Quảng Ngãi: Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Chính sách thông thoáng, thủ tục minh bạch
Năm 2024 kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục tăng trưởng với 25 chỉ tiêu đạt kế hoạch, trong đó, 10 chỉ tiêu vượt kế hoạch so với HĐND tỉnh giao. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 29.503 tỷ đồng, bằng 96,2% so với năm 2023, vượt 15,5% so với dự toán Trung ương giao và dự toán HĐND tỉnh giao.
Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 17.705 tỷ đồng, bằng 95,2% dự toán HĐND tỉnh giao. Năm 2024 cũng là năm ghi nhận tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tiếp tục đà tăng, ước đạt 63.616,9 tỷ đồng, tăng 3,35% so với năm 2023, vượt kế hoạch (2,5 - 3%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,5%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 2,88%, khu vực dịch vụ tăng 4,16%…
Về thu hút đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang thông tin, tỉnh xác định hai yếu tố để thực hiện tốt công tác cải thiện môi trường đầu tư. Đó là: Phải có nội dung tốt (gồm hạ tầng, nguồn lực, công nghệ) và đẩy mạnh xúc tiến, thu hút doanh nghiệp đến với Quảng Ngãi. Từ định hướng này, tỉnh tập trung đơn giản hóa, rút ngắn quy trình xử lý; chỉ đạo, giám sát, kiểm tra giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả và chất lượng, tạo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, phát triển công nghiệp được tỉnh Quảng Ngãi xác định là nhiệm vụ đột phá. Tỉnh đã tập trung quy hoạch và phát triển các Khu kinh tế, Khu công nghiệp, trong đó, nổi bật nhất là KKT Dung Quất với diện tích quy hoạch hơn 45.000 ha, là một trong 5 Khu công nghiệp ven biển có nhiều tiềm năng, lợi thế được Chính phủ ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng và có chính sách ưu đãi cao nhất Việt Nam. Tương lai nơi đây sẽ hình thành Trung tâm lọc hóa dầu và Năng lượng quốc gia.
Tỉnh Quảng Ngãi nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài. |
Đến nay, Quảng Ngãi đã thu hút 639 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký gần 400 nghìn tỷ đồng và 73 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,3 tỷ USD của các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời từ nhiều nguồn lực, Quảng Ngãi đã vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá khu vực tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung.
Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi luôn đặt nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính lên hàng đầu; đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết hồ sơ; công khai minh bạch quy trình, thủ tục.
Được biết, tỉnh Quảng Ngãi đang cải thiện môi trường đầu tư theo hướng khai thác, mở rộng các dự án lớn như: Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất; Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi; mở rộng NMLD Dung Quất; thu hút đầu tư vào phát triển trung tâm logistics tại Dung Quất; phát triển công nghiệp hỗ trợ, xây dựng Trung tâm lọc hóa dầu và Năng lượng quốc gia tại Dung Quất, đồng thời huyện đảo Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển biển, đảo.
Ưu tiên thu hút đầu tư từ các quốc gia có công nghệ hiện đại như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan. Chú trọng đẩy mạnh xúc tiến đầu tư từ Mỹ và các nước Liên minh châu Âu. Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, tăng cường xúc tiến đầu tư “tại chỗ” nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thu hút đầu tư. Quảng Ngãi tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hướng tới việc xây dựng chính quyền phục vụ doanh nghiệp.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút nhà đầu tư
Tỉnh Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, phát triển hài hòa ba trụ cột “Kinh tế - Xã hội - Môi trường”. Tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Từng bước hình thành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tại các KCN và cụm công nghiệp tập trung.
Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ký, ban hành quyết định về kế hoạch cải cách hành chính năm 2025 với 8 nhiệm vụ trọng tâm. Trong số các nhiệm vụ, 2 nhiệm vụ ưu tiên là công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính và cải cách thể chế. Ở 2 nhiệm vụ này, lãnh đạo tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc xây dựng, triển khai kế hoạch tuyên truyền cải cách hành chính, chuyển đổi số trên địa bàn Tỉnh năm 2025; tổ chức chấm điểm xác định Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2024.
Nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND và UBND các cấp trên địa bàn tỉnh; tập trung xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương được Trung ương giao; thường xuyên đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, đặt trọng tâm vào các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật...
Bên cạnh đó, sẽ triển khai, tổ chức đánh giá mức độ hài lòng trong việc giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; triển khai thực hiện số hóa hồ sơ và kết quả giải quyết TTHC, thực hiện khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa; đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến; thực hiện chuyển đổi số gắn với cải cách TTHC và Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn Tỉnh.
Những nỗ lực trong việc cải cách hành chính đã giúp đơn giản hóa các thủ tục hành chính giúp tăng cường công tác tiếp nhận, xử lý hồ sơ. |
Đối với nhiệm vụ nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó, tổ chức hội nghị đối thoại của lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn nhằm kịp thời chỉ đạo xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình hoạt động.
Những nỗ lực trong việc CCHC đã giúp đơn giản hóa các TTHC, tăng cường công tác tiếp nhận, xử lý hồ sơ. Nhờ đó, Quảng Ngãi đã tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Quá trình thực hiện thu hút, kêu gọi đầu tư, Quảng Ngãi cũng luôn chú trọng lắng nghe, nắm bắt kịp thời những lo lắng của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Quảng Ngãi, tỉnh đã áp dụng những ưu đãi đối với từng nhóm đối tượng thu hút đầu tư. Trong đó, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn thuế, giảm thuế và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định. Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất. Cho phép khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế…
Ngoài ra, nhà đầu tư đến với Quảng Ngãi cũng sẽ được hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; phát triển thị trường, cung cấp thông tin.
THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO
Tin mới
Tin khác
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.