Bắc Ninh: Kinh tế xã hội tiếp tục tăng trưởng khả quan và phục hồi

25/10/2024 21:27 Kinh tế, xã hội
Tốc độ tăng trưởng kinh tế xã hội trên địa bàn Bắc Ninh trong 9 tháng qua đạt 5,52%; đặc biệt, ngành công nghiệp tăng 6,32%; khu vực dịch vụ tăng 5,96%... là những tín hiệu khả quan để Bắc Ninh tiếp tục đà phục hồi, tăng trưởng trong khoảng thời gian còn lại năm 2024.

Sau những khó khăn do tăng trưởng âm 7,22% năm 2023, kinh tế của tỉnh đã thoát đáy và tăng cao 15,56% trong quý II-2024. Trong quý III-2024, tốc độ tăng trưởng dù giảm xuống (còn tăng 7,21%) song vẫn là tín hiệu khả quan khi số liệu khảo sát, điều tra của Cục Thống kê công bố xu hướng sản xuất, kinh doanh trên địa bàn được các doanh nghiệp đánh giá tốt nhiều hơn so với tỷ lệ doanh nghiệp nhận định khó khăn.

Bắc Ninh: Kinh tế xã hội tiếp tục tăng trưởng khả quan và phục hồi
Dù nền kinh tế trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã tăng trưởng trở lại, nhưng vẫn chưa hoàn toàn phục hồi như mức của năm 2022.

Theo phân tích của Cục Thống kê, động lực chính, dẫn đầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng qua là ngành công nghiệp chế biến chế tạo với các sản phẩm chủ lực như: điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng trưởng dương 6,04%. Cùng với đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 74.778 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ; tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh tính đến thời điểm cuối tháng 9-2024 tăng 13%. Số lượng doanh nghiệp đánh giá sản xuất, kinh doanh ổn định chiếm áp đảo với gần 60%, hơn 20% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn. Chỉ 20% số doanh nghiệp đánh giá vẫn còn khó khăn. Các doanh nghiệp có khối lượng sản xuất theo chiều hướng tích cực, ổn định cũng chiếm tỷ lệ đa số và chỉ còn gần 20% doanh nghiệp có chiều hướng sụt giảm. Khảo sát cho thấy có 13% số doanh nghiệp trên địa bàn có đơn đặt hàng quý III cao hơn, 65,2% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng xuất khẩu ổn định và 21,8% số đơn đặt hàng xuất khẩu giảm.

Dù nền kinh tế trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã tăng trưởng trở lại, nhưng vẫn chưa hoàn toàn phục hồi như mức của năm 2022 (mới bằng gần 58,8% so cùng kỳ năm 2022). Theo đó, dù nền kinh tế chuyển biến tích cực, song tỷ lệ tăng trưởng dựa trên nền thấp của năm 2023, so con số tuyệt đối chưa cao. Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp so bình quân cả nước. UBND tỉnh thừa nhận, nền kinh tế đang phải đối diện với thuận lợi và khó khăn tồn tại song song; một số nguồn thu ngân sách chưa đạt tiến độ. Doanh nghiệp vẫn còn gặp khó, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường không giảm. Năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao, việc huy động, sử dụng các nguồn lực chưa thực sự hiệu quả. Tổng vốn đầu tư trên địa bàn từ đầu năm đến nay giảm 7,2% so cùng kỳ; nhất là dòng vốn của các hộ gia đình giảm mạnh 42%. Điều này chứng tỏ thị trường bất động sản và vật liệu xây dựng, các công trình xây dựng dân dụng chưa hồi sinh, cùng với đó hộ gia đình gặp khó khăn, thiếu dòng tiền do bất động sản không sôi động...

Từ nay đến hết năm 2024, dù thời gian không còn nhiều, song trên bình diện chung, nền kinh tế địa phương vẫn có nhiều điểm sáng, tín hiệu tích cực. Quá trình phục hồi, tăng trưởng đang cho thấy triển vọng tương đối tốt với nhiều dự án được hoàn thành, giải ngân cao góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế địa phương. Theo dự báo của Cục Thống kê, sản xuất, kinh doanh quý IV-2024 so với quý trước đó tiếp tục theo hướng tích cực. Có đến 39,1% số doanh nghiệp lạc quan về tình hình kinh tế sẽ tốt hơn; 42% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh tiếp tục ổn định, chỉ còn 18,9% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn. Trong đó, 42,9% số doanh nghiệp nhà nước dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý IV tốt hơn so với quý III-2024; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 37,5%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 40,2%.

Có thể khẳng định, nền kinh tế đang có nhiều yếu tố khó khăn và thuận lợi đan xen. Song từ nay đến hết năm 2024, kinh tế- xã hội sẽ có thêm các điểm tựa như tiêu dùng gia tăng, doanh nghiệp tìm được đơn hàng, có thể tái gia nhập thị trường, sản xuất sẽ gia tăng. Cùng với đó, Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 được phê duyệt và công bố với những tín hiệu tích cực trong xúc tiến, thu hút đầu tư. Ngoài ra, xu hướng sản xuất, kinh doanh của ngành công nghiệp trong những tháng cuối năm 2024 cũng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan, góp phần tích cực vào tăng trưởng chung, đưa Bắc Ninh vào giai đoạn phát triển mới.

Dương Phấn
Xin chờ trong giây lát...

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn

Phiên bản di động