Bắc Ninh tăng cường công tác ứng phó bão số 3 (bão YAGI)
Công văn gửi các Sở, Ban, ngành thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các Công ty TNHH MTV KTCT Thủy lợi Bắc Đuống, Nam Đuống; Công ty cổ phần thoát nước và xử lý nước thải Bắc Ninh.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, từ đêm nay 6-9 đến sáng 9-9-2024, khu vực Bắc bộ sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão số 3 gây ra dông lốc, gió giật mạnh và mưa to đến rất to, với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-350mm, có nơi trên 500mm gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, tính mạng của người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
Cơn bão số 3 (bão Yagi). Ảnh: Zoom Earth |
Căn cứ vào kết quả kiểm tra của các Đoàn kiểm tra do các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh làm Trưởng đoàn về công tác kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại địa bàn các huyện, thị xã, thành phố (ngày 5 và 6/9/2024).
Để bào đảm an toàn cho hệ thống công trình đê điều, thủy lợi, hạ tầng khu công nghiệp, các khu dân cư tập trung, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, ngành thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Công ty TNHH MTV KTCT Thủy lợi Bắc Đuống, Nam Đuống; Công ty cổ phần Thoát nước và xử lý nước thải Bắc Ninh khẩn trương tập trung thực hiện một số việc sau:
1. Các Sở, ban, ngành và các địa phương thực hiện nghiêm túc Công điện số 86/CĐ-Ttg ngày 3-9-2024; Công điện số 87/CĐ-Ttg ngày 5-9-2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó khẩn cấp cơn bão số 3; Ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại hội nghị trực tuyến chỉ đạo triển khai công tác ứng phó bão số 3; Công điện số 06 ngày 5-9-2024 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh.
2. Tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế các phương án phòng chống thiên tai theo kế hoạch đã được phê duyệt, đặc biệt chú ý các khu vực xảy ra úng ngập trong thời gian vừa qua; các khu vực kè sát đê, các khu vực được xác định là các trọng điểm xung yếu năm 2024 đã được phê duyệt.
3. Chủ động bố trí lực lượng thường xuyên túc trực tại các khu vực trọng điểm xung yếu, khu vực thường xuyên xảy ra úng ngập, hệ thống tấm nắp, hố ga, cống tiêu thoát nước để có giải pháp tiêu thoát nước nhanh nhất, giảm thiểu tối đa úng ngập xảy ra.
4. Chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân tổ chức thu hoạch cây trồng đã đến kỳ thu hoạch, thực hiện chằng chống hệ thống nhà màng, nhà lưới che chắn, bảo vệ diện tích rau màu đã trồng, cắt tỉa thông thoáng vườn cây ăn quả, níu giữ thân cây để bảo đảm an toàn khi có mưa bão xảy ra.
5. Tăng cường công tác kiểm tra hệ thống lồng bè nuôi trồng thủy sản trên sông, gia cố lại hệ thống dây neo, hệ thống điện, phao lồng. Tuyệt đối không để người dân ở lại qua đêm tại các lồng bè vào thời điểm bão đổ bộ nhằm bảo đảm an toàn về người.
6. Khẩn trương rà soát khơi thông giải tỏa các trục tiêu để bảo đảm tiêu thoát nước tốt nhất cho nông nghiệp, hạ tầng các khu công nghiệp, đô thị. Rà soát hệ thống hố ga tại khu đô thị, hệ thống biển báo, các công trình cao tầng, cẩu tháp; thực hiện kiểm tra hệ thống cây xanh để có phương án cắt tỉa đảm bảo an toàn cho người dân.
7. Thường xuyên thông tin, cập nhật diễn biến của bão, tình hình mưa, úng để các cấp chính quyền và nhân dân chủ động ứng phó; khuyến cáo người dân không ra đường khi có bão, mưa lớn, tạm dừng các hoạt động bến đò ngang trên sông trước 20 giờ ngày 6-9-2024, có phương án hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế để ổn định đời sống.
8. Các Sở, Ban, ngành thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao thường xuyên tổng hợp tình hình triển khai ứng phó với bão số 3 gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan Thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống tiên tai và TKCN tỉnh) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành.
Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện.