Vĩnh Phúc chủ động ứng phó với sự cố chất thải trong các khu công nghiệp
Đến nay tỉnh Vĩnh Phúc có 19 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục phát triển KCN (gồm các KCN: Kim Hoa, Khai Quang, Bình Xuyên, Bình Xuyên II, Bá Thiện, Bá Thiện II, Sơn Lôi, Thăng Long, Tam Dương I, Tam Dương II, Sông Lô I, Sông Lô II, Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa, Nam Bình Xuyên, Lập Thạch I, Lập Thạch II, Phúc Yên, Chấn Hưng, Đồng Sóc) với tổng diện tích 5.487,31ha. Tính đến hết tháng 11/2023, có 16 KCN đã thành lập và Quyết định chủ trương đầu tư (riêng KCN Phúc Yên chưa có chủ đầu tư dự án), trong đó có 08 KCN đi vào hoạt động.
Qua rà soát, hầu hết các doanh nghiệp đều phát sinh chất thải, một trong các loại như sau: Chất thải sinh hoạt, công nghiệp, chất thải nguy hại, nước thải theo 17 loại hình SXKD dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường quy định tại Phụ lục II, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ “Quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT năm 2020”.
Các doanh nghiệp trên địa bàn Vĩnh Phúc thường xuyên tổ chức diễn tập quy mô về công tác ứng phó sự cố môi trường và chất thải. |
Để chủ động BVMT, các DN hoạt động SXKD trong các KCN của tỉnh Vĩnh Phúc đều lập hồ sơ đánh giá tác động môi trường của dự án và thiết kế vận hành các hạng mục công trình BVMT trong hệ thống nhà máy, như: Hệ thống thoát nước mưa, hệ thống xử lý nước thải tập trung, khu vực lưu trữ chất thải rắn, hệ thống quan trắc nước thải tự động…
Bên cạnh việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật về BVMT trong các KCN theo quy chuẩn, chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng tại các KCN cũng thành lập bộ phận chuyên trách BVMT, có trách nhiệm vận hành hệ thống xử lý nước thải, giám sát chặt chẽ hoạt động xả thải của DN; Thường xuyên tổ chức diễn tập quy mô về công tác ứng phó sự cố môi trường và chất thải trong các doanh nghiệp.
Theo Kế hoạch số 254/KH-UBND của UBND tỉnh về ứng phó sự cố chất thải của tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023 – 2030, tỉnh xây dựng các kịch bản ứng phó với 3 loại sự cố chất thải ở dạng chất thải rắn, chất thải lỏng và chất thải khí.
Trên cơ sở lực lượng, phương tiện hiện có, lực lượng phương tiện tăng cường, phối hợp và lực lượng hiệp đồng, Vĩnh Phúc hoàn toàn có khả năng ứng phó và khắc phục sự cố chất thải ở mức độ vừa và nhỏ; thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng” tại các KCN.
Để chủ động ứng phó với sự cố chất thải, UBND tỉnh giao Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh là cơ quan chỉ huy về công tác ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh. Chủ trì việc huy động lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó, khắc phục sự cố chất thải theo kế hoạch của tỉnh.
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tham mưu đề xuất về phương án ứng phó, sử dụng lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó sự cố chất thải có hiệu quả. Tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập, nâng cao trình độ tổ chức, chỉ huy điều hành ở các cấp và hành động phối hợp, hiệp đồng của bộ đội trong công tác ứng phó, khắc phục hậu qua do sự cố chất thải gây ra.
Công an tỉnh tham mưu về công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn trong ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh. Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu công tác quản lý Nhà nước về ứng phó sự cố chất thải; ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn việc triển khai thực hiện Luật BVMT năm 2020 theo quy định.
Đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cộng đồng, phổ biến kiến thức về nguy cơ, hiểm họa của sự cố môi trường để chủ động phòng tránh, ứng phó….
Kế hoạch số 254 về ứng phó sự cố chất thải của tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023 – 2030 là căn cứ quan trọng nhằm khắc phục tình trạng bị động trong ứng phó, giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng của các sự cố môi trường đến con người, góp phần ổn định tình hình kinh tế – xã hội của địa phương.