Bắc Ninh quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Theo thống kê, rà soát của Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Ninh, trung bình mỗi ngày, đêm, toàn tỉnh phát sinh khoảng 1.150 tấn chất thải rắn sinh hoạt, con số này sẽ tăng thêm từ 7-10% mỗi năm. Trong đó, các địa phương như TP Bắc Ninh, Từ Sơn, huyện Tiên Du, Yên Phong có lượng chất thải phát sinh lớn, từ 200 đến 250 tấn/ngày, đêm do kinh tế phát triển sôi động, dân số cơ học tăng nhanh… đòi hỏi các biện pháp thu gom, xử lý hiệu quả, bảo đảm chất lượng đời sống nhân dân và môi trường sạch đẹp.
Nhà máy xử lý rác thải Thuận Thành (Bắc Ninh). |
Để giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải rắn sinh hoạt gây ra, đặc biệt là tại các địa phương chưa có nhà máy xử lý chất thải tập trung, góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn toàn tỉnh, nhằm phân bổ hài hoà, hợp lý lượng rác từ các địa phương về các nhà máy đốt rác công nghệ cao phát năng lượng, đáp ứng đủ công suất xử lý.
Với các phương án được xây dựng cụ thể: Toàn bộ khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hàng ngày tại các địa phương: Thị xã Thuận Thành, huyện Tiên Du và thành phố Từ Sơn sẽ được thu gom, vận chuyển về Nhà máy xử lý chất thải công nghệ cao phát năng lượng tại xã Ngũ Thái, thị xã Thuận Thành thuộc Công ty TNHH năng lượng xanh T&J để xử lý; chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hàng ngày tại huyện Yên Phong, Gia Bình, Lương Tài sẽ được thu gom, vận chuyển về Nhà máy điện rác Lương Tài thuộc Công ty TNHH năng lượng mới EU-Conch Venture Bắc Ninh làm chủ đầu tư xử lý; chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hàng ngày tại thị xã Quế Võ và TP Bắc Ninh sẽ được thu gom, vận chuyển về Nhà máy xử lý chất thải công nghệ cao phát năng lượng tại xã Phù Lãng, thị xã Quế Võ thuộc Công ty Cổ phần môi trường Năng lượng Thăng Long để xử lý. Như vậy, cơ bản chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hàng ngày trong tỉnh sẽ được thu gom, xử lý bằng công nghệ hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường, tái sử dụng sản xuất, bảo đảm các yếu tố môi trường bền vững.
Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các địa phương tổng hợp, báo cáo cụ thể kết quả thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt về các Nhà máy điện rác để quản lý, giám sát và trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh. Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố báo cáo hiện trạng quản lý, sử dụng các điểm tập kết rác sinh hoạt cũ để có thể thu gọn lại, chuyển sang xây dựng điểm trung chuyển, hạn chế thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường tại các điểm tập kết như trước. Sở phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan, địa phương có Nhà máy điện rác để giám sát vận hành hoạt động của Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, các Công ty môi trường.
Yêu cầu các công ty thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt lắp đặt thiết bị giám sát kết nối với phần mềm quản lý, giám sát của tỉnh, của Sở đối với 100% phương tiện xe ô tô thu gom, vận chuyển rác thải về các Nhà máy. Xây dựng phương án thu gom, xử lý lượng chất thải tồn đọng ngoài môi trường tại các địa phương (lên đến hàng trăm nghìn tấn), vừa bảo đảm năng lực, công suất vận hành của các Nhà máy điện rác, vừa thực hiện thành công mục tiêu không còn rác thải tồn đọng ngoài môi trường vào năm 2025, bảo đảm chiến lược Bắc Ninh hành động vì môi trường sạch song hành cùng phát triển kinh tế - xã hội.
Từ tháng 11/2023, Nhà máy đốt rác phát điện công nghệ cao chính thức đi vào hoạt động tại xã Phù Lãng (thị xã Quế Võ). Đến thời điểm hiện tại, 4 Nhà máy điện rác trong tỉnh đã khởi động, vận hành thử nghiệm và cho kết quả khả quan trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Để sớm đưa các Nhà máy đi vào vận hành chính thức, tỉnh Bắc Ninh giao Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý, giám sát chặt chẽ công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hằng ngày và chất thải tồn đọng nhiều năm tại các địa phương, bảo đảm thu gom, xử lý 100% lượng chất thải phát sinh. |