Xả lũ gây thiệt hại hàng chục hecta cây ăn trái ở huyện Phú Tân - An Giang

Bài 3: Cơ quan chức năng vào cuộc

22/11/2022 11:54 Tác động môi trường
Sau khi congnghiepmoitruong.vn liên tiếp có những bài viết về việc xả lũ có dấu hiệu mất kiểm soát gây thiệt hại hàng chục hecta cây ăn trái của người dân ở xã Hiệp Xương, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Phú Tân đã chính thức vào cuộc.

Khảo sát, đánh giá thiệt hại của người dân, doanh nghiệp

Xả lũ gây thiệt hại hàng chục hecta cây ăn trái ở huyện Phú Tân (An Giang)  Bài 3: Cơ quan chức năng vào cuộc

Đoàn công tác đi khảo sát hiện trường xả lũ gây chết hoàn toàn vườn na rộng gần 8ha của Công ty Kim Trường Phát (hình Mạnh Đức - Linh Nguyên)

Theo đó, ngày 9/11/2022, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Phú Tân đã có buổi khảo sát thực tế tại vườn cây ăn trái của Công ty Kim Trường Phát để đánh giá thiệt hại.

Tham gia đoàn Kiểm tra liên ngành có ông Nguyễn Đăng Khoa - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phú Tân; ông Nguyễn Văn Sang - Phó Chủ tịch Phụ trách Kinh tế - Nông nghiệp xã Hiệp Xương (huyện Phú Tân).

Xả lũ gây thiệt hại hàng chục hecta cây ăn trái ở huyện Phú Tân (An Giang)  Bài 3: Cơ quan chức năng vào cuộc

Ông Nguyễn Đăng Khoa - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phú Tân (hình Mạnh Đức - Linh Nguyên)

Ngoài ra, còn có đại diện của các cơ quan, ban ngành: Thanh tra huyện Phú Tân; Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phú Tân; Hội Nông dân huyện Phú Tân; Lãnh đạo các trạm thủy nông Phú Tân, Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Tân, Khuyến nông Phú Tân, Thủy lợi liên huyện Phú Tân - Chợ Mới và Trồng trọt cùng với cán bộ Bảo vệ thực vật xã Hiệp Xương, Khuyến nông xã Hiệp Xương…

Tại buổi khảo sát, đoàn Công tác của huyện Phú Tân đã tiến hành đo mực nước tại khu vực bờ đê bị vỡ của Công ty Kim Trường Phát tổng cộng 2 lần.

Lần thứ nhất đoàn Công tác đã nhờ một người đàn ông tên Việt sống bằng nghề đánh cá gần khu vực bờ đê bị vỡ của Công ty Kim Trường Phát đo mực nước thực tế.

Xả lũ gây thiệt hại hàng chục hecta cây ăn trái ở huyện Phú Tân (An Giang)  Bài 3: Cơ quan chức năng vào cuộc

Ông Viêt - Một người dân sống bằng nghề đánh cá gần khu vực vườn na của Công ty Kim trường Phát đã trực tiếp đo đạc mức nước lần thứ nhất cho đoàn công tác (hình Mạnh Đức - Linh Nguyên)

Số liệu ông Việt đo được và được đoàn Công tác nghi nhận với mực nước hiện tại là 1.3 mét (tính từ mặt ruộng); Mực nước khi xả lũ cao nhất là 2 mét (tính từ mặt ruộng).

Tuy nhiên, sau một thời gian làm việc với đại diện Công ty Kim Trường Phát, đoàn Công tác đã nhờ một người dân khác đo lại với các số liệu được nghi nhận như sau: Mực nước hiện tại là 1.3 mét (tính từ mặt ruộng lên); Mực nước khi xả lũ cao nhất là 2.1 mét; Mực đê cao nhất khi chưa gia cố là 2 mét; Mực đê thấp nhất khi chưa gia cố là 1.56 mét; Bề rộng mặt đê khi chưa gia cố là 3 mét (có lót đá).

Qua trao đổi, người trực tiếp đo mức nước xả lũ lần 1 - ông Việt cho biết: “Khu vực này (khu vực cạnh bờ bao của vườn na của Công ty Kim Trường Phát - PV) chưa phải là vùng trũng nhất. Năm nay xả lũ quá nhiều khiến người dân trở tay không kịp, nếu chỉ xả khoảng 1m lấy lượng mưa nữa là vừa đủ ngập ruộng. Trong quá trình xả lũ năm nay tôi không thấy bất cứ cán bộ nào đến đi đo mực nước xả lũ nội đồng…”.

Xả lũ gây thiệt hại hàng chục hecta cây ăn trái ở huyện Phú Tân (An Giang)  Bài 3: Cơ quan chức năng vào cuộc
Hiện trạng vườn na mất trắng của Công ty Kim Trường Phát (hình Mạnh Đức - Linh Nguyên)

Đoàn Công tác cũng đã làm việc trực tiếp với ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty Kim Trường Phát và đã lập biên bản hiện trạng gần 8ha cây ăn trái của doanh nghiệp này mất trắng trong đợt xả lũ vừa qua. Tuy nhiên, đến nay đã hàng chục ngày trôi qua, đoàn Công tác liên ngành của huyện Phú Tân vẫn chưa cung cấp biên bản buổi làm việc cho đại diện Công ty Kim Trường Phát.

Liên quan đến vụ việc, trước đó, trao đổi với congnghiepmoitruong.vn, ông Nguyễn Đăng Khoa - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Tân cho biết: “Theo quy định của UBND tỉnh đối với những vùng trũng mực nước xả lũ là khoảng 1 mét tính từ mặt ruộng thì sẽ tiến hành đóng cống tiểu vùng. Xả lũ là phải hài hòa lợi ích giữa người trồng lúa và người trồng cây ăn trái…”.

Từ phản ánh của nhiều người dân địa phương, cùng với những thông tin mà chúng tôi thu thập được từ buổi làm việc với Phòng NN&PTNT huyện Phú Tân và tại buổi khảo sát thực tế ngày 9/11 của đoàn Công tác huyện Phú Tân, đã phần nào hé lộ dấu hiệu việc xả lũ đã không được giám sát, kiểm soát nên đã gây thiệt hại rất lớn đến tài sản của người dân.

Liên quan vụ việc, đoàn liên ngành cũng đã tiến hành khảo sát thực tế tại một số hộ dân bị thiệt hại 100% cây trồng do xả lũ. Ông Trần Văn Phường (xã Hiệp Xương) xác nhận, đoàn liên ngành đã tiến hành khảo sát thực tế tại vườn na Thái Lan bị chết hoàn toàn của ông. Qua quá trình khảo sát thực tế, đoàn liên ngành cũng đã lập biên bản.

Ông Phường cho biết: “Họ (đoàn Công tác liên ngành - PV) đi một đoàn hơn chục người xuống vườn na chết úng của tôi nhưng chỉ đứng trên bờ quan sát rồi lập biên bản bảo tôi ký. Sau đó họ mang biên bản ra về và không giao cho tôi bản nào nên tôi không biết biên bản đó ghi nhận những gì…”.

Trước đó, chính quyền cũng đã mời riêng lẻ từng hộ dân lên để làm việc. Tôi cũng không biết họ làm việc về vấn đề gì hay họ có ý định gì?” - ông Phường thắc mắc.

Nguyên nhân do đâu?

Liên quan tới vấn đề kiểm soát lũ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang cũng đã có Công văn yêu cầu các địa phương và các ban ngành liên quan, chủ động đề phòng công tác bảo vệ sản xuất, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do lũ, bão gây ra đối với các tiểu vùng đê bao bảo vệ sản xuất trên địa bàn tỉnh An Giang. Trong đó đặc biệt yêu cầu các các huyện, thị xã, thành phố đề phòng ảnh hưởng của lũ nội đồng đến sản xuất nông nghiệp trên địa bản tỉnh.

Cụ thể, thường xuyên theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo lũ, tình hình mưa bão, mực nước lũ ở thượng nguồn do các cơ quan chuyên môn và Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy cấp tỉnh cung cấp, để kịp thời nắm thông tin thông báo đến cho người dân sản xuất nhằm chủ động có biện pháp ứng phó hiệu quả, đảm bảo sản xuất và sinh hoạt của người dân an toàn trong mùa mưa lũ.

Tăng cường kiểm tra, rà soát các tuyến đê bao, xác định cụ thể từng tiểu vùng các tuyến đê bao xung yếu, có nguy cơ xảy ra sự cố khi có lũ lên. Đồng thời, kiểm tra việc triển khai phương án trên thực tế và chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực, phương tiện thiết bị để sẵn sàng xử lý khi có sự cố xảy ra.

Đồng thời tăng cường thăm đồng, kết hợp kiểm tra các tiểu vùng sản xuất có nguy cơ bị ảnh hưởng ngập úng cục bộ một số vùng trũng thấp. Kịp thời chỉ đạo các tổ chức, cá nhân vận hành các trạm bơm tiêu chống úng bảo vệ sản xuất trong tình hình mưa bão kéo dài.

Đôn đốc nhắc nhở các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành công trình gia cố, nâng cấp đê bao, cống bọng dưới đê, đảm bảo chất lượng, đặc biệt là các tuyến đê thấp nhằm kịp thời đưa công trình vào chống lũ an toàn.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng đến chính quyền địa phương và nhân dân được biết để chủ động đề phòng ảnh hưởng của lũ đến sản xuất và dân sinh.

Kịp thời báo cáo tình hình ảnh hưởng của lũ, bão, sự cố đê bao (nếu có) về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy ƯPBĐKH - PCTT&PTDS tỉnh (Chi cục Thủy lợi) để tổng hợp báo cáo Tổng cục Thủy lợi và UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo thực hiện.

Xả lũ gây thiệt hại hàng chục hecta cây ăn trái ở huyện Phú Tân (An Giang)  Bài 3: Cơ quan chức năng vào cuộc
Hiện trạng vườn na mất trắng của Công ty Kim Trường Phát (hình Mạnh Đức - Linh Nguyên)

Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Đức Duy cho biết, cần đề phòng ảnh hưởng của lũ nội đồng đến sản xuất nông nghiệp theo diễn biến bất thường của thời tiết. Ngành nông nghiệp không chủ quan mà luôn cảnh giác cao độ, đưa ra nhiều giải pháp ứng phó, triển khai thực hiện công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ năm 2022 trên địa bàn.

Đối với các công trình xung yếu, các điểm có khả năng sạt lở, các ngành liên quan phối hợp vận động di dời, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Đồng thời, bố trí vật tư, phương tiện, thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống thiên tai có thể xảy ra để chủ động phòng tránh kịp thời...

Theo đó, hiện dư luận đang trộng chờ đoàn kiểm tra liên ngành sẽ sớm làm rõ việc xả lũ của chính quyền địa phương tại huyện Phú Tân có đúng với tinh thần chỉ đạo tại Quyết định số 26/2019/QĐ-UBND về việc “Ban hành Quy chế quản lý, bảo đảm an toàn đập của hồ chứa nước và các hoạt động quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên môi trường hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh An Giang” ngày 19/7/2019?

Trong đó, nhất thiết phải đặt vụ việc trong bối cảnh toàn tỉnh An Gang đang thực hiện Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang rau, màu và cây ăn trái giai đoạn 2021 – 2025 đã được UBND tỉnh An Giang phê duyệt.

Hiện dư luận và người dân đang trông chờ đoàn kiểm tra liên ngành và các cơ quan chức năng sớm làm rõ việc xả lũ gây thiệt hại hàng chục ha cây ăn trái của chính quyền địa phương tại huyện Phú Tân để có những chính sách hỗ trợ cấp thiết.

Congnghiepmoitruong.vn sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Trường Giang - Phạm Sinh

Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động