Brazil: Pháp định dạy gì về hoả hoạn khi để cháy Nhà thờ Đức Bà?!

27/08/2019 15:03 Tăng trưởng xanh
Hôm 26/8, Brazil tuyên bố từ chối sự trợ giúp từ các nước G7 trong việc giải quyết cháy rừng Amazon. Các quan chức nước này còn công khai chỉ trích Tổng thống Pháp là có ý định "can thiệp chủ quyền" và không đủ kinh nghiệm "dạy" Brazil về hoả hoạn.
Các lãnh đạo G7 đồng lòng khôi phục rừng Amazon Chính phủ Brazil "gắt" trước ý kiến quốc tế về hoả hoạn rừng Amazon Đau xót hình ảnh "lá phổi" Amazon của hành tinh bị lửa huỷ hoại

Kể từ đầu năm 2019, tại Brazil đã có gần 80.000 vụ cháy rừng, hơn một nửa trong số đó xảy ra tại rừng Amazon với 950.000 ha rừng bị phá huỷ, phá vỡ các bể carbon tự nhiên khổng lồ của thế giới, góp phần đẩy nhanh hiện tượng ấm lên toàn cầu.

Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G7 diễn ra tại Biarritz (Pháp), Pháp đã kêu gọi các lãnh đạo quốc tế ưu tiên thảo luận về cháy rừng Amazon và cùng nhất trí với các quốc gia thành viên đưa ra khoản viện trợ 20 triệu USD để phòng, chữa cháy, đồng thời khôi phục các diện tích rừng đã bị huỷ hoại.

brazil phap dinh day gi ve hoa hoan khi de chay nha tho duc ba
Xung đột nổ ra giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và người đồng cấp Brazil xung quanh việc cứu rừng Amazon. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, phía Brazil đã từ chối khoản viện trợ này. Ông Onyx Lorenzoni - Chánh văn phòng của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro trả lời báo chí: “Chúng tôi đánh giá cao về lời đề nghị này nhưng số tiền đó dùng cho việc trồng lại rừng ở châu Âu có lẽ phù hợp hơn.”

Một quan chức hàng đầu của nước này thậm chí đã nói với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng hãy tập trung lo cho “quốc gia và thuộc địa” của mình khi vị lãnh đạo này kêu gọi bảo vệ rừng Amazon.

Ông Lorenzoni nói thêm: “Ông Macron hồi tháng 4 thậm chí còn không thể cứu được Nhà thờ Đức Bà Paris - một di sản văn hoá của nhân loại khỏi hoả hoạn, trong khi việc đó hoàn toàn có thể dự đoán trước. Vậy ông ấy định dạy gì cho chúng tôi đây?”. Ông này đồng thời khẳng định, với diện tích thảm thực vật tự nhiên lớn nhất thế giới, Brazil có đầy đủ kinh nghiệm để có thể "dạy" bất cứ quốc gia nào về cách cứu rừng.

Trước đó, Bộ trưởng môi trường Brazil Ricardo Salles cho biết, chính phủ nước này rất hoan nghênh khoản viện trợ từ các nước G7 và huy động nhiều lực lượng tham gia khắc phục và ngăn chặn cháy rừng. Tuy nhiên, sau buổi họp với Tổng thống Bolsonaro, tình thế có vẻ đã thay đổi.

Nhà lãnh đạo người Brazil cho rằng, động thái muốn hỗ trợ của ông Macron và các quốc gia khác là “muốn can thiệp vào chủ quyền” của Brazil, đồng thời “chụp mũ” người đồng cấp Pháp là “mang tâm lý thực dân”.

Trước tình hình trên, Tổng thống Pháp đe doạ sẽ ngăn cản một thoả thuận thương mại lớn giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ Latinh trừ khi ông Bolsonaro có các bước hành động nhanh chóng, quyết liệt để chấm dứt nạn khai thác, đốt rừng “vô tội vạ”

Từ khi nhậm chức vào đầu năm 2019, ông Bolsonaro liên tục bị dân chúng chỉ trích do "mở cửa" rừng Amazon cho các hoạt động kinh tế như khai thác khoáng sản, gỗ quý, đốt rừng lấy đất canh tác,… Khi xảy ra cháy rừng, Tổng thống Brazil được cho là phản ứng chậm và thờ ơ về các vấn đề biến đổi khí hậu. Hàng nghìn người dân thậm chí đã xuống đường biểu tình để phản đối chính sách của ông.

Hiện nay, hàng trăm đám cháy rừng mới vẫn đang bùng phát tại Brazil ngay cả khi các máy bay quân sự được huy động tối đa để dập lửa.

Diệu Anh
Theo AFP
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động