Ngành công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc từng bước vượt qua khó khăn
Từ đầu năm 2024 đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Honda Việt Nam có nhiều khởi sắc khi doanh nghiệp này đã cho ra mắt thị trường nhiều mẫu xe mới lần đầu xuất hiện tại Việt Nam. Trong đó có 7 mẫu mô tô phân khối lớn gồm CBR650R, CB650R, NX500, CBR500R, CB500 Hornet và CRF1100L Africa Twin... đây là những dòng sản phẩm đầu tiên của Honda được áp dụng công nghệ ly hợp điện tử Honda E - Clutch, công nghệ ly hợp hoàn toàn tự động đầu tiên trên thế giới dành cho xe mô tô nhiều cấp số. Đồng thời, Honda Việt Nam triển khai nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá, hỗ trợ lệ phí đăng ký, tặng voucher, tặng quà... nhằm kích cầu tiêu dùng, nâng cao sức mua, đẩy mạnh lượng tiêu thụ và sản xuất.
Thời gian qua, ngành công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc từng bước vượt qua khó khăn và khởi sắc. |
Đối với mặt hàng ô tô, Honda Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách kích cầu như ưu đãi, điều chỉnh giá bán cho hai dòng xe chủ lực lắp ráp trong nước là Honda CR-V và Honda City với mức giảm từ 40 triệu đến 80 triệu đồng; hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ cho các dòng xe nhập khẩu là Honda HR-V, Honda BR-V, Honda Accord để thu hút người mua. Nhờ vậy, chỉ tính riêng tháng 8/2024, công ty bán ra thị trường 178.514 xe máy, tăng 13,4% so với cùng kỳ, thể hiện sức tiêu thụ ổn định của thị trường.
Cùng với sự khởi sắc của Honda Việt Nam, bước sang năm 2024, Công ty TNHH Piagio, Khu công nghiệp Bình Xuyên đã đầu tư mở rộng danh mục sản phẩm, bổ sung các dòng xe có nhiều tiềm năng phát triển như thể thao, phân khối lớn, động cơ điện.... Công ty TNHH Polaris Việt Nam, Khu công nghiệp Bá Thiện II đã chính thức khánh thành nhà máy sản xuất xe máy thứ 2 tại Vĩnh Phúc, nâng công suất của doanh nghiệp này lên 10.000 xe mô tô và 30.000 động cơ xe phân khối lớn/năm. Nhờ đó, chỉ số sản xuất xe máy 8 tháng đầu năm tăng 29,62% so với cùng kỳ và trở thành điểm nhấn nổi bật trong số các ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Là một trong 3 trụ cột chính trong cơ cấu công nghiệp của tỉnh, ngành sản xuất linh kiện điện tử tiếp tục giữ vai trò là động lực tăng trưởng khi chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng tăng 11,69% so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay, đã có nhiều dự án, nhà máy sản xuất sản phẩm điện tử đi vào hoạt động. Đơn cử như: Dự án Mitrastar Việt Nam, chuyên sản xuất thiết bị kết nối mạng; dự án Universal Microwave Technology, sản xuất linh kiện truyền dữ liệu; dự án ACC Technologies, sản xuất loa, micro cho điện thoại di động... Các doanh nghiệp ngành linh kiện điện tử đã đầu tư tại tỉnh từ nhiều năm như Compal, BH Flex, DKT Vina, Interflex Vina, Solum Vina nhờ dây chuyền công nghệ, trang thiết bị hiện đại, tự động hóa ở nhiều công đoạn; nhiều doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, có khả năng đáp ứng được các đơn hàng lớn nên tiếp tục có đơn hàng ổn định từ những tập đoàn lớn trên thế giới như Apple, Samsung, Google, Dell…
Dây chuyền lắp ráp xe máy tại Công ty TNHH Piagio tại tỉnh Vĩnh Phúc. |
Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, trong tháng 8/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh ước tăng 0,08% so với tháng trước và tăng 15,94% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 8 tháng đầu năm, IIP toàn ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ước tăng 12,31% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, so với cùng kỳ năm 2023, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,14%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 10,36%; ngành sản xuất ô tô tăng 16,64%; ngành sản xuất xe máy tăng 29,62%; ngành sản xuất linh kiện điện tử tăng 11,69% so với cùng kỳ năm ngoái, tiếp tục giữ vai trò là động lực tăng trưởng của ngành công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc.
Dự báo từ nay đến cuối năm, tình hình sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục khởi sắc khi một số dự án hoàn thành và đi vào sản xuất. Bên cạnh đó, chính sách giảm 50% phí trước bạ cho ô tô có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 nhằm kích cầu mua sắm ô tô sẽ giúp việc sản xuất, kinh doanh của 2 doanh nghiệp lớn là Toyota và Honda tiếp tục tăng trưởng.
Để hoàn thành cao nhất mục tiêu tăng trưởng công nghiệp đã đề ra trong năm 2024, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt công khai, minh bạch thông tin; tập trung phát triển hạ tầng số, các dịch vụ số trong nền kinh tế, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến không giấy tờ, giảm chi phí; tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Về dài hạn, tỉnh tập trung đẩy mạnh tiếp cận, thu hút các nhà đầu tư lớn, các dự án lớn, có tính động lực cao, thúc đẩy tăng trường thông qua việc tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các thị trường truyền thống Bắc Á hướng tới các thị trường mới có thế mạnh về vốn, công nghệ cao như Tây Âu, Bắc Mỹ…
Có thể thấy, với sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự năng động của các doanh nghiệp, ngành công nghiệp của tỉnh từng bước vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, đóng góp tích cực cho nguồn thu ngân sách, thúc đẩy kinh tế, xã hội tiếp tục phát triển.
Đến nay toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có 29 khu công nghiệp (KCN) được quy hoạch, 17 KCN được thành lập với tổng diện tích trên 3.100ha, trong đó có 09 KCN đã đi vào hoạt động. Vĩnh Phúc có 473 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 8,3 tỷ USD và 841 dự án DDI với tổng vốn đầu tư trên 142.000 tỷ đồng. Trên địa bàn hiện có 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào các KCN. Đứng đầu bảng thu hút về vốn đầu tư là Hàn Quốc với 185 dự án, vốn đăng ký đầu tư 2.521,7 triệu USD, chiếm 37,7% tổng vốn đầu tư (VĐT), đứng thứ hai là Đài Loan với 46 dự án, vốn đầu tư 1.187,8 triệu USD, chiếm 17,8% tổng VĐT; đứng thứ ba là Nhật Bản có 49 dự án, vốn đầu tư 1.166,4 triệu USD, chiếm 17,4% tổng VĐT; Thái Lan đứng thứ 4 với 10 dự án, vốn đầu tư 734,4 triệu USD, chiếm 11% tổng VĐT; Trung Quốc đứng thứ 5 với 42 dự án, vốn đầu tư 382,6 triệu USD, chiếm 5,7% tổng VĐT. Còn lại theo thứ tự lần lượt là các dự án đến từ Italia, Singapore, British Virgin Islands, Samoa, CH Seychelles, Hà Lan, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Belize, Indonesia, Tây Ban Nha, CH Mauritius và Pháp (<3% tổng VĐT). Những tháng còn lại của năm 2024, Vĩnh Phúc đặt chỉ tiêu thu hút 3-5 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn 50-70 triệu USD và 2-3 dự án DDI với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn 1.000-1.200 tỷ đồng. Có thêm khoảng 7 dự án đi vào hoạt động SXKD (3 dự án FDI và 4 dự án DDI); vốn thực hiện các dự án FDI đạt khoảng 250-300 triệu USD, của các dự án DDI đạt 500-700 tỷ đồng. Phấn đấu đưa SXKD trong các KCN tiếp tục đi vào ổn định và tăng trưởng khá, cụ thể: Các doanh nghiệp FDI: Doanh thu ước đạt 6.164 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2024; giá trị xuất khẩu đạt 5.263 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2024; nộp ngân sách đạt 3.527 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2024 Các doanh nghiệp DDI: Doanh thu ước đạt 8.000 tỷ đồng, bằng 100% so với cùng kỳ năm 2024; giá trị xuất khẩu 670 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2024; nộp ngân sách 208 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2024 và các doanh nghiệp giải quyết việc làm mới cho khoảng 1.500 lao động trong và ngoài tỉnh. |