VICEM Bút Sơn tiên phong chuyển đổi sản xuất xanh và sử dụng năng lượng hiệu quả

16/02/2023 09:45 Tăng trưởng xanh
Từ năm 2020, VICEM Bút Sơn đã sử dụng sử dụng chất thải từ các ngành công, nông nghiệp khác như bùn thải, rác thải, tro, xỉ, thạch cao nhân tạo, và mới đây khởi công dự án “Đầu tư xây dựng công trình tận dụng nhiệt thừa khí thải dây chuyền 1 và dây chuyền 2 để phát điện”… nhằm tiên phong chuyển đổi sản xuất xanh và sử dụng năng lượng, năng lượng tái tạo hiệu quả, góp phần giải quyết các vấn đề về môi trường cho đất nước.

Thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Đề án tái cấu trúc toàn diện Tổng công ty giai đoạn 2019 - 2025 đã được Bộ Xây dựng phê duyệt; thực hiện kế hoạch 5 năm; VICEM đẩy mạnh tái cấu trúc toàn diện; tập trung đổi mới sáng tạo. Hiện VICEM đang rà soát các dây chuyền sản xuất clinker để xử lý nút thắt, tiết giảm chi phí sản xuất, đẩy mạnh xử lý rác, tăng sử dụng nguyên nhiên liệu thay thế; vừa đảm bảo hiệu quả trực tiếp cho doanh nghiệp, đồng thời chung tay cùng xã hội, cộng đồng, đất nước góp phần xử lý các vấn đề môi trường.

VICEM Bút Sơn tiên phong chuyển đổi sản xuất xanh và sử dụng năng lượng hiệu quả
VICEM Bút Sơn là một trong các doanh nghiệp ngành Xi măng tiên phong chuyển đổi sản xuất xanh và sử dụng năng lượng, năng lượng tái tạo hiệu quả, góp phần giải quyết các vấn đề về môi trường cho đất nước.

Với quyết tâm cao, từ năm 2019 đến nay, VICEM Bút Sơn là một trong những đơn vị đi đầu trong VICEM triển khai các chương trình đổi mới sáng tạo. Trải qua 25 năm xây dựng, phát triển; trước khi cải tạo, dây chuyền 1 của VICEM Bút Sơn (do hãng Technip - Pháp thiết kế, cung cấp và lắp đặt) chưa đạt năng suất thiết kế, tiêu hao điện, nhiệt ở mức cao. Vận tốc liệu tại đáy C4, C5 quá cao so với tiêu chuẩn; do thời gian lưu liệu trên calciner ngắn nên phải sử dụng than có phẩm cấp cao. Đây là nút thắt lớn cần tháo gỡ, nhất là trong bối cảnh thị trường xi măng dư cung, thiếu than và phải sử dụng than cám có phẩm cấp thấp.

Sau khi khảo sát hiện trường, lập phương án cải tạo, báo cáo kinh tế kỹ thuật; VICEM Bút Sơn ra phương án cải tạo; thành lập hội đồng, tổ nhóm chuyên trách; cùng nhà thầu (Công ty Amic) và đơn vị thi công (LILAMA 69.3 - Burtech) lên tiến độ thi công chi tiết từng hạng mục; chuẩn bị mặt bằng trước khi dừng lò; các công việc khi dừng lò. Đồng thời, kiểm tra giám sát đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc phát sinh. VICEM Bút Sơn đã cải tạo thành công calciner để nâng thời gian lưu liệu; thay 2 ống lồng C5; thay cyclone C5 để giảm sụt áp và giảm vận tốc gió, tốc độ liệu...

Hiệu quả từ cải tạo, xử lý nút thắt dây chuyền công nghệ ở VICEM Bút Sơn được chứng minh bằng thực tế kết quả sản xuất, kinh doanh của DN. Năng suất tăng từ 3.950 tấn clinker/ngày lên 4.502, 2 tấn clinker/ngày; giảm tiêu hao than về 798,18 kcal/kg clinker; tiết kiệm điện 1 năm 6,9 tỷ đồng; tiết kiệm than 1 năm 25,524 tỷ đồng.

Từ những cải tiến đột phá trên, năng suất lò của VICEM Bút Sơn luôn vượt chỉ tiêu đặt ra; mục tiêu ban đầu là đưa năng suất lò từ 3.950 tấn clinker/ngày lên 4.100 tấn clinker/ngày; nhưng hiện dây chuyền đang vận hành 4.400 - 4.500 tấn clinker/ngày; chỉ tiêu điện giảm 3kw/tấn; tiêu hao nhiệt giảm. Từ thiết kế ban đầu sử dụng than phẩm cấp cao, kèm dầu; giờ dùng than phẩm cấp thấp, sử dụng được nguồn nhiên liệu thay thế là rác thải 27 - 28%, đưa VICEM Bút Sơn trở thành DN có chi phí biến đổi thấp nhất VICEM, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh; giúp DN xử lý các vấn đề môi trường cho xã hội và đất nước.

VICEM Bút Sơn tiên phong chuyển đổi sản xuất xanh và sử dụng năng lượng hiệu quả
Ngày 09/02/2023, Công ty Cổ phần Xi măng VICEM Bút Sơn (Hà Nam) đã tổ chức lễ khởi công dự án “Đầu tư xây dựng công trình tận dụng nhiệt thừa khí thải dây chuyền 1 và dây chuyền 2 để phát điện”.

Là một trong những DN tiên phong trong ngành Xi măng chuyển đổi sản xuất xanh và sử dụng năng lượng, năng lượng tái tạo hiệu quả, triển khai kinh tế tuần hoàn, từ năm 2020, VICEM Bút Sơn đã sử dụng sử dụng chất thải từ các ngành công, nông nghiệp khác (bùn thải, rác thải), tro, xỉ, thạch cao nhân tạo... để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên không tái tạo (đá vôi, sét, than...) nhằm giảm giá thành sản xuất; đồng thời góp phần giải quyết các vấn đề về môi trường cho đất nước. Đến năm 2021, Công ty đã tối ưu hóa hệ thống, nâng tỷ lệ đốt rác lên 21-22%.

Ngày 07/11/2022, VICEM Bút Sơn đã được Bộ TN&MT cấp Giấy phép cho sử dụng chất thải rắn thông thường, chất thải rắn nguy hại làm nguyên, nhiên liệu thay thế và đồng xử lý chất thải trong sản xuất xi măng. Sau khi được sự chấp thuận của Bộ TN&MT và UBND tỉnh Hà Nam, VICEM Bút Sơn thử nghiệm vận hành đồng xử lý chất thải nguy hại, khối lượng xử lý tăng thêm 1.400 tấn chất thải nguy hại/tháng, gồm bùn thải nguy hại, các loại đất đá thải có nhiễm thành phần nguy hại, giẻ lau dính dầu, nhựa vụn dính dầu, chất hấp thụ, vật liệu lọc giẻ lau; dầu thải, nhũ tương thải, sơn, vecni thải…

Thời gian tới, VICEM Bút Sơn đẩy mạnh triển khai với mục tiêu đạt tỷ lệ thay thế nhiệt lên đến 40 - 50%, sử dụng chất thải đa dạng, nâng cao tỷ lệ sử dụng bùn thải kết hợp đồng xử lý chất thải nguy hại, đẩy mạnh sử dụng tro xỉ, thạch cao nhân tạo. Mở rộng nghiên cứu, triển khai VLXD carbon thấp và tham gia quá trình chuyển đổi xây dựng không carbon. Nghiên cứu các dòng sản phẩm xi măng, bê tông thân thiện hơn với môi trường như xi măng sử dụng cấp phối là VLXD đổ thải; bê tông sử dụng cát biển và nước biển cho các vùng hải đảo, vùng bị ảnh hưởng bởi ngập mặn; xi măng đất sét nung LC3…Khai phá tiềm năng về năng lượng tái tạo trong nhà máy xi măng (năng lượng mặt trời, phát điện nhờ tận dụng các nguồn nhiệt phát thải có nhiệt thấp hơn và từ đốt rác thải…) nhằm giảm thiểu phát thải từ điện để giảm phát thải CO2 ròng. Đồng thời, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ về thu giữ và sử dụng carbon tạo nguồn năng lượng tái tạo tuần hoàn, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trong sản xuất xi măng.

VICEM Bút Sơn là một trong những DN tích cực thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình tận dụng nhiệt thừa khí thải cho hai dây chuyền sản xuất clinker. Dự án đang được triển khai, dự kiến khi đưa vào hoạt động sẽ giúp VICEM Bút Sơn tự chủ được 25 - 30% điện cho sản xuất, giảm bụi và nhiệt phát thải ra môi trường.

Năm 2022, mặc dù tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, ngành Xi măng nói chung, các DN xi măng nói riêng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng VICEM Bút Sơn vẫn đạt được những con số rất ấn tượng. Tổng sản lượng tiêu thụ đạt hơn 3,47 triệu tấn, trong đó xi măng khoảng 3,15 triệu tấn và clinker đạt hơn 322.000 tấn.

Ngày 09/02/2023, Công ty Cổ phần Xi măng VICEM Bút Sơn (Hà Nam) đã tổ chức lễ khởi công dự án “Đầu tư xây dựng công trình tận dụng nhiệt thừa khí thải dây chuyền 1 và dây chuyền 2 để phát điện” với tổng mức đầu tư trên 454 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023.

Đây là một trong các dự án quan trọng hiện thực hóa chiến lược: “Phát triển bền vững, sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn năng lượng, tài nguyên” theo mô hình kinh tế tuần hoàn, lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là tiền đề quan trọng, tạo động lực cho sự phát triển của Công ty.

Khi đi vào hoạt động ổn định, các công trình của dự án sẽ phát huy nhiều ưu điểm như: Tận dụng nhiệt thừa không tốn nhiên liệu để phát điện, giảm khí nhà kính, bụi, tăng hiệu suất sử dụng thiết bị; giảm chi phí vận hành, tăng lợi nhuận…Cụ thể, hệ thống sẽ cung cấp từ 25-30% lượng điện sử dụng cho toàn nhà máy, giảm nhiệt độ thải ra môi trường; gián tiếp giảm 86.000 tấn CO2 do không dùng điện từ nhà máy nhiệt điện; giảm nhiệt độ đầu vào cho các công đoạn sau nồi hơi, làm cho các quạt công nghệ hoạt động ổn định hơn; tăng tuổi thọ và hiệu suất lọc bụi điện, góp phần giải quyết bài toán giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm phát thải CO2 do sử dụng nguồn nguyên liệu thứ cấp. Đồng thời giảm giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của VICEM Bút Sơn.

Sơn Nam

THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO

Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động