Ưu điểm của công nghệ thủy nhiệt để xử lý rác thải sinh hoạt

06/06/2020 11:43 Công nghệ, thiết bị
Công nghệ thủy nhiệt không sử dụng hóa chất, không phát thải khí nhà kính; Rác thải sinh hoạt không cần phân loại, rút ngắn thời gian xử lý rác thải hữu cơ…
Kinh nghiệm xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình
uu diem cua cong nghe thuy nhiet de xu ly rac thai sinh hoat

Một nhà máy xử lý rác điện khí hóa ở Hưng Yên. Ảnh: Gia Chính.

Việt Nam hiện có năm mô hình xử lý rác thải phổ biến, bao gồm: đốt rác phát điện; xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành phân vi sinh; chôn lấp; điện khí hóa và đốt rác thông thường.

Mỗi năm, lượng rác thải sinh hoạt sản sinh trên cả nước khoảng 25,5 triệu tấn, trong đó hơn 75% được xử lý bằng chôn lấp. Tuy nhiên, chỉ 30% số này là chôn lấp hợp vệ sinh. Quỹ đất dành cho việc chôn lấp ở nhiều tỉnh thành ngày càng hạn hẹp. Do đó đốt rác phát điện đang là phương án được nhiều địa phương lựa chọn.

Tuy nhiên, chúng ta chưa phân loại được rác thải tại nguồn nên khi đốt sẽ thải ra khí dioxin (chất độc da cam) mà phải dùng công nghệ rất hiện đại mới có thể xử lý được. Do đó, cần phải lựa chọn được công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt phù hợp cả về giá thành và đảm bảo vấn đề môi trường.

Công nghệ thủy nhiệt để xử lý chất thải sinh hoạt được phòng thí nghiệm của GS Yoshikawa đại học Công nghệ Tokyo nghiên cứu và áp dụng tại các nước phát triển có những ưu điểm sau: Không sử dụng các nguồn năng lượng thứ cấp, không sử dụng hóa chất, không phát thải khí nhà kính; Rác thải sinh hoạt không cần phân loại, rút ngắn thời gian xử lý rác thải hữu cơ trong 3h, loại bỏ hết các vi sinh vật gây bệnh; 60% lượng rác thải sinh hoạt sẽ chuyển hóa thành nhiên liệu than chất lượng xấp xỉ than Đồng bằng sông Hồng

Nguyên lý của phương pháp thủy nhiệt được mô tả như sau: Rác thải hữu cơ không cần phân loại được đưa trực tiếp vào thiết bị thủy nhiệt bằng cơ cấu cơ khí tự động hoặc. Hơi nước có nhiệt độ và áp suất cao (khoảng 220oC và 2,5Mpa) sẽ phun vào thiết bị thủy nhiệt. Với hơi nước ở nhiệt độ cao và áp suất cao, phần hữu cơ của rác thải sẽ bị tác nhân hơi nước xử lý thủy nhiệt trong thời gian 2h-3h. Trong quá trình phản ứng thủy nhiệt, hơi nước thừa sẽ được đưa ra ngoài qua thiết bị ngưng tụ và trao đổi nhiệt. Nước ngưng sẽ vào hệ thống xử lý nước thải chung. Sau khi kết thúc phản ứng, tiến hành hạ áp và ly tâm để tách sản phẩm lỏng và rắn. Nước tách từ quá trình ly tâm sẽ đưa vào hệ thống xử lý nước thải tập trung. Sản phẩm rắn thu được sau quá trình thủy nhiệt sẽ để khô tự nhiên trong 1 ngày. Sản phẩm thu được sẽ sử dụng 15% để làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất hơi nước. 85% thu được sẽ là nhiên liệu rắn có đặc tính kỹ thuật xấp xỉ than đồng bằng sông Hồng.

Công nghệ thủy nhiệt đã được áp dụng tại các nước như Indonexia, Thượng Hải, Thái Lan và Nhật Bản để xử lý rác thải hữu cơ chưa qua phân loại.

Dương Thu
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động