Chính phủ Brazil "gắt" trước ý kiến quốc tế về hoả hoạn rừng Amazon
Đau xót hình ảnh "lá phổi" Amazon của hành tinh bị lửa huỷ hoại Cảnh báo nguy cơ cháy rừng tại nhiều nước ASEAN Hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do cháy rừng |
Trên trang mạng xã hội Twitter, ông Macron chia sẻ: “Nhà của chúng ta đang cháy theo đúng nghĩa đen. Rừng Amazon – lá phổi sản xuất ra 20% lượng ôxy của thế giới đang bốc cháy. Đây chính là khủng hoảng quốc tế. Hỡi những thành viên của Hội nghị G7, hãy thảo luận về sự việc cấp bách này đầu tiên trong hai ngày diễn ra sự kiện!”
Dòng chia sẻ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trên trang Twitter cá nhân. Ảnh chụp màn hình. |
Trên thế giới cũng đang nổ ra một làn sóng chỉ trích Tổng thống Bolsonaro. Nhiều người cho rằng, cháy rừng tăng mạnh ở Brazil kể từ khi ông này nhậm chức hồi tháng 1/2019. Chính phủ đương nhiệm của ông khuyến khích các hoạt động mở rộng đất đai cho nông nghiệp tại Amazon và cho phép người dân đốt rừng để lấy đất canh tác.
Trước động thái của Tổng thống Pháp, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro – người theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu, đã phản ứng khá gay gắt. Ông Bolsonaro mỉa mai gọi những chia sẻ của người đồng cấp Pháp là “giọng điệu chủ nghĩa giật gân của Macron”.
Ông Bolsonaro cho biết: “Thật đáng tiếc rằng ông Macron đang lợi dụng vấn đề riêng của Brazil và các quốc gia trong khu vực rừng Amazon để đạt được lợi ích chính trị của riêng mình.”
Trong dòng trạng thái thứ hai trên Twitter, nhà lãnh đạo Brazil tiếp tục chia sẻ: “ Mong muốn mang vấn đề của người Amazon ra thảo luận tại Hội nghị G7 mà không có sự tham gia của các nước trong khu vực Amazon là gợi lại tư duy thực dân, không thể chấp nhận trong thế kỷ 21”.
Trước đó, ông Filipe Martins – một trong những cố vấn hàng đầu của Tổng thống Brazil cũng đăng đàn phản bác các chỉ trích đến từ quốc tế trên trang Twitter cá nhân.
Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Ernesto Araújo còn thẳng thừng gọi sự chú ý và mong muốn tham gia của quốc tế là “man rợ và không công bằng” với quốc gia của ông, đồng thời bày tỏ, tất cả chỉ vì chính phủ của Tổng thống Bolsonaro muốn xây dựng lại Brazil.
“Phe cánh tả đang sử dụng ‘khủng hoảng môi trường’ như thứ vũ khí cuối cùng để chống lại chúng tôi”, ông Araújo nói thêm.
Anh Eduardo – Chính trị gia, con trai ông Bolsonaro cũng không nằm ngoài làn sóng tranh cãi này. Anh công khai đứng về phía bố, thậm chí còn chia sẻ đường link của một video có tên “Macron là kẻ ngốc” trên trang cá nhân có tới 1,6 triệu người theo dõi của mình.
Tuy nhiên, thảm kịch cháy rừng Amazon thật sự thu hút sự quan tâm trên toàn thế giới. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, ông “quan tâm sâu sắc” đến tầm ảnh hưởng của cháy rừng Amazon với cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.
Ông Sadiq Khan - Thị trưởng thành phố Luân Đôn cho biết, các vụ hỏa hoạn đang được hỗ trợ và khắc phục bởi chính phủ Brazil. Ông Khan chia sẻ thêm: “Việc đốt rừng nhiệt đới là hành động phá hoại môi trường gây sốc, mang lại hậu quả cho toàn cầu.”
Rừng Amazon đã cháy liên tiếp trong gần 3 tuần. Ảnh: BBC. |
Hôm 22/8, ông Lenín Moreno – Tổng thống Ecuador thông báo đã nói chuyện với ông Bolsonaro và sẽ gửi đoàn chuyên gia về nghiên cứu môi trường, cháy rừng đến Brazil để hỗ trợ, giảm thiểu thiệt hại sau hoả hoạn.
Những người nổi tiếng trên thế giới cũng sục sôi trước những hình ảnh của vụ cháy rừng.
“Nữ hoàng nhạc Pop” Madonna chia sẻ hôm thứ Năm: “Những đám cháy đang hoành hành, Amazon không ngừng bị thiêu rụi. Đây là thiệt hại nặng nề với Brazil, người dân bản địa trong khu vực và đa dạng sinh học tại đây.”
"Nữ hoàng nhạc Pop" Madonna chia sẻ về vụ cháy rừng Amazon trên trang cá nhân. Ảnh chụp màn hình. |
Cầu thủ bóng đá nổi tiếng người Bồ Đào Nha Cristiano Ronaldo viết trên Twitter: “Rừng nhiệt đới Amazon sản xuất tới 20% lượng không khí toàn thế giới và đã bị thiêu đốt trong 3 tuần rồi. Trách nhiệm của chúng ta là cứu lấy hành tinh này”.
Cầu thủ người Cristiano Ronaldo cho rằng, trách nhiệm cứu lấy hành tinh thuộc về "chúng ta". Ảnh chụp màn hình. |
Trung tâm nghiên cứu Vũ trụ - Viện nghiên cứu Không gian quốc gia Brazil (INPE) cho biết, từ đầu năm tại Brazil đã có 72.843 vụ cháy, một nửa trong số đó xảy ra trong rừng Amazon, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một số kênh truyền thông địa phương cho biết, các vụ phá rừng xảy ra nhiều trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua. Nông dân ở một số vùng thậm chí còn tổ chức những “ngày đốt” với sự dung túng của chính quyền.