Ý nghĩa và lịch sử ngày đại lễ 30/4 và 1/5
Ngày 30/4 là ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, giải phóng dân tộc do Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Chiến thắng vào ngày 30/4/1975 đánh dấu mốc son vàng chói lọi trong lịch sử, mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước ta. Quân và dân ta đã đánh thắng đế quốc Mỹ - kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất trên thế giới lúc bấy giờ và chính quyền tay sai ở miền Nam, giành lại độc lập, chủ quyền và kết thúc cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất cho tổ quốc.
Ngày 1/5 là ngày lễ quốc tế của tầng lớp nhân dân lao động, bắt nguồn từ những cuộc xung đột giữa chủ và công nhân trong thời kỳ lớn mạnh của các quốc gia tư bản chủ nghĩa (vào nửa cuối thế kỉ 19). Lúc bấy giờ, sản xuất công nghiệp tại các nước này tăng mạnh, kéo theo đó là sự bóc lột nặng nề lên công nhân lao động. Trải qua nhiều cuộc đấu tranh và bị đàn áp nặng nề. Nhưng sau cùng, công cuộc đấu tranh của họ đã thành công và những yêu cầu của họ cũng được chấp thuận.
Sau này, ngày 1/5 chính thức được Quốc tế Cộng sản II lấy làm ngày kỷ niệm, biểu dương lực lượng và cuộc đấu tranh chung của tầng lớp vô sản các nước.
Ngoài ra, tại Việt Nam ngày 1/5 còn là ngày kỷ niệm phong trào đấu tranh chống thực dân, đế quốc, đánh dấu sự giành lại độc lập - tự do - dân chủ, cũng như những quyền lợi về kinh tế – xã hội. Đồng thời còn mang ý nghĩa tạo động lực cho công nhân, nông dân cả nước, biểu dương tinh thần đoàn kết cách mạng với công dân quốc tế.
Có thể nói, ngày lễ 30/4 và 1/5 không chỉ mang ý nghĩa lịch sử mà còn mang ý nghĩa tinh thần vô cùng sâu sắc. Đó là những ngày để chúng ta tri ân quá khứ, hướng tới tương lai, để lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết dân tộc được hun đúc và bồi đắp lớn mạnh.