quốc gia 05 năm một lần để phục vụ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; hằng năm, lập báo cáo chuyên đề về hiện trạng môi trường quốc gia là quy định bắt buộc trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Ngày 22/02/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành và công bố Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia với chủ đề “Môi trường không khí - Thực trạng và giải pháp”.
Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia 2021 “Môi trường không khí - Thực trạng và giải pháp” phân tích các khía cạnh liên quan đến môi trường không khí của Việt Nam, từ điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, diễn biến hiện trạng chất lượng môi trường không khí, kết quả đã đạt được và những tồn tại trong công tác quản lý, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp quản lý môi trường không khí hiệu quả cho giai đoạn tiếp theo. Báo cáo được xây dựng dựa trên mô hình D-P-S-I-R (Động lực - Áp lực - Hiện trạng - Tác động - Đáp ứng). Động lực là các điều kiện tự nhiên cũng như KT-XH như: sự gia tăng dân số, phát triển đô thị, phát triển các ngành kinh tế và giao thông vận tải…, các vấn đề này đã và đang gây ảnh hưởng đến chất lượng không khí; tạo ra áp lực rất lớn làm thay đổi hiện trạng môi trường theo chiều hướng xấu đi.
Hiện trạng môi trường không khí được đánh giá thông qua một số thông số trong môi trường không khí (TSP - tổng bụi lơ lửng và bụi PM10, PM2,5), lưu huỳnh điôxit (SO2), ôxit nitơ (NOx), ôzôn, tiếng ồn… từ mạng lưới quan trắc định kỳ và mạng lưới trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục. Ô nhiễm môi trường không khí gây các tác động đến sức khoẻ người dân, KT-XH. Đáp ứng là các giải pháp được đề ra và thực hiện nhằm quản lý hiệu quả, phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí bao gồm các chính sách, pháp luật, thể chế, các công cụ quản lý kinh tế, thông tin cộng đồng. Báo cáo gồm 5 Chương:
Chương 1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và sức ép lên môi trường;
Chương 2. Hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường không khí;
Chương 3. Tác động của ô nhiễm môi trường không khí;
Chương 4. Kết quả thực hiện chính sách, pháp luật và các hoạt động quản lý môi trường không khí;
Chương 5. Phương hướng và giải pháp BVMT không khí.
Cùng Tạp chí Công nghiệp môi trường điểm lại những nội dung chính trong Báo cáo Hiện trạng môi trường Quốc gia năm 2021.
Hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường không khí
Hiện trạng chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam được xem xét, đánh giá tại ba khu vực chính: đô thị, khu vực sản xuất công nghiệp, làng nghề và nông thôn. Bên cạnh đó, một số vấn đề ô nhiễm không khí khác như ô nhiễm xuyên biên giới, sương mù quang hóa cũng được đề cập. Diễn biến chất lượng môi trường không khí được đánh giá dựa trên cơ sở tổng hợp chuỗi số liệu quan trắc từ năm 2016 đến 2021 của các trạm quan trắc không khí tự động, liên tục của Trung ương, địa phương, kết quả quan trắc định kỳ từ Chương trình quan trắc môi trường quốc gia và các chương trình quan trắc của địa phương, so sánh với kết quả quan trắc giai đoạn trước, giá trị của các thông số được so sánh, đối chiếu với các quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia hiện hành về chất lượng không khí xung quanh.
Chất lượng không khí tại các đô thị lớn và một số đô thị phát triển công nghiệp tiếp tục ghi nhận bị ô nhiễm ở một số thời điểm trong năm, trong đó ô nhiễm bụi vẫn là vấn đề đáng lo ngại. Nồng độ các thông số bụi (PM2,5, PM10 và TSP) tại một số khu vực ở ngưỡng cao, đặc biệt tại các trục giao thông, tuyến đường chính hoặc khu vực xung quanh khu công nghiệp (KCN) ở các đô thị lớn. Các tác động của yếu tố khí hậu tạo nên quy luật diễn biến chất lượng không khí theo các mùa trong năm, thể hiện rất rõ ở khu vực miền Bắc, ô nhiễm bụi tập trung vào các tháng mùa đông, ít mưa; mức độ ô nhiễm bụi tại khu vực miền Nam cũng giảm rõ rệt vào các tháng mùa mưa và cao hơn vào mùa khô. Các năm 2020 - 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là khoảng thời gian giãn cách xã hội, chất lượng môi trường không khí được cải thiện hơn so với cùng kỳ giai đoạn trước. Nồng độ các thông số ô nhiễm khác (NO2, SO2, CO) tương đối thấp, đạt QCVN 05:2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh; diễn biến giá trị các thông số này trong giai đoạn 2016 - 2021 cơ bản không có nhiều biến động.
Tại các khu vực sản xuất công nghiệp, vấn đề nổi cộm hiện nay cũng là ô nhiễm bụi. Nồng độ TSP tại rất nhiều điểm quan trắc xung quanh các KCN vượt ngưỡng quy định, thậm chí vượt nhiều lần giới hạn trung bình 24 giờ và trung bình năm của QCVN 05:2013/BTNMT. Giá trị nồng độ TSP, bụi PM10, bụi PM2,5 xung quanh các KCN thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc cao hơn so với tại miền Trung và miền Nam, do đặc điểm cơ cấu loại hình sản xuất, công nghệ, nhiên liệu, vị trí của các khu vực khác nhau. Các chất ô nhiễm trong không khí xung quanh các khu vực sản xuất công nghiệp có sự khác nhau giữa các vùng, miền, do sự phân bố của các loại hình sản xuất, giá trị nồng độ SO2 và NO2 xung quanh các KCN, khu vực sản xuất công nghiệp khá thấp, cơ bản không vượt ngưỡng của QCVN 05-MT:2013/BTNMT; Bức tranh môi trường không khí xung quanh các KCN cũng được cải thiện đáng kể vào các năm 2020, năm 2021. Tuy nhiên, một số ngành công nghiệp đang hoạt động vẫn tiếp tục phát thải vào môi trường không khí một lượng bụi lớn, đó là các ngành khai khoáng, nhiệt điện, xi măng.
Tại khu vực làng nghề, tình trạng ô nhiễm không khí vẫn ở mức cao, đặc biệt tại các làng nghề tái chế kim loại, nhựa, vật liệu xây dựng… Ở nhiều khu vực nông thôn, chất lượng môi trường không khí xung quanh duy trì mức tốt, rất nhiều vùng chưa có dấu hiệu ô nhiễm (hàm lượng các thông số ô nhiễm hầu hết đạt QCVN 05:2013/BTNMT). Ô nhiễm tiếng ồn ở các khu vực có mật độ dân cư lớn, gần trục giao thông đã ghi nhận vượt ngưỡng, trong khi tại các khu vực dân cư ở xa trục giao thông, nhìn chung mức ồn thấp, đạt QCVN 26:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn. Các vấn đề khác như sương mù quang hóa, ô nhiễm không khí xuyên biên giới hay lắng đọng axit, ô nhiễm mùi đã có một số biểu hiện nhất định và ảnh hưởng đến chất lượng môi trường không khí ở Việt Nam. Tương tự các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, vấn đề sương mù quang hóa ngày một biểu hiện rõ tại các đô thị lớn của Việt Nam như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Kết quả thực hiện chính sách, pháp luật và các hoạt động quản lý môi trường không khí
Các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường không khí đã từng bước được hoàn thiện. Hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật cũng như Chiến lược Bảo vệ môi trường và hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, đặc biệt là việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2021 về tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí, cũng như Quyết định số 1973/QĐ-TTg ngày 23 tháng 11 năm 2021 phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác quản lý môi trường không khí từ trung ương đến các địa phương.
Theo đó, về lâu dài, cơ cấu tổ chức về bảo vệ môi trường không khí tiếp tục hoàn thiện; các nguồn gây ô nhiễm không khí từ hoạt động giao thông vận tải, công nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội khác… sẽ dần được kiểm soát thông qua việc đầu tư công nghệ xử lý khí thải, sử dụng công nghệ phù hợp với từng loại hình sản xuất; chất lượng môi trường không khí xung quanh được tăng cường giám sát và công bố thông tin rộng rãi cho cộng đồng thông qua việc tăng tần suất, điểm quan trắc và số lượng trạm quan trắc tự động, liên tục tại các đô thị, vùng kinh tế trọng điểm… theo quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia.
Thực tế hiện nay, công tác quản lý chất lượng môi trường không khí vẫn còn tồn tại những bất cập chưa được giải quyết, ô nhiễm môi trường không khí tại một số thành phố lớn vẫn tiếp diễn, có một số thời điểm chất lượng môi trường không khí tại một số địa phương ở mức xấu gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng và tăng trưởng kinh tế - xã hội. Nguồn lực thực hiện quản lý chất lượng không khí, quan trắc và công bố thông tin chất lượng môi trường không khí chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Ý thức của người dân, doanh nghiệp về bảo vệ môi trường không khí còn chưa cao. Mặt khác, công tác phối hợp, chia sẻ thông tin và kiểm soát nguồn gây ô nhiễm không khí giữa các cấp, các ngành chưa thực sự hiệu quả.
Phương hướng và giải pháp bảo vệ môi trường không khí
Để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí, tăng cường hiệu quả bảo vệ môi trường không khí, các quy định pháp luật về quản lý chất lượng môi trường không khí đã được bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với tình hình mới; từng bước được tổ chức thực hiện theo nguyên tắc đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, có sự phối hợp liên ngành, liên vùng, lấy phòng ngừa ô nhiễm là chính, kết hợp với xử lý, khắc phục ô nhiễm, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường không khí.
Tổ chức thực hiện các giải pháp lâu dài cũng như ưu tiên trước mắt cần tuân theo các chính sách, pháp luật, đặc biệt là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật mới được ban hành.
Các nguồn phát sinh khí thải gây ô nhiễm môi trường cần được thống kế, kiểm kê và kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả thông qua việc phối hợp thực hiện đồng bộ giữa các cấp, các ngành; tăng cường thanh tra, kiểm tra tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường không khí; tổ chức thực hiện các giải pháp xanh như: cải thiện chất lượng nguyên, nhiên liệu trong quá trình sản xuất, đầu tư cho hoạt động giao thông vận tải theo hướng thân thiện với môi trường, giảm thiểu các vấn đề ô nhiễm môi trường từ hoạt động phát triển đô thị và nông thôn…
Bên cạnh đó, đầu tư cho nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế chuyển giao công nghệ sản xuất và xử lý ô nhiễm không khí tiên tiến, ít phát thải; tăng cường hiệu quả quan trắc chất lượng môi trường không khí, cung cấp thông tin kịp thời cho cộng đồng xã hội, từ đó thu hút sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động bảo vệ môi trường là những giải pháp lâu dài trong công tác bảo vệ môi trường không khí.
Báo cáo đã chỉ ra được thực trạng và kết quả đạt được trong công tác quản lý môi trường không khí cũng như chỉ ra một số vấn đề tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý chất lượng môi trường không khí qua đó đề ra phương hướng quản lý và bảo vệ môi trường không khí giai đoạn 2021 - 2030 cũng như có ý kiến đề xuất kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ; đối với các Bộ, ngành Trung ương cũng như đối với các địa phương.
Báo cáo là nguồn tài liệu quan trọng, thiết thực để các cơ quan quản lý ở Trung ương, các địa phương và các nhà khoa học tham khảo trong công tác nghiên cứu, hoạch định, xây dựng và thực hiện chính sách liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường./.
Tin mới
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.