Bắc Ninh: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Công Thương
Sở Công Thương Bắc Ninh cho biết, đơn vị đã tham mưu cho tỉnh Bắc Ninh ban hành kế hoạch hành động thực hiện Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS trong hoạt động xúc tiến thương mại” trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh năm 2022 và kế hoạch khung giai đoạn 2022-2025.
Sở đã triển khai các văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND tỉnh, hướng dẫn của các sở, ban, ngành về công tác CĐS đến toàn bộ công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị. Chỉ đạo Trung tâm phát triển Công Thương hỗ trợ hơn 100 doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, ngành nghề trong tỉnh thiết kế và xây dựng Website thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và sản phẩm trên môi trường mạng; hơn 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh triển khai ứng dụng marketing trực tuyến và gần 1000 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia các sàn giao dịch trực tuyến trên Cổng thương mại điện tử quốc gia và các sàn giao dịch thương mại điện tử khác. Phối hợp với Viettel Bắc Ninh, VNPT Bắc Ninh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bắc Ninh và các tổ chức tín dụng thực hiện mô hình thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ...
Hết năm 2023, ngành Công Thương Bắc Ninh đã tư vấn cải tiến sản xuất cho 7 doanh nghiệp; tư vấn cải tiến theo dự án nhà máy thông minh cho 12 doanh nghiệp. |
Trong lĩnh vực công nghiệp đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ, bên cạnh việc thực hiện các hoạt động khuyến công, Sở Công Thương Bắc Ninh đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt các nội dung tư vấn cải tiến cho các doanh nghiệp theo nội dung chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh và nội dung trong biên bản nhớ giữa Bộ Công Thương, UBND tỉnh Bắc Ninh và Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại Bắc Ninh. Hết năm 2023, tư vấn cải tiến sản xuất cho 7 doanh nghiệp; tư vấn cải tiến theo dự án nhà máy thông minh cho 12 doanh nghiệp. Qua đó, giúp các doanh nghiệp được tiếp cận với phương thức tổ chức sản xuất khoa học; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tại hiện trường; đào tạo cho cán bộ chủ chốt trong nhà máy về cách thức cải tiến, nâng cao chất lượng cũng như khả năng mở rộng sản xuất, kết nối sâu hơn vào chuỗi các giá trị toàn cầu. Sở cũng tham mưu UBND tỉnh ưu tiên thu hút các ngành công nghệ cao như công nghệ thông tin, viễn thông, công nghiệp điện tử, thiết bị tự động tích hợp trí tuệ nhân tạo... tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Công tác thúc đẩy CĐS trên lĩnh vực năng lượng cũng được sở quan tâm. Các đơn vị quản lý, kinh doanh điện trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện tối đa hóa và tự động hóa các mạng lưới cung ứng điện, kết nối các đồng hồ đo điện số để cải thiện tốc độ và sự chính xác của hóa đơn, xác định sự cố về mạng lưới nhanh hơn. Hỗ trợ người dùng cách tiết kiệm năng lượng và phát hiện ra các tổn thất, mất mát điện năng. Thời gian qua, Bộ Công Thương và Sở Công Thương đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn ngành Điện lực Bắc Ninh triển khai các hoạt động CĐS trong lĩnh vực năng lượng. Theo đó, đơn vị tích cực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ CĐS, góp phần nâng cao chất lượng cung ứng điện, giúp khách hàng tiết kiệm điện năng...
Trong hoạt động quản lý, điều hành, sản xuất, kinh doanh, ngành Công Thương đã áp dụng hiệu quả các phần mềm như: quản lý văn bản và hồ sơ công việc (TDOfice); theo dõi bảo hiểm xã hội; quản lý nhân sự; quản lý tài sản cố định; phần mềm một cửa điện tử hiện đại; hệ thống kê khai thuế; hệ thống quản lý và đánh giá về kiểm soát thủ tục hành chính; hệ thống lưu trữ; phần mềm kế toán; cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia. 100% cán bộ, công chức, viên chức được cấp chứng thư số nhân; xử lý tạo hồ sơ công việc và sử dụng chữ ký số trên hệ thống 123/123 thủ tục hành chính thuộc chức năng quản lý của Sở được công khai tại Trung tâm Hành chính công tỉnh và Cổng thông tin điện tử của Sở. 100% hồ sơ được giải quyết sớm và đúng thời hạn theo quy định. Các dịch vụ công được kết nối liên thông trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Ninh: Công tác CĐS không còn là lựa chọn, mà trở thành hướng đi bắt buộc đối với mọi tổ chức, doanh nghiệp, phát huy một số kết quả đã đạt được, thời gian tới Sở Công Thương tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp, như: Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện CĐS. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền cho đoàn viên, người lao động các cơ quan về mua sắm trực tuyến tại các sàn thương mại điện tử Việt Nam, đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm hàng hóa của địa phương. Đồng thời, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật; phát triển các hệ thống nền tảng; xây dựng cơ sở dữ liệu; phát triển các ứng dụng, dịch vụ; bảo đảm an toàn thông tin. Áp dụng, khai thác có hiệu quả các nền tảng số dùng chung do Trung ương và địa phương triển khai. Duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả.
Triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý CĐS cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan và các đơn vị trực thuộc...xem CĐS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm tạo môi trường số toàn diện, an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.