Đắk Nông: Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng diễn biến phức tạp tại Đắk Glong
Một vụ phá rừng vừa phát hiện hồi tháng 8/2024 |
Tính đến hết tháng 8/2024, toàn tỉnh Đắk Nông đã phát hiện 212 vụ vi phạm lâm luật, trong đó có 125 vụ phá rừng trái phép, làm thiệt hại hơn 29ha rừng. Riêng huyện Đắk Glong xảy ra 58 vụ phá rừng (chiếm 46,6% số vụ), thiệt hại hơn 18,3ha (chiếm 62,8% diện tích thiệt hại). Ngoài ra, tại Đắk Glong còn xảy ra 5 vụ cháy rừng làm thiệt hại gần 1,7ha và 32 vụ cháy cây trồng chưa thành rừng trên diện tích hơn 39,2ha.
Theo UBND huyện Đắk Glong, trên địa bàn thời gian qua xuất hiện một số “điểm nóng” về tình trạng vi phạm lâm luật tại xã Quảng Sơn, Đắk Plao… Đây là khu vực thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn, Công ty TNHH MTV Đắk N’Tao và UBND xã Đắk Plao.
Nguyên nhân theo UBND huyện Đắk Glong là rừng do UBND các xã quản lý phân bố rải rác, nhỏ lẻ và manh mún. Nhiều diện tích nằm xen kẽ với nương rẫy người dân đã lấn, chiếm đất lâm nghiệp để sản xuất nông nghiệp. Một số khu vực rừng có địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn nên công tác quản lý, bảo vệ còn những hạn chế.
Ngoài ra, diện tích rừng đã được UBND tỉnh Đắk Nông thu hồi từ các công ty lâm nghiệp, vườn quốc gia, ban quản lý rừng phòng hộ… sau khi giải thể để bàn giao cho địa phương quản lý là khá lớn. Tuy nhiên, phần nhiều đã bị người dân lấn, chiếm và sản xuất nông nghiệp. Việc quản lý, thu hồi diện tích này để khôi phục lại rừng của các xã gặp rất nhiều khó khăn.
Một nguyên nhân nữa mà theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong Trịnh Anh, toàn huyện có 7 đơn vị hành chính cấp xã đều thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Huyện có hơn 83.300 nhân khẩu và tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 53%, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 13,4%. Lâm phần quản lý của các đơn vị chủ rừng tại Đắk Glong khá rộng và nằm gần với đất canh tác của người dân. Tình trạng di cư tự do từ nơi khác đến gần khu vực đơn vị quản lý còn nhiều. Nhu cầu về đất sản xuất tăng cao đã gây áp lực ngày càng lớn lên rừng và đất rừng của đơn vị quản lý.
Trong khi đó, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị còn thiếu cả số lượng và chủ yếu làm trái ngành nên chuyên môn hạn chế. Sự phối hợp giữa các ngành chức năng trong quản lý, bảo vệ rừng cũng chưa thật sự chặt chẽ và hiệu quả. Phần lớn các vụ việc chỉ mới dừng lại ở việc phát hiện, ngăn chặn chứ chưa xử lý đến nơi đến chốn để tạo tính răn đe.
Trong hàng loạt vụ xử lý vi phạm lâm luật thời gian qua, cứng rắn nhất phải kể đến là vụ UBND tỉnh Đắk Nông ra quyết định buộc Công ty TNHH Thương mại Nguyên Vũ bồi thường hơn 10 tỉ đồng vì để mất 33 ha rừng. Cụ thể, được Đắk Nông giao gần 163 ha rừng, đất rừng để quản lý, khai thác nhựa thông, trồng bơ, trồng và chăm sóc rừng trồng. Trong đó, có 156 ha rừng thông nằm dọc quốc lộ 28 thuộc xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong. Tuy nhiên nhận chưa đầy 2 năm, hơn 33 ha rừng đã biến mất.
Chỉ 1,5 năm giao đất cho doanh nghiệp quản lý, hơn 33ha rừng đã biến mất |
Sau khi phát hiện vụ việc, Đắk Nông đã ra quyết định thu hồi đất, rừng đã giao. Đồng thời, buộc công ty này bồi thường thiệt hại về rừng cho nhà nước theo quy định với số tiền gần 10,5 tỉ đồng. Trong đó, gần 3,5 tỉ đồng giá trị về lâm sản, còn lại là giá trị môi trường...
Được biết, tất cả 7 xã của huyện Đắk Glong đều đã thành lập ban lâm nghiệp do 1 lãnh đạo UBND xã làm trưởng ban và 1 kiểm lâm viên phụ trách địa bàn làm phó ban. Ban có nhiệm vụ tham mưu trực tiếp cho chính quyền địa phương thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lâm nghiệp.
Tổng diện tích rừng ở huyện Đắk Glong hiện có là hơn 64.500ha. Trong đó, rừng sản xuất hơn 31.000ha, rừng phòng hộ gần 11.800ha, rừng đặc dụng gần 20.000ha, ngoài quy hoạch hơn 1.700ha. Trên địa bàn huyện Đắk Glong có Vườn Quốc gia Tà Đùng, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk R’măng và 2 công ty lâm nghiệp (Công ty TNHH MTV Đắk N’Tao, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn). Ngoài ra, huyện có 11 đơn vị đang thực hiện dự án thuê đất, quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. |
Văn Hải - Lương Thực