Tổng thống Brazil phát ngôn gây sốc: Phá rừng là "văn hoá"

27/11/2019 16:26 Tác động môi trường
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tiếp tục gây sốc khi cho rằng, việc phá rừng ở Amazon là “văn hoá” và không thể chấm dứt.  
Không khí ở Sydney ô nhiễm ở mức nguy hiểm Cháy rừng tiếp tục bùng phát ở Australia Chuyên gia lâm nghiệp Brazil: Thảm kịch vẫn đang chờ đợi

Chính phủ Brazil đã có báo cáo cho rằng, thảm hoạ cháy rừng ở Amazon đạt đỉnh điểm do chính sách quản lý của chính quyền Tổng thống Bolsonaro.

Tuy nhiên, ông Bolsonaro đã bác bỏ ý kiến này. Ngày 20/11, vị Tổng thống công khai gọi việc chặt phá rừng, khai hoang tại Amazon là “văn hoá” và sẽ không bao giờ chấm dứt.

Nhận định của nhà lãnh đạo người Brazil đã gây ra làn sóng phản đối dữ dội trong cộng đồng những người bảo vệ môi trường.

tong thong brazil phat ngon gay soc pha rung la van hoa
Rừng Amazon bị lửa huỷ hoại nặng nề dưới thời Tổng thống Jair Bolsonaro. Ảnh: AFP.

Ông Marcio Astrini - Điều phối viên Chính sách công tại Tổ chức xanh Greenpeace của Brazil cho biết: "Khoảng 90% vụ phá rừng diễn ra bất hợp pháp. Vì vậy, khía cạnh văn hóa duy nhất của nạn phá rừng ở Amazon là ‘văn hóa tội phạm’ mà chính phủ dường như không muốn đối đầu"

Mới đây, Viện Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Brazil thông báo, rừng Amazon ở Brazil đã mất gần 9.800 km2 trong khoảng thời gian từ giữa tháng 8/2018 đến tháng 7/2019, tăng 30% so với năm trước.

Theo Washington Post, tỷ lệ phá rừng ở Brazil tăng vọt vào những năm 1990 nhưng bắt đầu giảm xuống khi cơ quan bảo vệ môi trường của nước này (được gọi là IBAMA), trấn áp hoạt động chặt hạ và khai thác gỗ trái phép.

Tỷ lệ bắt đầu tăng trở lại vào năm 2012 với tốc độ ngày càng tăng thời ông Bolsonaro. Ngay từ khi vận động tranh cử, ông đã hứa sẽ mở cửa rừng Amazon để phục vụ cho nông nghiệp, lâm nghiệp, phát triển kinh tế...; đồng thời xoá sổ chính sách của IBAMA.

Đường lối lãnh đạo của ông Bolsonaro đã gây ra hậu quả nặng nề khi trong suốt những tháng hè, lửa liên tục thiêu đốt Amazon với mức độ lớn chưa từng thấy, hầu hết là do chủ các trang trại thực hiện phát quang.

Cách tiếp cận của ông Bolsonaro về môi trường đã khiến ông bị cô lập trên trường quốc tế. Đức và Na Uy đã đóng băng hàng triệu USD viện trợ cho Amazon vì các chính sách của ông vào tháng 8.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đe dọa sẽ rút khỏi thỏa thuận thương mại được bàn thảo từ lâu giữa châu Âu và Nam Mỹ.

Vào tháng 9, một nhóm gồm 200 quỹ đầu tư kêu gọi các công ty giảm bớt sự phụ thuộc vào việc phá rừng, nói rằng các chính sách của Brazil đã khiến các doanh nghiệp gặp rủi ro. Một số công ty đã kêu gọi tẩy chay thịt bò và da của Brazil.

Tuy nhiên, vị Tổng thống vẫn cho rằng những lo ngại về Amazon đã bị thổi phồng và mối quan tâm quốc tế đối với rừng nhiệt đới là cuộc tấn công vào chủ quyền của Brazil.

Chính phủ của ông Bolsonaro vẫn giữ vững chủ trương đã đề ra khi đề xuất kế hoạch hợp pháp hóa hoạt động khai thác tại các vùng lãnh thổ bản địa và cấp giấy phép của chính phủ cho những người chuyển đến khai hoang, thực hiện một trong những lời hứa hàng đầu từ chiến dịch tranh cử của ông. Thậm chí va chạm vũ trang với những người bản địa có ý định phản đối chính sách này.

Diệu Anh
Theo Washington Post
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động