Yên Bái: Những dấu hiệu tích cực lĩnh vực kinh tế 6 tháng đầu năm

10/07/2022 17:23 Địa phương
Kinh tế của tỉnh Yên Bái 6 tháng đầu năm 2022 tiếp tục khởi sắc, đạt nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 7,57%, đứng thứ 7/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, cao nhất trong 5 năm gần đây; vấn đề an sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo…

* Thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt trên 2.090 tỷ đồng, bằng 80,8% dự toán Trung ương giao

Tại Hội nghị ra mắt, phát hành cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh tập III (2001 - 2020)” và cung cấp thông tin định kỳ trong Đảng ngày 28/6/2022, Đồng chí Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, cấp ủy, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Yên Bái đã tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, có nhiều đổi mới, sáng tạo, nỗ lực triển khai nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của năm 2022, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện 3 đột phá chiến lược và 7 nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh và Chương trình hành động số 56 của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường và đạt nhiều kết quả quan trọng. Đã chỉ đạo sớm hoàn thành 100% Đại hội chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở nhiệm kỳ 2022-2025, bảo đảm tiến độ đề ra (xong trước ngày 10/6/2022) và thành công tốt đẹp, kể cả ở những nơi có sắp xếp lại thôn, bản, tổ dân phố.

Triển khai thí điểm, tiến tới nhân rộng nền tảng “Sổ tay đảng viên điện tử” phục vụ sinh hoạt chi bộ. Đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh theo chỉ đạo của Trung ương; đồng thời, quan tâm lãnh đạo chỉ đạo giải quyết kịp thời các vụ việc, vụ án được dư luận quan tâm; giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở.

Yên Bái: Những dấu hiệu tích cực lĩnh vực kinh tế 6 tháng đầu năm
Kinh tế của tỉnh 6 tháng đầu năm tiếp tục phát triển, đạt nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện.

Kinh tế của tỉnh 6 tháng đầu năm tiếp tục phát triển, đạt nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 7,57%, đứng thứ 7/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, cao nhất trong 5 năm gần đây.

Cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đạt kết quả rất tích cực; tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 5,44% (cao hơn 2 lần bình quân chung cả nước). Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,9%; tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 12,54%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 11.500 tỷ đồng (giá SS 2010), tăng 9,6% so với cùng kỳ, đứng thứ 5/14 tỉnh trong vùng. Giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 147 triệu USD, tăng 49% so với cùng kỳ.

Hoạt động du lịch phục hồi nhanh chóng, toàn tỉnh đã đón trên 805 nghìn lượt khách, tăng 59,6% so với cùng kỳ, doanh thu đạt gần 525 tỷ đồng, tăng 96,5% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt trên 2.090 tỷ đồng, bằng 80,8% dự toán Trung ương giao, bằng 45,4% dự toán tỉnh giao, tăng 33,6% so với cùng kỳ. Hệ thống cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư trọng tâm, trọng điểm. Giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 2.035 tỷ đồng, bằng 50% kế hoạch.

Tiếp tục thực hiện các biện pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế. Năm 2021, Chỉ số cải cách hành chính đứng thứ 21/63 tỉnh, thành tăng 3 bậc so với năm 2020, chỉ số hài lòng của doanh nghiệp, người dân về sự phục vụ của các cơ quan hành hành (SIPAS) đứng thứ 14/63 tỉnh, tăng 2 bậc so với năm 2020.

Văn hóa - xã hội được quan tâm chăm lo và có nhiều tiến bộ; chất lượng giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên; đặc biệt đã làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo phương châm kiểm soát rủi ro. Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, được chú trọng. Trong 6 đã giải quyết việc làm cho gần 13.200 lao động, bằng 67,7% kế hoạch, đứng thứ 4/14 tỉnh trong vùng; chuyển dịch trên 4.500 lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, bằng 68,9% kế hoạch.

Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người có công, người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội. Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch xây dựng con người Yên Bái “thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” và kế hoạch nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân.

Tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số với mong muốn tận dụng những thời cơ mang lại từ quá trình chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình hội nhập, là cơ hội để Yên Bái có thể “đuổi kịp, tiến cùng”, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; công tác cải cách tư pháp, nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt.

"Kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị trong 6 tháng đầu năm là dấu hiệu tích cực, là cơ sở, tiền đề quan trọng để chúng ta tiếp tục phấn đấu hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ chính trị năm 2022 và của cả nhiệm kỳ 2020 - 2025" - Đồng chí Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái nhấn mạnh.

* Giải quyết việc làm cho gần 11.000 lao động trong 5 tháng đầu năm

Theo Cục Thống kê tỉnh Yên Bái, trong 6 tháng đầu năm 2022, bên cạnh những thuận lợi và khó khăn chung của nền kinh tế trong nước, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái gặp không ít khó khăn, thách thức như: Một số doanh nghiệp trong tỉnh có năng lực quản lý, năng suất lao động và sức cạnh tranh còn hạn chế; rét đậm, rét hại, mưa lớn làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất và đời sống các tầng lớp dân cư trong tỉnh.

Nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh thực hiện tốt Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/1/2022 của Chính phủ, các Nghị quyết của HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; cộng với sự phấn đấu khắc phục khó khăn của các địa phương, đơn vị sản xuất kinh doanh. Hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ sáu tháng đầu năm trên địa bàn đạt được những kết quả nhất định trên từng ngành, từng lĩnh vực.

Về tình hình kinh tế, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) 6 tháng năm 2022 ước tăng 7,57% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 6,9% của cùng kỳ và kịch bản tăng trưởng là 7,28%. Trong đó công nghiệp tiếp tục đóng vai trò động lực chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng mạnh 14,14%; nhóm nông, lâm nghiệp, thủy sản và nhóm ngành dịch vụ tăng trưởng ổn định.

Sản xuất nông, lâm và thủy sản phát triển ổn định, giá trị tăng thêm Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,44%. Sản xuất công nghiệp tháng 6 và 6 tháng đầu năm tăng 14,14% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,62% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu vận tải tăng 11,49% so với cùng kỳ; tuy nhiên, vận tải hành khách và hàng hóa vẫn gặp nhiều áp lực do giá xăng dầu tăng.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng theo giá hiện hành ước đạt 7.024,1 tỷ đồng, tăng 7,47% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng này cho thấy tín hiệu tích cực trong việc huy động và sử dụng vốn đầu tư phát triển kinh tế. Thu cân đối ngân sách và chi đầu tư phát triển tăng mạnh so với cùng kỳ lần lượt là tăng 22,6% và 18,9%.

Về tình hình xã hội, 5 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã hỗ trợ giải quyết việc làm cho 10.978 lao động đạt 56,3% kế hoạch năm 2022, tăng 16,33% (tăng 1.541 lao động) so với cùng kỳ năm 2021. Công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện. Về công tác giảm nghèo, hiện tại tỉnh có 39.721 (18,07%) hộ nghèo và 2.261 hộ chính sách được hỗ trợ tiền điện. Kết quả cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách là 666,3 tỷ đồng.

Tổng số lượt khám chữa bệnh 6 tháng đầu năm là 703.844 lượt, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2021 (743.536 lượt). Số lượt điều trị nội trú là 59.425 lượt, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2021 (65.600 lượt). Các chỉ số khác đa phần giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021.

6 tháng đầu năm 2022, tỉnh Yên Bái đã tổ chức đón trên 45 đoàn với hơn 27.200 lượt khách. Mở cửa thường xuyên nhà trưng bày và tổ 05 cuộc trưng bày, triển lãm chuyên đề “Tết xưa và nay”; trưng bày trải nghiệm “Phong tục dã bánh dày dân tộc Mông ở Yên Bái”, đón và thu hút trên trên 30.000 lượt khách khách tham quan, trải nghiệm (đạt 71,42% KH).

Thiên tai cũng ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân ở một số địa phương. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện 9 đợt thiên tai do mưa vừa, mưa to và dông kèm lốc, sét, gió giật mạnh và rét đậm, rét hại, tăng 4 vụ so với 6 tháng đầu năm năm 2021, ước tổng giá trị thiệt hại về tài sản trên địa bàn tỉnh là 10 tỷ đồng.

Trần Chiến
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động