Dự án Đầu tư điều chỉnh nâng công suất khai thác nước khoáng tại lỗ khoan G2 thị trấn Như Quỳnh

Bài 2: Công trình thu gom và xử lý chất thải

21/05/2020 21:33 Công nghệ, thiết bị
Dự án “Đầu tư điều chỉnh nâng công suất khai thác nước khoáng tại lỗ khoan G2 thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên (từ 1.560 m3 /ngày lên 1.920 m 3 /ngày)” của Công ty TNHH La Vie có phát sinh các loại chất thải tác động đến chất lượng, trữ lượng nước dưới đất và môi trường khu vực dự án.
Bài 1: Những quy trình công nghệ khai thác, đóng gói
bai 2 cong trinh thu gom va xu ly chat thai
Thu gom, xử lý toàn bộ nước thải phát sinh đạt Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về nước thải công nghiệp.

Đối với nước thải

Nước thải phát sinh từ dự án bao gồm nước thải sinh hoạt phát sinh từ hoạt động của người lao động; nước thải sản xuất phát sinh trong quá trình khai thác và chế biến của Nhà máy La Vie Hưng Yên.

Nước thải sinh hoạt phát sinh từ quá trình hoạt động của công nhân viên tại nhà máy có lưu lượng khoảng 17,9 m3 /ngày, thông số ô nhiễm chính: chất rắn lơ lửng (SS), BOD, COD, nitơ (N), phốt pho (P), coliform. Nước thải sản xuất phát sinh từ quá trình sản xuất có lưu lượng khoảng 415 m 3 /ngày, thông số ô nhiễm chính: pH, COD, chất rắn lơ lửng (SS), sắt (Fe), mangan (Mn). Nước thải tác động đến chất lượng nước, trữ lượng nước dưới đất tại khu vực, gây nguy cơ nhiễm bẩn nguồn nước dưới đất từ nước ô nhiễm trên mặt đất và hạ thấp mực nước ngầm khu vực.

Chủ đầu tư Dự án là Công ty TNHH La Vie đã xây dựng các công trình, biện pháp thu gom và xử lý nước thải, cụ thể như sau:

Mạng lưới thu gom nước mưa: Nước mưa → thu gom dẫn vào hệ thống thoát nước mưa nội bộ của nhà máy → nguồn thoát nước mặt.

Quy trình công nghệ thu gom, xử lý nước thải của trạm xử lý nước thải công suất 600 m3 /ngày: Nước thải sinh hoạt → bể tự hoại → bể gom → bể hiếu khí 1 → bể thiếu khí 1 → bể hiếu khí 2 → bể thiếu khí 2 → bể lắng sinh học → bể trung gian → bể lọc áp lực → bể khử trùng → bể thu gom của cụm xử lý hoá lý → bể phản ứng → bể keo tụ → bể tạo bông → bể lắng trung tâm → bể trung gian → bể bèo bơm xả thải ra kênh → kênh chung trạm bơm Như Quỳnh.

Nước thải từ các dây chuyền đóng chai → tháp làm thoát khí → bể phản ứng (xử lý COD cao) → bể thu gom của cụm xử lý hoá lý → bể phản ứng → bể keo tụ → bể tạo bông → bể lắng trung tâm → bể trung gian → bể bèo bơm xả thải ra kênh → kênh chung trạm bơm Như Quỳnh.

Nước thải từ xử lý nước → bể thu gom của cụm xử lý hoá lý → bể phản ứng → bể keo tụ → bể tạo bông → bể lắng trung tâm → bể trung gian → bể bèo bơm xả thải ra kênh → kênh chung trạm bơm Như Quỳnh.

Yêu cầu về bảo vệ môi trường: Thu gom, xử lý toàn bộ nước thải phát sinh của dự án đạt QCĐP 02:2019/HY - Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về nước thải công nghiệp (Hệ số Kq = 0,9; Kf = 1,0; Khy = 0,85).

Biện pháp giảm tác động đến chất lượng nước, trữ lượng nước dưới đất tại khu vực: Duy trì nhà bảo vệ lỗ khoan G2 với diện tích 18 m2 , có mái che, tường bao với kết cấu bê tông cốt thép, nền được đổ bê tông dày, sàn nhà thấp hơn miệng giếng 0,13m. Duy trì thiết lập dải phòng hộ nghiêm ngặt nằm trong bán kính 15m tính từ tâm lỗ khoan G2, đảm bảo yêu cầu về vùng phòng hộ vi sinh với bán kính 50,5m từ lỗ khoan G2, đảm bảo yêu cầu về vùng phòng hộ hoá học với bán kính 1.076,5 m tính từ lỗ khoan G2.

Đối với bụi, khí thải

Khí thải phát sinh từ hoạt động của các phương tiện giao thông vận tải trong giai đoạn vận hành Dự án; bụi, khí thải phát sinh trong quá trình cải tạo, phục hồi môi trường. Biện pháp xử lý bụi, khí thải từ hoạt động của các phương tiện vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm trong giai đoạn vận hành Dự án như sau: Lựa chọn các phương tiện vận chuyển đã được cơ quan đăng kiểm cấp phép, lựa chọn tuyến đường vận chuyển nguyên vật liệu hợp lý. Thùng chở vật liệu kín, tuyệt đối không để rơi vãi trong quá trình vận chuyển, không được chở quá trọng tải quy định. Trang bị và yêu cầu người lao động trên công trường phải có đầy đủ bảo hộ lao động để hạn chế các ảnh hưởng của bụi, khí thải và tiếng ồn đến sức khỏe. Tuân thủ QCVN 02:2019/BYT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn tiếp xúc cho phép bụi tại nơi làm việc và QCVN 26:2016/BYT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vi khí hậu - giá trị cho phép nơi làm việc.

Đối với chất thải rắn

Chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình sản xuất và trong quá trình cải tạo, phục hồi môi trường. Chất thải rắn thông thường không tái chế được phát sinh trong giai đoạn hoạt động của Dự án khoảng 91 kg/ngày. Chất thải rắn thông thường tái chế phát sinh trong giai đoạn hoạt động của Dự án khoảng 1788 kg/ngày bao gồm: chai nhựa, nilon, giấy, bìa carton, pallet gỗ, sắt tôn, inox. Chất thải rắn xây dựng phát sinh trong giai đoạn cải tạo, phục hồi môi trường của Dự án khoảng 480 m3 gạch, bê tông, 60 m2 cửa sắt, 14.000 m2 mái tôn, đường ống inox. Chất thải rắn thông thường được thu gom vào các thùng chứa sau đó ký hợp đồng với đơn vị có chức năng để xử lý. Bố trí các thùng chứa chất thải rắn thông thường có thể tái chế tại các khu vực có phát sinh, thu gom về khu lưu giữ chất thải rắn công nghiệp và bán hoặc chuyển cho cơ sở tái chế. Yêu cầu về bảo vệ môi trường: thu gom, xử lý các loại chất thải sinh hoạt và chất thải rắn thông thường phát sinh trong quá trình thực hiện Dự án đảm bảo các yêu cầu về an toàn và vệ sinh môi trường theo quy định.

Đối với chất thải nguy hại

Chất thải nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất có khối lượng khoảng 208 kg/ngày với thành phần chủ yếu là bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải 4 (khoảng 204 kg/ngày) và các loại chất thải nguy hại khác như bóng đèn huỳnh quang, giẻ lau dính dầu, vỏ hộp sơn, vỏ hộp hoá chất (khoảng 4 kg/ngày).

Biện pháp quản lý chất thải nguy hại: Bố trí các thùng chứa chất thải nguy hại tại các khu vực có phát sinh, thu gom về khu lưu giữ chất thải nguy hại tại kho chứa tạm thời chất thải nguy hại. Diện tích kho chứa chất thải nguy hại là 20 m3 được thiết kế đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định, có biển báo, tường che chắn, nền chống thấm, rãnh thu gom chất thải nguy hại dạng lỏng chảy tràn, bố trí các thiết bị cảnh báo và chữa cháy. Ký hợp đồng với đơn vị có chức năng để vận chuyển, xử lý các loại chất thải nguy hại. Yêu cầu về bảo vệ môi trường: thu gom, xử lý các loại chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình thực hiện Dự án đảm bảo các yêu cầu về an toàn và vệ sinh môi trường theo quy định.

Bên cạnh đó, Chủ đầu tư có các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn, độ rung và ô nhiễm khác, như: Kiểm tra mức ồn của thiết bị, nếu mức ồn lớn hơn giới hạn cho phép thì lắp các thiết bị giảm âm. Sử dụng các thiết bị, máy móc thi công được đăng kiểm đạt yêu cầu, không sử dụng các thiết bị cũ, lạc hậu có khả năng gây ồn cao. Thường xuyên duy tu bảo dưỡng các thiết bị máy móc, thực hiện chế độ bổ sung dầu mỡ theo định kỳ. - Duy trì diện tích cây xanh, thảm cỏ trong khu vực Dự án để giảm thiểu bụi, tiếng ồn phát sinh từ hoạt động sản xuất tới môi trường xung quanh. Yêu cầu về bảo vệ môi trường tuân thủ QCVN 27:2016/BYT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về độ rung – giá trị cho phép tại nơi làm việc; QCVN 26:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn; QCVN 27:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về độ rung và các quy chuẩn môi trường hiện hành khác có liên quan, đảm bảo các điều kiện an toàn, vệ sinh môi trường trong quá trình vận hành Dự án. Duy trì diện tích trồng cây xanh, đảm bảo tỷ lệ diện tích đất cây xanh theo quy định của pháp luật.

Việt Anh
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động