Bá Thước đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững
Bức tranh kinh tế chủ đạo
Bá Thước là huyện miền núi, vùng thượng nguồn của hệ thống sông Mã, có vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh của tỉnh Thanh Hóa. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong huyện Bá Thước luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, phát huy tối đa mọi nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường theo hướng bền vững. Việc triển khai được thể chế hóa bằng các nghị quyết, chỉ thị, với các nội dung, giải pháp cụ thể, phù hợp với từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ban, ngành và địa phương.
Thị trấn Cành Nàng - trung tâm huyện lỵ của huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. |
Trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, Huyện ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư vào khai thác các tiềm năng, lợi thế, như: thủy điện, vật liệu xây dựng, khai khoáng, cơ khí, chế biến nông, lâm sản. Tích cực huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng Cụm công nghiệp Điền Trung, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; ưu tiên các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động phổ thông, như: may mặc, da giày, tiểu thủ công nghiệp gắn với các nghề truyền thống để giải quyết việc làm tại chỗ, chuyển dịch cơ cấu lao động. Cạnh đó, quản lý tốt, khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên trong địa bàn, như: đất, nước, khoáng sản gắn với tăng cường bảo vệ môi trường sinh thái. Trong xây dựng, tăng cường quản lý nhà nước về đầu tư; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, ưu tiên dự án: điện, đường, trường, trạm, cơ sở hạ tầng giao thông...
Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, quán triệt quan điểm: “xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…”, huyện Bá Thước đã xây dựng chương trình: “Phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với xây dựng nông thôn mới để giảm nghèo nhanh, bền vững” và thực hiện 02 khâu đột phá: “Phát triển chăn nuôi đại gia súc và sản phẩm có ưu thế cạnh tranh”, “Quản lý, sử dụng có hiệu quả lòng hồ Bá Thước II vào phát triển du lịch và nuôi trồng thủy sản”. Đồng thời, đẩy mạnh tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; lựa chọn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững. Xây dựng các vùng nguyên liệu, cơ sở sản xuất an toàn; xây dựng, quản lý thương hiệu có chỉ dẫn địa lý, xác nhận nguồn gốc sản phẩm.
Nhằm phát huy lợi thế, bảo đảm vững chắc sinh kế cho người dân và thực hiện mục tiêu “an dân”, huyện Bá Thước đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU về phát triển vật nuôi có lợi thế giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo; lựa chọn 06 loại vật nuôi, gồm: bò lai sind, bò úc, lợn cỏ, vịt Cổ Lũng, dê núi, gà đồi và các loại thủy sản lồng bè trên sông Mã, hồ thủy điện; khuyến khích trồng các loại cây có hiệu quả cao, như: rau an toàn, lúa, khoai tây, ngô, cỏ chăn nuôi... Đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái; trồng rừng gỗ lớn; khoán khoanh nuôi; bảo vệ rừng phòng hộ; thâm canh khôi phục rừng luồng; tích cực huy động nguồn lực xã hội xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn phục vụ dân sinh, sản xuất nông nghiệp, phòng, chống thiên tai, nhất là các xã vùng đặc biệt khó khăn, bình quân tiêu chí thấp; bảo đảm cảnh quan, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; từng bước nâng cao đời sống, tinh thần cho người dân.
Trong thương mại, dịch vụ, Bá Thước chủ trương phát triển lĩnh vực này tại thị trấn Cành Nàng và trung tâm các xã Thiết Ống, Điền Lư, Lũng Niêm, Lương Trung. Đẩy mạnh chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh, khai thác chợ; khuyến khích doanh nghiệp xây dựng trung tâm thương mại; tạo điều kiện phát triển hộ kinh doanh; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho doanh nghiệp; mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả các dịch vụ: tài chính, ngân hàng, giao thông vận tải; khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thông tin, thể thao, an sinh xã hội,… bảo đảm tốt cho các ngành sản xuất và hoạt động dân sinh. Đồng thời, đột phá “phát triển kinh tế, xã hội đặc thù khu vực Quốc Thành, trọng tâm là trồng dược liệu và phát triển du lịch”; xây dựng, thực hiện chương trình “phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng” thông qua chương trình hành động, đề án cụ thể. Tập trung quản lý, bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, các di tích đã được xếp hạng; cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học; khôi phục các loại hình văn hóa bản địa, sản phẩm đặc trưng,… để thu hút đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng các điểm du lịch ở khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, lòng hồ thủy điện Bá Thước II, thác Dần Long, thác Mơ,... đưa Bá Thước trở thành điểm du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng của tỉnh Thanh Hóa.
Khu du lịch Pù Luông, Bá Thước, Thanh Hóa. |
Đưa du lịch cộng đồng thành ngành kinh tế mũi nhọn
Theo UBND huyện Bá Thước, năm 2022, huyện đón gần 83.000 lượt du khách, vượt 122% so với năm trước, trong đó khách quốc tế đón gần 5.000 lượt, khách trong nước hơn 77.000 lượt. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 120 tỉ đồng. Đây là năm số lượng du khách đến Bá Thước tăng mạnh sau đại dịch COVID-19, là địa phương đón du khách cao nhất trong số 11 huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa.
Bá Thước hiện có 94 cơ sở lưu trú; trong đó dạng homestay, nghỉ dưỡng tại Khu du lịch Pù Luông là 74 cơ sở, công suất đón trên 1.300 lượt khách/ngày/đêm, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 400 lao động địa phương.
Để được kết quả nêu trên, UBND huyện, các doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp kích cầu du lịch, xúc tiến quảng bá trong và ngoài nước với phương châm "tăng tối đa chất lượng sản phẩm, giảm tối đa giá thành sản phẩm". Trong đó, tập trung phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Hướng du khách đến các điểm đến nổi bật tại bản Hiêu, bản Đôn, bản Kho Mường, bản Báng, bản Nủa, bản Kịt, bản Son - Bá - Mười…từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Bên cạnh sự tăng trưởng của ngành du lịch, năm 2022, tổng giá trị sản xuất của huyện Bá Thước đạt 5.882 tỉ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: ngành nông, lâm, thủy sản tăng 12,3%, ngành công nghiệp - xây dựng tăng 15,9%, ngành dịch vụ tăng 15,5%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/người/năm. Toàn huyện trồng được 550ha rừng tập trung, đạt 110% kế hoạch.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện năm 2022 gần 101 tỉ đồng, đạt 118,8% so với dự toán năm và bằng 132,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2022, có 23 doanh nghiệp thành lập mới đạt 121% so với kế hoạch năm.
Đến nay, toàn huyện có 3 xã và 82 thôn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện đang triển khai các bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Thanh Hóa.
Phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững
Phát huy kết quả đạt được trong năm 2022, năm 2023 và những năm tiếp theo, huyện Bá Thước tập trung phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Trên cơ sở phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao là nền tảng, đẩy mạnh phát triển các dịch vụ, mà mũi nhọn là dịch vụ du lịch.
Ông Võ Minh Khoa, Phó Bí thư huyện Ủy - Chủ tịch UBND huyện Bá Thước. |
Năm 2023, huyện Bá Thước đề ra kế hoạch tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 14,2%; nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 11,0%; công nghiệp - xây dựng tăng 16,2%; dịch vụ tăng 16,1%; thu nhập bình quân/người/năm đạt 36 triệu đồng; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 35.000 tấn. Tổng huy động vốn đầu tư phát triển đạt 1.300 tỉ đồng; tỉ lệ tăng thu ngân sách Nhà nước đạt 10% so với dự toán tỉnh giao. Tỉ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 64,4%. Tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 18,91% (giảm 4,95% so với cùng kỳ). Tỉ lệ độ che phủ rừng đạt 70,4%.
Để đạt được những chỉ tiêu của kế hoạch năm 2023, cấp cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân huyện Bá Thước thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết của Trung ương và tỉnh Thanh Hóa về phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Trong đó, Bá Thước tập trung phát triển nông nghiệp hiệu quả bền vững theo hướng sinh thái gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học, bảo vệ môi trường và giá trị gia tăng cao. Tiếp tục chuyển đổi cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chủ lực của huyện.
Tiếp tục đầu tư phát triển các khu du lịch trọng điểm của huyện như: Khu du lịch Pù Luông, Khu du lịch sinh thái thác Hiêu, xã Cổ Lũng; Khu du lịch Son - Bá - Mười, xã Lũng Cao; Khu du lịch thác Muốn, xã Điền Quang. Đa dạng các sản phẩm du lịch, tăng cường truyền thông, quảng bá xúc tiến du lịch, đưa Bá Thước trở thành điểm đến hấp dẫn của tỉnh Thanh Hóa và cả nước.
Từ nay đến năm 2025, huyện Bá Thước tập trung xây dựng Khu du lịch sinh thái Pù Luông trở thành khu du lịch cộng đồng trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa, có tính chuyên nghiệp, cơ sở vật chất đồng bộ, sản phẩm du lịch đa dạng, đặc trưng, chất lượng cao. Lượng du khách ước đạt 120.000 lượt người/năm, trong đó 30% là khách quốc tế, có 80% tổng lượng du khách lưu trú du lịch cộng đồng. Tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 120 tỉ đồng/năm.
Bên cạnh đó, Bá Thước tập trung triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm đưa địa phương ra khỏi huyện nghèo.
Song song với phát triển kinh tế, huyện Bá Thước luôn quan tâm đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Huy động các nguồn lực để đầu tư, tôn tạo, bảo tồn, nâng cấp các di tích lịch sử, văn hóa có giá trị, gắn với phát triển du lịch ở nơi có điều kiện như: nhà Phủ Mường Khoòng, mộ Nàng Mứn ở xã Cổ Lũng.
Trao đổi với phóng viên, ông Võ Minh Khoa, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho biết: Để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới, huyện Bá Thước sẽ tập trung triển khai thực hiện tốt các chương trình trọng tâm gắn với các khâu đột phá mà Đại hội Đảng bộ Huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Trước mắt, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm và vùng phụ cận đến năm 2040, bảo đảm khoa học, kết nối hài hòa với quy hoạch phát triển chung của tỉnh Thanh Hóa và các địa phương trong vùng. Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế. Tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 13/NQ-CP, ngày 03/02/2021 của Chính phủ về Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 58 gắn với thực hiện có hiệu quả Chương trình 134, 135 và Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững, từng bước hình thành một số sản phẩm hàng hóa chủ lực, có lợi thế, xây dựng thương hiệu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Phát huy những giá trị độc đáo về văn hóa, lịch sử, khí hậu, nhất là khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Khu Son - Bá - Mười, cùng với các di tích, danh thắng trong vùng để quảng bá, huy động nguồn lực đầu tư phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng nhằm chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, lao động trên địa bàn theo hướng nhanh và bền vững.
THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO
Tin mới
Kế hoạch chuyển đổi công nghệ lạnh xanh và môi chất lạnh tự nhiên đối với phân ngành lạnh gia dụng và bán lẻ trong chuỗi lạnh thực phẩm tại Việt Nam
Nghiên cứu thị trường và tình hình sử dụng thiết bị và môi chất lạnh của phân ngành lạnh gia dụng và bán lẻ trong chuỗi lạnh thực phẩm tại Việt Nam
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.