Xử lý rác thải sinh hoạt thành dinh dưỡng hữu cơ phục vụ cho nông nghiệp xanh

01/10/2021 11:21 Công nghệ, thiết bị
Sách vàng Sáng tạo Việt Nam 2021 vừa vinh danh công trình “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống dây chuyền thiết bị cho nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt thành dinh dưỡng hữu cơ chất lượng cao phục vụ cho nền sản xuất nông nghiệp xanh” do Viện Nghiên cứu Thiết kế chế tạo máy nông nghiệp, Bộ Công thương thực hiện.

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thiết kế chế tạo máy nông nghiệp (RIAM), chủ nhiệm công trình thì rác thải sinh hoạt hiện đang là một trong những nguồn lớn gây ra ô nhiễm môi trường. Theo đó, vấn đề bảo vệ môi trường và quản lý rác thải sinh hoạt hàng ngày càng được nhà nước, xã hội và cộng đồng quan tâm.

Tuy nhiên, nếu quản lý và tái sử dụng hợp lý thì rác thải sinh hoạt cũng là nguồn nguyên liệu đầu vào rẻ, phong phú, mang lại hiệu quả kinh tế và góp phần rất lớn trong việc bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên.

Xử lý rác thải sinh hoạt thành dinh dưỡng hữu cơ phục vụ cho nông nghiệp xanh
Ảnh minh họa

Viện RIAM đã tìm hiểu, chắt lọc, lựa chọn được công nghệ xử lý rác thải chế biến sản xuất thành dinh dưỡng hữu cơ chất lượng cao phục vụ cho nền sản xuất nông nghiệp xanh, đưa ra thị trường được dây chuyền thiết bị đồng bộ, hiện đại phù hợp với điều kiện Việt Nam, khắc phục nhược điểm của một số công nghệ/phương pháp xử lý đã có trong thực tiễn. Đặc biệt, kết quả của công trình đã được chuyển giao vào thực tiễn sản xuất và được doanh nghiệp đánh giá cao.

Điển hình là tại nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt với quy mô 5-10 tấn/h của Công ty cổ phần Môi trường đô thị tỉnh Lào Cai cho thấy, khi triển khai ứng dụng chất lượng của dây chuyền thiết bị đáp ứng tốt các yêu cầu đặt ra, dây chuyền hoạt động ổn định, sản phẩm sau xử lý đạt kết quả tốt. Đồng thời, tiết kiệm nhân lực, năng lượng so với các dây chuyền tương đương trong và ngoài nước, góp phần vào việc nâng cao hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Đình Tùng nhấn mạnh, hệ thống dây chuyền thiết bị của đề tài trong giải pháp này có nhiều ưu điểm nổi trội, nhiều tính mới, khoa học hơn so với mẫu máy trong nước cũng như trên thế giới. Bởi nhiều máy móc, thiết bị chính trong hệ thống dây chuyền đồng bộ này được tích hợp ưu điểm từ nhiều máy của các nước có công nghệ hiện đại phát triển trên thế giới (Đức, Nhật Bản, Mỹ, Anh, Hàn Quốc…), nhưng rất phù hợp với điều kiện ứng dụng ở Việt Nam.

"Hệ thống dây chuyền thiết bị trong giải pháp này được nghiên cứu và chế tạo trong nước tại Viện RIAM 100% không cần nhập khẩu thiết bị (nội địa hóa 100%), góp phần nâng cao khả năng chế tạo trong nước", PGS.TS Nguyễn Đình Tùng nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Tùng, việc ứng dụng thành công sản phẩm của đề tài đem lại hiệu quả kinh tế, kỹ thuật, xã hội to lớn như: Giá thành đầu tư hệ thống dây chuyền thiết bị này tiết kiệm được khoảng 55 tỷ đồng so với hệ thống dây chuyền thiết bị nhập khẩu từ các nước châu Âu (Đức, Pháp); tiết kiệm được khoảng 27 tỷ đồng so với hệ thống dây chuyền thiết bị nhập khẩu từ các nước châu Á (Hàn Quốc, Nhật Bản).

Ngoài ra, chi phí vận hành cho sản xuất khoảng 15-30% so với hệ thống dây chuyền thiết bị nhập khẩu từ Trung Quốc, Pháp; khoảng 25-45% so với hệ thống dây chuyền thiết bị tương tự trong nước đã có/đã sử dụng của cơ sở.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng thành công đề tài còn góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện điều kiện sống đối với doanh nghiệp và bà con nông dân, đặc biệt là các bà con dân tộc thiểu số tại Lào Cai; cải thiện điều kiện làm việc, an toàn lao động cho người lao động. Bởi trước đây thường doanh nghiệp chưa sử dụng thiết bị xử lý mà thường chôn lấp, gây ô nhiễm môi trường nước, môi trường không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường của người lao động…

Mặt khác, việc sử dụng thiết bị trong giải pháp này còn góp phần bảo vệ môi trường, do có thể sử dụng nguồn hữu cơ từ rác thải sinh hoạt sau khi phân ly, tách ra để sản xuất thành dinh dưỡng hữu cơ chất lượng cao, thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững../.

Trần Chiến
Xin chờ trong giây lát...

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn

Phiên bản di động