Ngành Công Thương: Nhiều cải cách mạnh mẽ, quyết liệt vì sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế

10/01/2021 21:26 Tăng trưởng xanh
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành Công Thương, Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực và những kết quả quan trọng mà ngành Công Thương đạt được trong năm 2020. 
Phát biểu của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Công Thương năm 2020
nganh cong thuong nhieu cai cach manh me quyet liet vi su phat trien cua doanh nghiep va nen kinh te
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Những điểm mới vượt trội và dấu ấn nổi bật

Thủ tướng nhấn mạnh các kết quả nổi bật ngành Công Thương đạt được năm 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng ra hầu hết các nước trên thế giới, diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó lường, dẫn đến kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái nặng nề; thương mại thế giới sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên nhờ có sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng, quyết tâm cao và sự nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn, bền bỉ của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân, chúng ta vẫn hoàn thành khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra với nhiều điểm mới vượt trội và dấu ấn nổi bật. Năm 2020 có thể được xem là năm thành công nhất trong 5 năm nhiệm kỳ về ý chí và tinh thần vượt khó vươn lên. Thành công đó có sự đóng góp hết sức quan trọng của ngành Công Thương, nhất là trong lĩnh vực sản xuất công nghiêp, hội nhập, thương mại và xuất khẩu.

Công tác chỉ đạo điều hành, xây dựng thể chế, cải cách hành chính được thực hiện tốt đạt hiệu quả. Công tác cải cải hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử của Bộ Công Thương không ngừng đổi mới, đi vào chiều sâu hơn.

Sản xuất công nghiệp, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid 19 nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng dương; duy trì được sản xuất, xuất khẩu tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế năm 2020, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp cả năm ước tăng 3,36%, tuy thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước (8,86%) nhưng vẫn tăng cao hơn so tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị gia tăng (VA) trong công nghiệp giai đoạn 2016-2020 ước tăng 7,16%, cao hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra cho giai đoạn đến năm 2020 là 6,5 - 7,0%/năm.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp tăng khoảng 5,82%, các ngành công nghiệp chủ lực như: điện tử, dệt may, da giày... là yếu tố chính đóng góp vào phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam.

Bộ Công Thương đã triển khai có hiệu quả chương trình công nghiệp hỗ trợ, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ; triển khai các Trung tâm Kỹ thuật nhằm hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp. Thúc đẩy liên kết, nâng cao sự vững chắc trong chuỗi cung ứng cho những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, công nghiệp chế biến nông sản; bước đầu hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Ngành Điện đã cung cấp đủ điện an toàn, tin cậy, cho người dân và doanh nghiệp, đưa vào vận hành khối lượng lớn các dự án nguồn và lưới điện. Công tác đưa điện về nông thôn, miền núi hải đảo được chú trọng và đạt kết quả rất tốt, đến nay 100% số xã và 99,3% số hộ dân nông thôn có điện, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Năng lượng tái tạo được quan tâm phát triển nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng của đất nước.

Ngành Dầu Khí hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh với tổng sản lượng khai thác quy dầu dự kiến cả năm đạt 20,5 triệu tấn, vượt 0,7% kế hoạch năm. Năm 2020 đã hoàn thành, đưa cụm công trình Dự án Phát triển mỏ khí Sao Vàng - Đại Nguyệt bằng Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 (có dòng khí đầu tiên vào ngày 16/11/2020); sản lượng mỗi năm khoảng 1,5 tỷ m3 khí; 2,8 triệu thùng dầu thô và condensate, nguồn khí Sao Vàng - Đại Nguyệt, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Ngành Than cũng đã cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát là xây dựng, trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đồng bộ từ khâu thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; cơ bản hoàn thành các mục tiêu quy hoạch, kế hoạch đề ra.

Xuất khẩu vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng, trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn ước đạt trên 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2019. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Trong điều kiện khó khăn của năm 2020, chúng ta đã có 31 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Xuất siêu ghi nhận mức kỷ lục gần 19,1 tỷ USD. Mức thặng dư năm 2020 cao hơn mức thặng dư năm 2019 (10,87 tỷ USD), cao hơn mức thặng dư năm 2018 (6,83 tỷ USD), gấp hơn 9 lần so với mức thặng dư năm 2017 (2,11 tỷ USD) và gấp gần 11 lần so với mức thặng dư năm 2016 (1,78 tỷ USD).

Tận dụng có hiệu quả hơn các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu. Bảo đảm đầy đủ nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, hàng hóa phòng chống dịch cho thị trường, nhất là khi nhu cầu tăng cao trong giai đoạn cả nước tập trung chống dịch thực hiện giãn cách xã hội, đã tạo được niềm tin, sự an tâm của người dân đối với việc bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho thị trường. Tổ chức hiệu quả các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa với việc tổ chức tháng khuyến mãi, đưa hàng Việt tới vùng nông thôn, các khu công nghiệp…; kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa đã đẩy sức mua và cầu tiêu dùng trong nước ngày càng tăng, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp khó khăn.

Thương mại trong nước ngày càng được cải thiện, nhất là hệ thống bán buôn, bán lẻ,.. Công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa (C/O), ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng được đặc biệt quan tâm đẩy mạnh và đổi mới phương thức quản lý, góp phần bảo vệ và hỗ trợ thị trường trong nước phát triển lành mạnh; giám sát chặt địa bàn, xử lý nghiêm, kịp thời hàng loạt các vụ vi phạm trên môi trường Internet. Hội nhập kinh tế quốc tế đạt được nhiều kết quả quan trọng, đến nay Việt Nam đã ký kết 15 FTA, năm 2020 có 02 Hiệp định quan trọng được ký kết và đưa vào thực thi là Hiệp định EVFTA và RCEP, chúng ta cũng hoàn tất đàm phán và chính thức ký kết Hiệp định UKVFTA vào ngày 29/12/2020, đưa Hiệp định vào thực thi trong năm 2021.

Với các kết quả năm 2020 đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại với trên 230 thị trường, trong đó có FTA với 60 nền kinh tế tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của Việt Nam mở rộng thị trường, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, Bộ Công Thương đã chủ trì, đề xuất, xây dựng 13 sáng kiến, ưu tiên hợp tác kinh tế và được các nước ASEAN ủng hộ, đánh giá cao. Các sáng kiến này giúp tăng cường tính liên kết trong nội khối, tái cấu trúc chuỗi cung ứng trong khu vực theo hướng bền vững.

nganh cong thuong nhieu cai cach manh me quyet liet vi su phat trien cua doanh nghiep va nen kinh te
Hình ảnh tại Hội nghị.

Năm 2021: Đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển

Năm 2021 là năm tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử quốc hội khóa XV, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tiếp theo. Phát huy tinh thần khẩn trương, quyết liệt, trách nhiệm, hành động thực chất từ Chính phủ đến các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước, nhằm đạt được kết quả tốt hơn nữa trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương tập trung thực hiện 03 điểm chính: 1)Tận dụng tốt các cơ hội từ cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm chìa khóa, tạo bước phát triển đột phá cho nền kinh tế nước ta thời gian tới; 2) Chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ không chỉ trong ngắn hạn mà còn mang tính chiến lược trong dài hạn để đạt được mục tiêu phát triển của ngành; 3) Giải quyết một cách căn bản những yêu cầu lớn và cấp bách bảo đảm cho những bước phát triển bền vững tiếp theo.

Thủ tướng cũng nêu những định hướng mà ngành Công Thương cần tập trung, đó là:(1) Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách với tầm nhìn dài hạn, nhất quán, tạo ra môi trường thuận lợi, đồng bộ hướng vào tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành. Tạo lập hệ thống đòn bẩy kinh tế hợp lý, ổn định và dài hạn để thúc đẩy phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội chủ yếu theo nguyên tắc cơ chế thị trường. (2) Nâng cao năng suất nội ngành của các ngành công nghiệp; phát triển ngành công nghiệp phải giảm phụ thuộc vào lợi thế không bền vững của nguồn tài nguyên như dầu thô, dầu mỏ, thay vào đó phải chuyển ngành công nghiệp dựa trên khai thác tự nhiên sang nền công nghiệp dựa trên nền tảng sáng tạo lấy khoa học công nghệ làm động lực và nền tảng cạnh tranh. (3) Phải coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, là trọng tâm của sự phát triển ngành Công Thương, tiếp tục tạo ra thay đổi, nâng cao sức cạnh tranh bằng việc tạo ra môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh. (4) Cơ cấu lại mạnh mẽ ngành công nghiệp, phải bám vào tăng năng suất, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đồng thời, chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sản xuất linh kiện, cụm linh kiện nhằm tham gia sâu và có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. (5) Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, theo dõi sát diễn biến tình hình để có đối sách phù hợp. Chú trọng phát triển thị trường trong nước theo chiều sâu, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ; phát huy vai trò của các Hiệp hội ngành hàng, người tiêu dùng. Làm tốt hơn nữa công tác thị trường, bao gồm cả dự báo, cân đối cung cầu, cả phát triển thị trường mới và đặc biệt là xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam…

Mục tiêu cho năm 2021 của ngành Công Thương là tiếp tục phấn đấu đạt kết quả “mọi mặt phải tốt hơn năm 2020”. Tổ chức thực hiện tốt phương châm “đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển” để phát triển mạnh mẽ ngành Công Thương, góp phần quan trọng vào phát triển đất nước. Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp ngành Công Thương cần tập trung thực hiện trong năm 2021, như sau:

Một là, bám sát những nhiệm vụ trong Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021, định hướng đến năm 2022. Cần được coi đây là trọng tâm xuyên suốt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của cả năm 2021.

Hai là, tiếp tục tập trung vào công tác hoàn thiện thể chế, đổi mới phương thức quản lý nhà nước trong các lĩnh vực theo hướng chuyển tư duy quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo môi trường thông thoáng cho đầu tư phát triển gắn liền với nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước, thực hiện phân công, phân cấp một cách mạnh mẽ hơn.

Ba là, tập trung đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại các ngành công nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo nhằm tạo bứt phá và động lực mới cho tăng trưởng ở giai đoạn tiếp theo. Trong đó lấy trọng tâm là tổ chức triển khai khẩn trương và thực chất Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Định hướng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” theo Chương trình hành động chung của Chính phủ đã được chính thức ban hành tại Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 03/9/2020, tạo sự chuyển biến về chất trong quá trình tái cơ cấu và phát triển công nghiệp trong thời gian tới.

Bốn là, tập trung cao độ vào giải quyết các vấn đề còn tồn tại nhằm bảo đảm vững chắc nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước trong thời gian tới theo hướng bền vững trên cơ sở huy động sự tham gia mạnh mẽ của khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Tập trung thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu điện năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, không để xảy ra thiếu điện trong mọi trường hợp. Đẩy mạnh phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo để bổ sung nguồn điện, phù hợp với cơ chế, chính sách khuyến khích năng lượng tái tạo hiện hành của Chính phủ.

Bộ Công Thương triển khai thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ Chính phủ giao tại Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày Thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Khẩn trương hoàn thành xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 1/2020; Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia… đảm bảo tính liên tục, đồng bộ với mục tiêu đạt hiệu quả chung và đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Năm là, tập trung triển khai thực thi có hiệu quả và khai thác tốt các cơ hội thị trường do các Hiệp định thương mại tự do mang lại. Việt Nam đã ký kết 15 FTA, trong đó 13 FTA đã chính thức đi vào thực thi (mới đây chúng ta cũng đã vừa ký kết Hiệp định thương mại tự do với Vương quốc Anh). Để khai thác tốt lợi ích mà các FTA mang lại cần tập trung phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức về hội nhập quốc tế trong hệ thống chính trị, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội. Triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động thực hiện các FTA đã có hiệu lực, các cam kết với WTO và ASEAN.

Sáu là, đổi mới tư duy và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu; tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới; đa dạng hóa, hạn chế sự phụ thuộc vào một số thị trường. Thực hiện tốt Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ"; kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu, chủ động phòng ngừa, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm và giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế, bảo vệ hợp lý các ngành sản xuất trong nước.

Bảy là, tăng cường nghiên cứu các vấn đề về hội nhập kinh tế quốc tế trong quá trình hoạch định chính sách. Cần hết sức coi trọng công tác theo dõi, bám sát diễn biến tình hình trong nước và quốc tế để từ đó có những phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, bảo đảm cho quá trình hội nhập hiệu quả và bền vững hơn.

Tám là, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận xuất xứ... bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh trực tiếp góp phần vào nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.

Chín là, thúc đẩy sự phát triển và phát huy hiệu quả vai trò thị trường trong nước, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, phát triển mạnh thương mại điện tử và sự gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị.

Mười là, tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí; kỷ cương kỷ luật hành chính trong ngành, gắn với trách nhiệm nêu gương của cấp lãnh đạo trong Bộ, ngành Công Thương gắn với phương châm hành động của Chính phủ. Thực hiện tốt công tác cán bộ, cán bộ phải thực sự vì công việc, có bản lĩnh, sáng tạo, kiến thức đảm đương tốt nhiệm vụ, công việc được giao.

Thủ tướng bày tỏ niềm tin tưởng rằng, với truyền thống đoàn kết, gắn bó, sáng tạo, hăng say lao động và chuyên nghiệp, nhất định toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành Công Thương sẽ đoàn kết, chung sức, đồng lòng, vượt qua khó khăn thách thức, nỗ lực phấn đấu sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, đóng góp to lớn hơn nữa cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Giang Nam
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động