Báo động hiện trạng môi trường Brazil: 500 triệu ong chết trong 3 tháng

30/08/2019 12:15 Tác động môi trường
Chính sách phát triển kinh tế, nới lỏng các quy định về môi trường của Chính phủ Brazil có vẻ như không chỉ gây cháy rừng Amazon mà còn khiến 500 triệu con ong chết chỉ trong vòng 3 tháng.
Chuyên gia lâm nghiệp Brazil: Thảm kịch vẫn đang chờ đợi Brazil chấp nhận viện trợ với điều kiện được toàn quyền quản lý số tiền Brazil: Pháp định dạy gì về hoả hoạn khi để cháy Nhà thờ Đức Bà?!

Bên cạnh nỗi sợ cháy rừng Amazon đang sục sôi trên khắp các phương tiện truyền thông quốc tế, Brazil đang phải đối mặt với một thảm kịch lặng lẽ hơn: Thay vì chứa đầy mật, các tổ ong ở quốc gia này chỉ toàn xác ong chết.

bao dong hien trang moi truong brazil 500 trieu ong chet trong 3 thang
Theo những người nuôi ong Brazil, đã có khoảng hơn 500 triệu con ong chết chỉ trong vòng 3 tháng. Ảnh minh hoạ.

Theo những người nuôi ong Brazil, đã có khoảng hơn 500 triệu con ong chết chỉ trong vòng 3 tháng. Trong đó có 400 triệu xác ong được tìm thấy ở bang ở Rio Grande do Sul; 7 triệu xác ở Sao Paolo, 50 triệu xác ở Santa Catarina và 45 triệu con ở Mato Grosso do Sul. Các nhà khoa học cho rằng, nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng này chính là thuốc trừ sâu.

Kể từ khi nhậm chức vào đầu năm 2019, bên cạnh nới lỏng một loạt các quy tắc bảo vệ môi trường trong sản xuất nông lâm nghiệp để “phát triển kinh tế” như khuyến khích đốt rừng lấy đất canh tác; mở cửa khai thác gỗ, khoáng sản, Chính phủ Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro còn phê duyệt sử dụng thêm 300 loại thuốc trừ sâu, trong đó có nhiều loại chứa hoá chất độc hại bị cấm ở các quốc gia khác… Chưa biết nền kinh tế phát triển đến mức độ nào, rừng Amazon đã bốc cháy dữ dội, đàn ong khổng lồ bỏ mạng,… Đây đều là những mối đe doạ lớn với hệ sinh thái và môi trường toàn cầu.

Trong tự nhiên, ong đóng vai trò và chức năng rất quan trọng như thụ phấn cho cây, tiêu diệt sâu bệnh, côn trùng gây hại,… Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), ong góp phần thụ phấn cho 75% lượng cây trồng trên thế giới; lượng thực phẩm đến từ cây trồng do ong thụ phấn chiếm đến 1/3 chế độ ăn uống của con người. Nhà khoa học Albert Einstein từng phát biểu, nếu loài ong chết đi thì 4 năm sau đó nhân loại cũng sẽ chết.

Ông Aldo Machado - Phó Chủ tịch Hiệp hội Ong ở Rio Grande do Sul cho biết, chỉ trong vòng hai ngày, hàng chục nghìn con ong mật trong vườn nuôi của ông đã chết. Sau khi dọn xác của chúng ra khỏi tổ, những con ong khoẻ mạnh nhất còn lại cũng không thể sống sót.

Trước tình trạng trên, ông Thor Hanson – Chuyên gia về ong, tác giả cuốn "Vo ve: Bản chất và Sự cần thiết của loài ong" đã đặt ra câu hỏi gây nhức nhối: Những con ong đã chết đều được nuôi dưỡng và chăm sóc bởi những tay nuôi chuyên nghiệp, trong môi trường nhân tạo thuận lợi nhất; vậy số phận của những con ong trong tự nhiên còn bị đe doạ đến như thế nào?!

Các nhà khoa học tìm thấy dấu hiệu của thuốc trừ sâu như sulfoxaflor, fipronil trên một số xác ong chết. Đây là loại hoá chất thường được sử dụng để chống ve, bọ trong thú y; đã được chứng minh là có khả năng làm chết ong. Theo Cục Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA), fipronil có chứa chất gây ung thư, nguy hiểm đến cả tính mạng con người.

Ông Alberto Bastos - Chủ tịch Hiệp hội nuôi ong thuộc đặc khu liên bang của Brazil nói: “Cái chết của tất cả những con ong này là một dấu hiệu cho thấy chúng ta đang bị đầu độc”.

Theo ước tính của ông Hanson, trên thế giới có trên 20.000 loài ong. Chúng đều đóng vai trò quan trọng trong tự nhiên, góp phần nhân rộng thực vật trong khu vực. Nhiều loài trong số chúng còn chưa được khoa học tìm ra. Như vậy, hiện tượng này không chỉ đơn thuần là ong chết mà còn báo hiệu cho việc môi trường tự nhiên đang bị huỷ hoại.

Năm 2006, Bắc Mỹ và châu Âu cũng chứng kiến hiện tượng tương tự nhưng khác về cách thức. Thay vì chỉ chết tại chỗ như ong Brazil, ong Mỹ bỏ tổ và biến mất. Các nguyên nhân được khoa học đưa ra khi đó là biến đổi khí hậu, nhiễm nấm,…

Diệu Anh
Theo The Guardian, Bloomberg
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động