Bối cảnh mới của ASEAN và năm Chủ tịch của Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Nhật Bản Thủ tướng công bố Chủ đề năm ASEAN 2020 Hoạt động ngoại giao của Thủ tướng tại Hội nghị ASEAN lần thứ 35 |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35. - Ảnh: VGP |
Trong 3 ngày từ 2- 4/11/2019, tại Bangkok, đã diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị liên quan của ASEAN, tập trung thảo luận các biện pháp thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, triển khai hiệu quả các kế hoạch tổng thể Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, cũng như các vấn đề hòa bình an ninh khu vực và quốc tế. Các hoạt động này đã khép lại một năm hoạt động của ASEAN với các chương trình và kết quả tích cực.
Trong đó, điều nổi bật là tổ chức này đã tỏ rõ thích nghi dần với bối cảnh mới, khi các nước thành viên một lần nữa lại cảm thấy không khí cọ xát chiến lược quyết liệt chưa từng có giữa các nước lớn ngay tại Đông Nam Á và vùng biển của nó kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Vấn đề thích nghi và ứng phó hiệu quả các thách thức mới được đặt ra cho cả tổ chức và từng quốc gia thành viên.
30 năm qua, kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, thế giới trải qua nhiều phát triển thuận nghịch. Tương quan lực lượng nước lớn thay đổi. Tập hợp lực lượng chuyển dịch. Nhận diện thế giới là khó, dự báo xu thế càng khó hơn.
Trong bối cảnh đó, ASEAN là một trong số rất ít tổ chức khu vực trên thế giới tồn tại và hoạt động hiệu quả.
Đông Nam Á và ASEAN không phải là một. Mỗi quốc gia Đông Nam Á, hoặc từng thành viên riêng lẻ của tổ chức ASEAN, tùy vào vị trí địa-chiến lược, lịch sử, tập quán và lợi ích mà có sự khác biệt chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, nguyên tắc và lẽ sinh tồn của tổ chức khu vực này là giữ vững tính độc lập và trung lập của tổ chức khu vực, được xác định trong hiến chương thành lập và hiến chương Cộng đồng ASEAN. Không như vậy, ASEAN không còn là ASEAN.
Có sự minh triết ấy, ASEAN mới không bị giao động “chọn bên hay không chọn bên”. ASEAN là mỏ neo mà các con thuyền thành viên dù có lúc chòng chành vẫn có thể neo đậu để giữ gìn hòa bình, ổn định, thịnh vượng của Đông Nam Á.
Nói như ông Lý Hiển Long, Thủ tướng Singapore: “Là các nước nhỏ, chúng ta không thể kiểm soát được chuyện nước lớn họ muốn làm gì, thế nào. Cái chúng ta có thể làm là đứng cùng nhau, nói cùng một tiếng nói. Có như thế mới thúc đẩy được các lợi ích tập thể của cả khối, cho dù là trong lĩnh vực thương mại hay an ninh, công nghệ… Chỉ bằng cách tìm ra được điểm chung gắn kết tất cả các nước, các tiếng nói của chúng ta mới có thể 10 mà như 1”.
Điểm sáng của ASEAN Bangkok 2019
Hội nghị cấp cao nhất trí kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm 2019. ASEAN cùng với 6 nước đối tác khác sẽ tạo thành khối thương mại tự do lớn nhất thế giới, là “tấm đệm” giảm sốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng giữa các đối tác thương mại chủ chốt. “Nếu chúng ta có thể làm được điều này, chúng ta sẽ có trong tay sức mạnh để mặc cả và đàm phán. Bởi vì khi chúng ta kết hợp cùng nhau, với 650 triệu người, chúng ta sẽ là một khối kinh tế lớn nhất thế giới”, như nhận xét của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha.
Hội nghị cấp cao ASEAN đã thông qua tuyên bố “Tầm nhìn ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” với mục tiêu giúp cả khối ứng phó tốt hơn với các thách thức của cuộc tranh chấp chiến lược đến từ phía biển và đại dương.
Như nêu trong văn kiện, Tầm nhìn ASEAN xác định, “không nhằm mục đích tạo ra một cơ chế mới hay thay thế các cơ chế hiện có. Nói đúng hơn, nó chỉ nhằm tăng cường quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đồng thời củng cố và tạo động lực mới cho các cơ chế do ASEAN dẫn đầu để đối mặt với những thách thức tốt hơn và nắm bắt các cơ hội phát sinh từ bối cảnh khu vực và toàn cầu trong cả hiện tại và tương lai”. Tuyên bố Tầm nhìn thừa nhận “các vấn đề hàng hải như những tranh chấp hàng hải chưa được giải quyết có khả năng mở ra những xung đột mở”.
Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN thông qua Tuyên bố chung, ngày 31/7/2019, đề cập một cách trực tiếp và thẳng thắn vấn đề Biển Đông, có đoạn: “Chúng tôi đã thảo luận về tình hình ở Biển Đông, trong đó các bộ trưởng bày tỏ lo ngại về việc cải tạo đất, các hoạt động và sự cố nghiêm trọng trong khu vực, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”.
Tuyên bố chung còn viết, các Bộ trưởng ASEAN “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và kiềm chế tiến hành tất cả hoạt động của các bên tuyên bố chủ quyền và những nước khác, trong đó có những hoạt động được đề cập trong Tuyên bố về ứng xử ở Biển Đông (DOC) có thể gây phức tạp thêm tình hình và làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông”.
Biển Đông hàng chục năm qua là vấn đề nóng của khu vực và thế giới. Không ai có thể nhắm mắt, bịt tai trước tình hình căng thẳng, xung đột lợi ích tại vùng biển quốc tế trọng yếu này.
Thực tế ở Biển Đông gần đây đã được Bộ trưởng Ngoại giao, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ tại AMM. Ông nhấn mạnh, các hành động đơn phương như quân sự hoá, gia tăng tập trận quân sự, đặc biệt là tàu khảo sát HD-8 của Trung Quốc được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Luật biển 1982. Nghiêm trọng hơn, đây là diễn biến tiếp theo các hoạt động cải tạo bồi đắp quy mô lớn và quân sự hoá các cấu trúc tranh chấp trên biển.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN 35, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhấn mạnh lập trường của Việt Nam về vấn đề biển Đông như đã nêu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 52, đồng thời khẳng định Việt Nam quyết tâm, kiên trì bảo vệ luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông.
Việt Nam chính thức tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 với chủ đề “Gắn kết và chủ động ứng phó”
Tại phiên kết thúc Hội nghị, nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN 2020 được chuyển giao cho Việt Nam.
Với vai trò Chủ tịch kế nhiệm ASEAN, phát biểu ý kiến tại phiên toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ASEAN cần đặt ưu tiên hàng đầu tiếp tục củng cố đoàn kết, gắn kết nội khối, phát huy vai trò trung tâm và hiệu quả của các cơ chế khu vực do ASEAN chủ trì và dẫn dắt. ASEAN cần đẩy mạnh liên kết kinh tế nội khối, tận dụng hiệu quả các cam kết và thỏa thuận đã ký, sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định RCEP, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, nâng cao năng lực ứng phó các cơ hội và thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0, chú trọng kết nối và phát triển các mạng lưới trung tâm công nghệ 4.0. Thủ tướng cũng đề nghị ASEAN tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, đẩy mạnh cải cách thể chế và nâng cao hiệu quả bộ máy hoạt động của ASEAN.
Tháng 10 vừa qua, Việt Nam đã đăng cai Vòng rà soát lần 2 của Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC), với những nội dung phức tạp hơn, liên quan ràng buộc pháp lý, vai trò các nước ngoài, cơ chế giải quyết tranh chấp.
Phát biểu tại phiên họp cấp cao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trên cơ sở kế thừa những thành tựu đạt được, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa chủ đề phát triển bền vững, đồng thời củng cố chất keo gắn kết giữa các thành viên thông qua củng cố đoàn kết, thống nhất, tăng cường kết nối, phát triển kinh tế bao trùm và bền vững, phát triển bền vững tiểu vùng, trong đó có tiểu vùng Mekong, thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường thương mại và đầu tư nội khối, nâng cao khả năng chủ động thích ứng của ASEAN trước những thời cơ và thách thức đặt ra từ chuyển biến nhanh chóng của tình hình khu vực và thế giới… Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng nhấn mạnh điều kiện tiên quyết để có được hòa bình, ổn định là duy trì một trật tự tuân thủ luật pháp quốc tế.
Cùng với việc Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, chắc chắn rằng, ngoại giao Việt Nam sẽ đóng góp hiệu quả cho sự ổn định và bền vững của ASEAN, cho hòa bình và an ninh thế giới.
Tin mới
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.