Thực trạng phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt
Thực trạng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn |
Việc phân loại CTRSH tại nguồn giữ một vai trò quyết định và ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống quản lý CTR. |
Phân loại tại nguồn
Với khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh ngày càng tăng, một số địa phương đã triển khai chương trình phân loại CTRSH tại nguồn. Mục đích của phân loại chất thải tại nguồn là tách các chất thải có giá trị tái chế cao ngay tại nguồn thải, đặc biệt là thành phần hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học chiếm tỷ lệ cao (60 - 80%), tạo nguồn hữu cơ “sạch” để chế biến compost có chất lượng cao. Bên cạnh đó, phân loại chất thải tại nguồn còn góp phần tạo nguồn nguyên liệu cho hoạt động tái chế, giảm khối lượng CTRSH được chôn lấp tại các bãi chôn lấp khi khối lượng CTRSH ngày càng tăng, diện tích cho chôn lấp bị hạn chế. Việc phân loại CTRSH tại nguồn giữ một vai trò quyết định và ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống quản lý CTR, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai thí điểm chương trình phân loại CTRSH (từ những năm 1999 tại Thành phố Hồ Chí Minh và năm 2007 đối với Hà Nội), đến nay nhiều địa phương trên cả nước cũng đã triển khai thí điểm chương trình phân loại CTRSH tại nguồn như Hưng Yên (2012 - 2014), Bắc Ninh (2014), Lào Cai (2016), Bình Dương (2017 - 2018), Đồng Nai (2016 - 2018), Đà Nẵng (2017), Hà Tĩnh (2019)...
Năm 2007, thành phố Hà Nội đã triển khai thí điểm mô hình thu gom, phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn phường Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm). Đây là dự án phân loại chất thải tại nguồn (3R Hà Nội) được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ thực hiện. Dự án bước đầu đã đưa khái niệm phân loại, thu gom, xử lý chất thải vào chương trình giáo dục tiểu học tại địa phương trong năm học 2007 - 2008 và nhân rộng mô hình sang các khu vực tiếp theo trên địa bàn (Nguyễn Du, Thành Công, Láng Hạ). Tuy nhiên, sau khi dự án kết thúc, việc phân loại CTRSH trên địa bàn Hà Nội không được duy trì. Một số khu vực vẫn sử dụng các phương tiện thu gom CTR thủ công, vừa mất mỹ quan vừa gây ô nhiễm môi trường. Tại khu vực nội thành, hầu hết lượng CTRSH phát sinh hàng ngày đã được thu gom, nhưng tình trạng đổ chất thải tùy tiện vẫn xảy ra ở không ít khu vực công cộng. Các chiến dịch phát động về phân loại CTRSH tại nguồn chưa nhận được sự hưởng ứng đồng bộ của chính quyền, đơn vị thu gom CTR, cộng đồng dân cư nên hiệu quả không được như mong muốn.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, 69% lượng CTRSH được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, 20% được sử dụng để chế biến compost, 11% áp dụng công nghệ đốt (Bộ TNMT, 2019a). Để giảm tỷ lệ chôn lấp, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai chương trình phân loại CTRSH tại nguồn qua nhiều giai đoạn từ thí điểm một cụm dân cư hoặc một phường trên địa bàn một quận, đến nhân rộng trên địa bàn 6 quận giai đoạn 2015 - 2016 và sau đó nhân rộng phạm vi thực hiện trên địa bàn 24 quận/ huyện từ năm 2017 đến nay. Bên cạnh một số quận, huyện triển khai khá tốt công tác phân loại CTRSH tại nguồn, vẫn có nhiều quận, huyện còn lúng túng trong thực hiện. Để đẩy mạnh công tác phân loại CTRSH tại nguồn, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND ngày 24 tháng 11 năm 2018 quy định về phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Triển khai phân loại CTRSH tại nguồn tại Thành phố Hồ Chí Minh Từ năm 2017 đến nay, UBND Thành phố đã ban hành 6 quyết định để tổ chức thực hiện phân loại rác tại nguồn trên địa bàn thành phố. Theo kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 1832/ QĐ-UBND: năm 2017 mỗi quận/huyện triển khai thực hiện ít nhất tại 01 phường/xã/thị trấn; năm 2018 mở rộng 3 - 5 phường, xã và đến năm 2020 phân loại CTRSH tại nguồn được triển khai trên toàn địa bàn thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố đã giao cho các quận huyện chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện công tác này. Tuy nhiên, công tác phân loại CTRSH tại nguồn chưa được Ủy ban nhân dân 24 quận, huyện triển khai đồng bộ và chưa được quan tâm đúng mức do các nguyên nhân: - Các hộ gia đình, chủ nguồn thải chưa chủ động phân loại. - Công tác tuyên truyền và triển khai giữa các địa phương vẫn chưa đồng bộ nên hiệu quả phân loại vẫn chưa cao. - Thành phố đang tập trung công tác tuyên truyền, vận động là chính. - Chưa kiểm tra, xử phạt theo theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP đối với hành vi không phân loại (tại Khoản 4, Điều 20 quy định phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đối với hành vi không phân loại CTRSH tại nguồn). - UBND các quận, huyện chưa tổ chức phương án thu gom riêng chất thải sau phân loại. (Nguồn: Sở TNMT Thành phố Hồ Chí Minh, 2019) |
Thành phố Đà Nẵng đã triển khai thí điểm một số hoạt động về phân loại CTR tại nguồn, làm cơ sở để nhân rộng trên toàn địa bàn thành phố. Năm 2017, thành phố đã bắt đầu triển khai dự án thí điểm phân loại CTR tại nguồn ở 2 phường Thuận Phước và Thạch Thang, quận Hải Châu - giai đoạn 2017 - 2018 do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Kết quả đạt được: đến tháng 6 năm 2018, trên 80% khu dân cư đã thực hiện công tác phân loại CTR theo đúng quy trình thu gom. Năm 2018 - 2019, dự án tiếp tục triển khai tại 2 phường Thanh Khê Tây và Hòa Khê, quận Thanh Khê. Từ tháng 11 năm 2016 đến tháng 9 năm 2017, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - xã hội thực hiện Dự án Nâng cao nhận thức của người dân về thu gom và phân loại CTR tại nhà thông qua mô hình thí điểm tại 2 khu dân cư thuộc phường Chính Gián, quận Thanh Khê và phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà. Kết quả đạt được: hướng dẫn tập huấn cho người dân về cách phân loại CTR tại nhà; CTR đã phân loại được người dân bán và thu tiền phục vụ hoạt động của khu dân cư. Trong năm 2017, Sở TNMT Đà Nẵng đã triển khai các hoạt động 3R, hỗ trợ việc thí điểm phân loại rác tại 02 phường Hòa Thuận Tây và Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu. Năm 2018, UBND quận Thanh Khê triển khai thí điểm phân loại CTR có thể tái chế (giấy, nhựa, kim loại) tại 2 phường Thạc Gián và Tam Thuận. Để triển khai phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch số 1577/KH-UBND ngày 11 tháng 4 năm 2019.
Thành phố Cần Thơ đang triển khai thực hiện phân loại CTRSH tại hộ gia đình của 4 quận, huyện (Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng và Thới Lai) từ tháng 9 năm 2017. Kết quả bước đầu cho thấy một bộ phận người dân đã hiểu rõ và phân loại đạt yêu cầu, chất lượng CTR hiện tại đã đủ điều kiện để đưa vào nhà máy xử lý mặc dù trong CTR vẫn còn lẫn lượng nhỏ không đốt được: chai lọ thủy tinh, than tổ ong, bình gas mini nhưng nằm trong tỷ lệ cho phép. Vì vậy, chính quyền các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân thực hiện phân loại theo kế hoạch của thành phố để nâng cao thức của người dân, đặc biệt là các nguồn CTRSH quá khổ, quá cỡ, CTNH và chất thải không đốt được.
Tỉnh Bắc Ninh đã triển khai thí điểm 2 mô hình phân loại CTRSH tại nguồn trong năm 2014 trên địa bàn phường Ninh Xá, thành phố Bắc Ninh và xã Cao Đức, huyện Gia Bình. Năm 2018, tỉnh đã triển khai thí điểm tại xã Lâm Thao, huyện Lương Tài và xã Liên Bảo, huyện Tiên Du. Mặc dù các mô hình thí điểm đã đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn tồn tại bất cập như: một số hộ gia đình chưa thực hiện tốt phân loại CTR tại nguồn; giữ thói quen vứt chất thải tùy tiện hoặc sử dụng các thùng phân loại CTRSH được phát vào mục đích khác; CTR sau khi phân loại không được thu gom, vận chuyển riêng mà được thu gom, vận chuyển chung một phương tiện nên hiệu quả phân loại chưa cao.
Năm 2012 - 2014, tỉnh Hưng Yên đã thực hiện thí điểm phân loại CTR tại 300 hộ gia đình. Căn cứ kết quả thực hiện, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 14 tháng 4 năm 2015 triển khai phân loại CTR hữu cơ hộ gia đình trên toàn tỉnh. UBND tỉnh Hưng Yên cũng đã ban hành Quyết định 2128/UBND-QĐ phê duyệt đề án nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý CTR nông thôn giai đoạn 2016 - 2020 đặt mục tiêu đến năm 2020 có 50% hộ gia đình thực hiện phân loại CTR hữu cơ. Đến nay đã có 33% hộ gia đình trong tỉnh thực hiện với hình thức đa dạng, phù hợp thực tế, riêng huyện Phù Cừ đạt 59%.
Năm 2016, tỉnh Lào Cai triển khai phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn thành phố Lào Cai, huyện Sa Pa, huyện Bát Xát và huyện Bảo Thắng. Kết quả đạt được khả quan, tỷ lệ thu gom và phân loại CTRSH tại nguồn đạt tỷ lệ cao (thành phố Lào Cai đạt tỷ lệ 87,1%, huyện Sa Pa đạt tỷ lệ 70%, huyện Bát Xát đạt tỷ lệ 82,5%, huyện Bảo Thắng đạt tỷ lệ 65%).
Năm 2017 - 2018, UBND tỉnh Bình Dương đã triển khai phân loại CTR tại nguồn với quy mô cấp tỉnh là các tổ chức, trung tâm thương mại dọc tuyến Quốc lộ 13 và quy mô cấp huyện là một vài xã phường của thị xã Dĩ An, Thuận An, Bến Cát, thành phố Thủ Dầu Một. Kết quả đạt được: tỷ lệ phân loại CTR tại nguồn đạt trên 90% tại một số địa điểm như khu phố Nhị Đồng, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Tỉnh Đồng Nai thực hiện phân loại CTR giai đoạn 1 từ năm 2016 - 2018. Theo kết quả thông kê, người dân tự nguyện tham gia phân loại CTR đạt tỷ lệ 56,7.
Việc phân loại CTRSH tại khu vực nông thôn chủ yếu được tiến hành tại hộ gia đình đối với một số loại chất thải như giấy, bìa các tông, kim loại (để bán), chất thải thực phẩm (sử dụng cho chăn nuôi) để đáp ứng chỉ tiêu môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Các thành phần khác hầu hết không được phân loại mà để lẫn, bao gồm các thành phần có khả năng phân hủy và khó phân hủy như túi ni lông, thủy tinh, cành cây, lá cây, hoa quả, xác động vật chết... Việc phân loại đem lại hiệu quả chưa cao, mang tính riêng lẻ, không đồng bộ, chưa được nhân rộng. Nhiều hộ gia đình không hợp tác thực hiện hoặc chỉ thực hiện khi có hỗ trợ kinh phí. Ngoài ra, các địa phương chưa có nhiều chiến dịch phát động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc phân loại CTRSH tại nguồn.
Nhiều xã, đặc biệt các xã miền núi, thiếu các quy hoạch các bãi tập kết CTR tập trung, không quy định chỗ tập trung CTR, thiếu người và phương tiện chuyên chở. Do đó, các bãi rác tự phát đã hình thành ở rất nhiều nơi, làm cho tình trạng CTRSH nông thôn trở thành vấn đề nan giải khó quản lý.
Phân loại tại nguồn của một số địa phương: Tại các địa phương như Hà Tĩnh, Đồng Nai đã thí điểm thực hiện tại 11/11 huyện, tỷ lệ hộ gia đình thực hiện là 20.132 hộ, số hộ thực hiện đúng quy trình chiếm 58,8%, tiến tới nhân rộng đối tượng thực hiện phân loại tại các trường học, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ tập trung, các khu, CCN, cơ quan hành chính sự nghiệp cũng như các điểm trung chuyển, nâng cao năng lực thu gom và đồng bộ việc xử lý phù hợp với mục đích phân loại tại nguồn. Tuy nhiên, tại hầu hết các địa phương đều chưa được thực hiện do thiếu nguồn lực thực hiện đồng bộ (từ thu gom, vận chuyển và xử lý theo từng loại chất thải đã phân loại). (Nguồn: Bộ Xây dựng, 2017) |
Hình thức thu gom và vận chuyển
Các hình thức thu gom và vận chuyển CTRSH phổ biến tại Việt Nam bao gồm:
- Thu gom tại các vị trí công cộng: hình thức này sử dụng các vị trí lưu giữ chung, có diện tích lớn làm địa điểm để thu gom và nhận CTRSH.
- Thu gom theo cụm dân cư: xe thu gom dừng tại các vị trí được quy định và người dân đổ CTRSH vào xe. Các xe thu gom đã đầy sẽ được vận chuyển đi đến trạm trung chuyển hay cơ sở xử lý.
- Thu gom tại nhà: nhân viên thu gom chất thải đến từng hộ gia đình, mang thùng chứa chất thải đến xe thu gom, đổ sạch và trả về chỗ cũ. Đây là hình thức không có sự tham gia của cư dân. Hình thức thu gom tại nhà đang được sử dụng phổ biến tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam bộ.
Công tác xã hội hóa việc thu gom và vận chuyển CTRSH đang được thực hiện rộng rãi ở nhiều nơi. Tại các thành phố, thị xã và khu vực thị trấn tại các huyện có Công ty môi trường đô thị (URENCO) hay Công ty dịch vụ công ích thành phố, quận/huyện đảm nhận việc thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH đô thị. Hiện nay nhiều địa phương đã và đang triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới nên công tác thu gom, vận chuyển CTR nông thôn có chuyển biến tích cực, đã có tổ thu gom CTRSH, bố trí phương tiện thu gom, vận chuyển CTRSH. Tuy nhiên, tại khu vực nông thôn ở hầu hết các địa phương còn thiếu thiết bị thu gom và phương tiện vận chuyển CTRSH chuyên dụng.
Phương thức thu gom, vận chuyển CTRSH của Thành phố Hồ Chí Minh: Hệ thống thu gom bao gồm hai hình thức dân lập và công lập, trong đó: - Thu gom dân lập, hợp tác xã: chiếm 60% công tác thu gom tại nguồn (hình thức thu gom tại nhà), đối tượng là hộ gia đình trong hẻm. - Thu gom công lập (công ty dịch vụ công ích quận/huyện và công ty môi trường đô thị): chiếm 40% công tác thu gom tại nguồn, đối tượng là hộ gia đình mặt tiền đường, hộ kinh doanh, sản xuất… với hình thức thu gom vỉa hè và tại nhà. - Phương tiện thu gom tại nguồn bao gồm xe đẩy tay 660L, xe ba gác, xe lam tự chế và xe tải nhỏ (500 kg). Hiện nay, thành phố có khoảng 703 điểm hẹn để tập kết chất thải từ các phương tiện thu gom tại nguồn lên phương tiện cơ giới để vận chuyển về hai khu xử lý chất thải tập trung của thành phố. Mô hình điểm hẹn hiện nay phát sinh nhiều bất cập như ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng giao thông và mỹ quan đô thị. Do đó, thành phố đã định hướng hạn chế quy mô hoạt động của các điểm tập kết rác trên đường phố: mỗi điểm tập kết rác không quá 03 thùng đẩy tay 660L, thời gian hoạt động không quá 15 phút; sau thời gian hoạt động phải được quét dọn, phun xịt vệ sinh, khử mùi. (2) Hệ thống trung chuyển và vận chuyển: Trạm trung chuyển được sử dụng để trung chuyển CTR từ xe thu gom và những xe vận chuyển nhỏ sang các xe vận chuyển lớn và khi đoạn đường vận chuyển đến các cơ sở tái chế và bãi chôn lấp quá xa làm cho việc vận chuyển trực tiếp chất thải sau thu gom không kinh tế. Trên địa bàn thành phố hiện có 27 trạm trung chuyển với khoảng hơn 500 xe ép, hooklift. (Nguồn: Sở TNMT Thành phố Hồ Chí Minh, 2019) |
Tỷ lệ thu gom và vận chuyển
a) Thu gom, vận chuyển CTRSH đô thị
Tại các đô thị, việc thu gom, vận chuyển CTRSH thường do doanh nghiệp công ích thực hiện. Thời gian qua, với chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường của Nhà nước, đã có các đơn vị tư nhân tham gia vào công tác thu gom, vận chuyển CTRSH tại đô thị. Nguồn kinh phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển CTRSH đô thị hiện nay do Nhà nước bù đắp một phần từ nguồn thu phí vệ sinh trên địa bàn. Tại một số đô thị lớn như Hà Nội, nguồn kinh phí cho các đơn vị vệ sinh môi trường hàng năm sử dụng từ nguồn chi sự nghiệp môi trường giao qua quận, huyện, thị xã và Sở Xây dựng cùng nguồn thu phí dịch vụ vệ sinh môi trường.
Tỷ lệ thu gom CTRSH theo từng năm: Tỷ lệ thu gom CTRSH tăng theo từng năm, tỷ lệ thu gom năm 2010 đạt 81%, năm 2011 đạt 82%, năm 2012 đạt 83%, năm 2013 đạt 83,5 - 84% và năm 2017 đạt 85,5%. Thời gian gần đây, việc thu gom, vận chuyển CTR đã được xã hội hóa, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã tham gia đầu tư thu gom, vận chuyển CTR. (Nguồn: Bộ Xây dựng, 2019b) |
Tỷ lệ thu gom CTRSH đô thị trung bình cả nước đạt khoảng 92%. Như vậy, còn 8% khối lượng CTRSH không được thu gom và bị thải bỏ vào môi trường xung quanh. Các thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ lệ thu gom CTRSH đô thị tương đối cao (Hà Nội đạt 99,0%, Thành phố Hồ Chí Minh đạt 100%, Cần Thơ đạt 95,5%, Đà Nẵng đạt 100%, Hải Phòng đạt 97,0%). Ngoài ra, tại các đô thị, nhiều trạm trung chuyển, một số điểm tập kết còn có hiện tượng tồn đọng CTRSH kéo dài, gây mùi khó chịu, khiến người dân bức xúc do môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Tỷ lệ thu gom CTRSH đô thị cao nhất là vùng Đông Nam Bộ với 98,6%; tiếp theo là vùng ĐBSH với 96,8%; thấp nhất là vùng Tây Nguyên với 62,5%.
Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý tại khu vực đô thị (theo vùng, 2019)
TT | Vùng | Khối lượng phát sinh | Khối lượng thu gom (tấn/ | Tỷ lệ thu gom | |
---|---|---|---|---|---|
(tấn/ngày) | ngày) | ||||
|
|
| |||
|
|
|
|
| |
1 | Đồng bằng sông Hồng | 8.466 | 8.191 | 96,8% | |
|
|
|
|
| |
2 | Trung du và miền núi phía Bắc | 2.740 | 2.255 | 82,3% | |
|
|
|
|
| |
3 | Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung | 6.717 | 5.705 | 84,9% | |
|
|
|
|
| |
4 | Tây Nguyên | 1.485 | 929 | 62,5% | |
|
|
|
|
| |
5 | Đông Nam Bộ | 12.639 | 12.457 | 98,6% | |
|
|
|
|
| |
6 | Đồng bằng sông Cửu Long | 3.577 | 3.159 | 88,3% | |
|
|
|
|
| |
| Cả nước | 35.624 | 32.695 | 91,8% | |
|
|
|
|
|
(Nguồn: Bộ TNMT, 2019a)
Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị (theo vùng, 2019). (Nguồn: Bộ TNMT, 2019a) |
b) Thu gom, vận chuyển CTRSH nông thôn
Tại khu vực nông thôn, việc thu gom, vận chuyển CTRSH phần lớn là do các hợp tác xã, tổ đội thu gom tự quản đảm nhiệm với chi phí thu gom thỏa thuận với người dân đồng thời có sự chỉ đạo của chính quyền địa phương. Mức thu và cách thu tùy thuộc vào từng địa phương.
Tại nhiều khu vực nông thôn, do không thuận tiện về giao thông, dân cư không tập trung, nên còn tồn tại hiện tượng người dân tự tiêu hủy chất thải tại gia đình bằng các hình thức thủ công hoặc vứt bừa bãi chất thải ra sông suối, đổ thải tại khu vực đất trống mà không có sự quản lý của chính quyền địa phương. Nếu CTRSH được thu gom thì hầu hết cũng để lộ thiên tập trung tại một khu vực riêng, không có các quy trình BVMT hợp vệ sinh (lót thành đáy hố chôn, thu gom và xử lý nước rỉ rác, lấp đất che phủ…) hoặc được xử lý bằng hình thức đốt thủ công.
Theo thống kê sơ bộ, tỷ lệ thu gom CTRSH nông thôn trung bình toàn quốc đạt khoảng 66% và có sự chênh lệch lớn giữa các địa phương. Một số địa phương có tỷ lệ thu gom CTRSH nông thôn cao như Hà Nội (88,0%), Ninh Thuận (85,8%), Đồng Nai (98,9%); trong khi đó, một số tỉnh có tỷ lệ thu gom thấp như Hòa Bình (31,0%), Đắk Lắk (22,4), Điện Biên (12,0%) và thấp nhất là Lai Châu (11,7%). Nếu xét theo vùng, vùng Đông Nam Bộ có tỷ lệ thu gom cao nhất (87,5%); tiếp đến là vùng ĐBSH (84,7%); vùng có tỷ lệ thu gom thấp nhất là Tây Nguyên (29,1%).
Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý tại khu vực nông thôn (theo vùng, 2019)
TT | Vùng | Khối lượng phát sinh | Khối lượng thu gom | Tỷ lệ thu gom | |
---|---|---|---|---|---|
(tấn/ngày) | (tấn/ngày) | ||||
|
|
| |||
|
|
|
|
| |
1 | Đồng bằng sông Hồng | 7.629 | 6.459 | 84,7% | |
|
|
|
|
| |
2 | Trung du và miền núi phía Bắc | 2.949 | 1.529 | 51,8% | |
|
|
|
|
| |
3 | Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung | 7.371 | 4.628 | 62,8% | |
|
|
|
|
| |
4 | Tây Nguyên | 1.443 | 420 | 29,1% | |
|
|
|
|
| |
5 | Đông Nam Bộ | 3.150 | 2.758 | 87,5% | |
|
|
|
|
| |
6 | Đồng bằng sông Cửu Long | 5.852 | 2.871 | 49,1% | |
|
|
|
|
| |
| Cả nước | 28.394 | 18.665 | 65,7% | |
|
|
|
|
|
(Nguồn: Bộ TNMT, 2019a)
Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn (theo vùng, 2019). (Nguồn: Bộ TNMT, 2019a) |
Tại khu vực các vùng sâu, vùng xa, xã đảo, việc thu gom, vận chuyển, xử lý CTR còn gặp khó khăn như: việc thu gom và vận chuyển CTR vào đất liền, khu vực tập trung để xử lý của cấp huyện không đảm bảo hiệu quả về kinh tế và môi trường (cự ly vận chuyển xa, chi phí cao, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường khi vận chuyển trên biển), diện tích đất đảo không lớn nên việc lựa chọn vị trí xây dựng các bãi chôn lấp CTR khó khăn (quy mô, diện tích, khoảng cách an toàn môi trường…); khối lượng CTR phát sinh không đủ lớn để đầu tư các lò đốt CTR đảm bảo công suất theo quy định.