Vĩnh Phúc nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

17/08/2023 08:18 Địa phương
Với quan điểm “Các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc là công dân của tỉnh, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh”, tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho DN khi đến tìm hiểu đầu tư, cũng như quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) tại Vĩnh Phúc.

Cùng với việc thành lập Tổ công tác đặc biệt giúp Chủ tịch UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN, UBND tỉnh giao các sở, ngành, địa phương chịu trách nhiệm nâng cao các chỉ số thành phần trong bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đồng thời, triển khai đầu tư nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu của DN.

Thông qua các chương trình đối thoại, trao đổi thông tin giữa DN với chính quyền địa phương, tỉnh đã giải đáp thắc mắc, hướng dẫn và giải quyết nhiều đề xuất, kiến nghị của DN; chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan liên quan triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ DNcủa Trung ương.

Vĩnh Phúc nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Giai đoạn từ năm 2021 đến hết tháng 6/2023, tỉnh đã thu hút được 68 dự án FDI mới, 80 lượt tăng vốn đầu tư...

Hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, góp phần làm minh bạch quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi cho DN, việc ứng dụng công nghệ thông tin đối với hoạt động liên quan đến chuyển đổi số được được tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư, triển khai mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực.

Để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, tỉnh giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, tạo nền tảng, cơ sở phát triển nhanh, bền vững, đảm bảo đồng bộ ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã.

Hiện nay, phần mềm một cửa, dịch vụ công (DVC) trực tuyến của tỉnh truy cập tại địa chỉ dichvucong.vinhphuc.gov.vn đã kết nối gần 750 DVC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 với Cổng DVC Quốc gia.

Giai đoạn 2021 - 2023, đã có nhiều hệ thống, phần mềm ứng dụng chuyển đổi số tạo thuận lợi cho DN được triển khai như hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh; ứng dụng Vĩnh Phúc ID; phần mềm hỗ trợ thương mại điện tử đến hộ gia đình; ứng dụng du lịch thông minh…

Trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư, ngay sau khi dịch Covid - 19 được kiểm soát, tỉnh đã chủ động triển khai các hoạt động đối ngoại, tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế, tìm kiếm cơ hội thu hút đầu tư từ các nước: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Italia…

Giai đoạn từ năm 2021 đến hết tháng 6/2023, tỉnh đã thu hút được 68 dự án FDI mới, 80 lượt tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký là 1,78 tỷ USD (đạt 89% mục tiêu cả giai đoạn 2021 - 2025 Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra); 36 dự án DDI mới, 7 lượt tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 17.000 tỷ đồng (đạt 85% mục tiêu cả giai đoạn 2021 - 2025 Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra).

Với các giải pháp đồng bộ, mô hình tăng trưởng kinh tế của tỉnh đang chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu, trong đó, trung tâm đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh từng bước được hình thành, liên kết giữa các thành phần kinh tế, loại hình SXKD trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ.

Qua đó, trung bình mỗi năm, tỉnh giải quyết việc làm cho khoảng 18.000 lao động, tăng thu nhập bình quân thu nhập trên địa bàn tỉnh từ 51,5 triệu đồng/người/năm (năm 2020) lên 58 triệu đồng/người/năm (năm 2022).

Bên cạnh kết quả tích cực từ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho DN của tỉnh, những năm gần đây, cộng đồng DN tỉnh vẫn phải chịu tác động khó khăn chung của tình hình kinh tế thới giới và trong nước.

Mặt khác, hiện nay, công tác GPMB phục vụ xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN) trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, hạ tầng kỹ thuật một số khu, cụm công nghiệp thiếu tính đồng bộ; mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh phân bố chưa đồng đều, chưa có DN thương mại lớn giữ vai trò dẫn dắt thị trường; tỉnh chưa có chính sách đặc thù hỗ trợ DN phát triển trong lĩnh vực du lịch…

Nhằm khai thông các điểm nghẽn, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai một số nhóm giải pháp chính gồm tập trung xử lý các vướng mắc, điểm nghẽn trong các ngành, lĩnh vực, chuẩn bị đầu tư từ sớm, từ xa, khơi thông các nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ; triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025 và các chính sách đặc thù hỗ trợ DN thành lập mới trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài theo hướng có chọn lọc, ưu tiên các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các KCN, CCN.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, loại bỏ những thủ tục về đầu tư không phù hợp với quy định mới của Chính phủ, ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện các TTHC liên quan đến hoạt động của DN; tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận tín dụng, đất đai...

Tăng cường triển khai các chương trình đối thoại giữa DN với người đứng đầu các sở, ngành, địa phương nhằm giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất, khó khăn cho DN.

Minh Phú

THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO

Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động