Cả hệ thống chính trị vào cuộc để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

06/03/2019 15:37 Tăng trưởng xanh
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với mục tiêu cao nhất là cô lập, xử lý triệt để các ổ dịch, quyết liệt phòng ngừa, không để dịch tiếp tục lây lan, đồng thời xác định phương án phù hợp để hỗ trợ người dân bị thiệt hại, sớm khôi phục sản xuất.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Đoàn Bắc

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai các giải pháp cấp bách khống chế dịch tả lợn châu Phi do Bộ NN&PTNT tổ chức. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu khai mạc. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì và phát biểu kết luận. Tại nhiều địa phương, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND trực tiếp chủ trì, tham dự có lãnh đạo các sở, ngành.
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận những nỗ lực của Bộ NN&PTNT, các địa phương trong thời gian qua.
“Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tôi ghi nhận và biểu dương tinh thần trách nhiệm, hành động tích cực, chủ động của Bộ NN&PTNT và các địa phương để kịp thời ứng phó, bước đầu ngăn chặn dịch lây lan trên diện rộng”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cảm ơn các tổ chức quốc tế đã tham gia tích cực cùng với các cơ quan chuyên môn của Việt Nam để ngăn chặn dịch bệnh, phát triển ngành chăn nuôi.
Kể từ khi phát hiện ổ dịch đầu tiên đến nay, Bộ NN&PTNT, các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương và các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực để khoanh vùng, xử lý ổ dịch, ngăn không cho dịch lây lan.
“Đặc biệt là sự chủ động, tích cực của lãnh đạo Bộ NN&PTNT, hệ thống thú y từ Trung ương đến địa phương, chính quyền cơ sở, sự tham gia hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nói.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có nhiều chỉ đạo kịp thời, quyết liệt để các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều biện pháp cấp bách phòng chống dịch.
Tuy nhiên, diễn biến dịch vẫn rất phức tạp, khó lường. Bệnh dịch chưa được khống chế hoàn toàn tại các địa phương bị xâm nhiễm. Liên tục phát hiện thêm các ổ dịch mới ở một số địa phương trong vài ngày qua. Bên cạnh đó, rất có thể bệnh dịch có khả năng đã xâm nhiễm ở một số nơi nhưng cơ quan chức năng chưa phát hiện ra hoặc người dân chưa khai báo.
“Do đó, việc thống nhất triển khai các giải pháp để phòng chống dịch là nhiệm vụ cấp bách để bảo vệ sản xuất, bảo vệ ngành chăn nuôi, bảo vệ đời sống của người dân”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại cuộc họp ngày 28/2, sau khi nghe Bộ NN&PTNT báo cáo tình hình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ NN&PTNT khẩn trương tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước để kịp thời nắm bắt tình hình, thống nhất quyết tâm, giải pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện từ trung ương đến tất cả các địa phương.


Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Đoàn Bắc

Chủ động xây dựng nhiều kịch bản ứng phó
Đánh giá cao các ý kiến phát biểu rất có trách nhiệm, cụ thể và có tính khả thi cao cho từng nội dung của công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi của lãnh đạo các địa phương, đại diện các tổ chức quốc tế, hiệp hội, doanh nghiệp, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp thu, bổ sung để thống nhất triển khai.
Theo Phó Thủ tướng trước hết phải tập trung thống nhất các giải pháp, hành động từ trung ương đến địa phương. Cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đặc biệt là hệ thống thú y các cấp, lực lượng quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, công an và quân đội để ngăn chặn, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Siết chặt tình trạng buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn trái phép; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm. Sẵn sàng ứng phó, xử lý ổ dịch nhanh gọn, triệt để theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ về thú y quốc tế.
“Giao Bộ trưởng Bộ NN&PTNT là tổng chỉ huy, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc phòng chống dịch bệnh. Cùng với đó, vai trò của các địa phương, đặc biệt là của người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc là rất quan trọng”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan thành lập ngay các đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra, đôn đốc, thực hiện công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng tinh thần chỉ đạo tại các văn bản của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 19/2 vừa qua; những chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, cũng như của các bộ, ngành đã ban hành trong thời gian qua.
Trong trường hợp cần thiết, Bộ NN&PTNT tham mưu, đề xuất với Thủ tướng thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Phó Thủ tướng giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng và ban hành kịch bản cho các tình huống dịch bệnh xuất hiện ở quy mô và phạm vi khác nhau tại địa phương để tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.


Ảnh: VGP/Đoàn Bắc

Hỗ trợ ít nhất 80% giá thị trường
Về mức hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh, Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ: Tài chính, KH&ĐT và UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương nghiên cứu, tham mưu về định mức hỗ trợ về kinh phí cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy.
“Hỗ trợ tối thiểu 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và tăng gấp 1,5-1,8 lần đối với lợn nái và lợn đực giống buộc phải tiêu hủy”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Cùng với đó, cũng sẽ thống nhất hỗ trợ với cả các dịch bệnh khác trên lợn (tai xanh, lở mồm long móng…) để giảm thiệt hại cho người dân, đồng thời khuyến khích người dân chủ động thông báo, thực hiện nghiêm túc việc tiêu huỷ khi xảy ra dịch bệnh.
“Trong quá trình triển khai phải bảo đảm tính công khai, minh bạch, dưới sự giám sát chặt chẽ của chính quyền, các tổ chức, đoàn thể ở cơ sở và người dân”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Về lâu dài, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ KH&ĐT, Bộ NN&PTNT và UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương đề xuất nguồn kinh phí hỗ trợ khẩn cấp các hộ dân, doanh nghiệp có lợn bị tiêu hủy và phục vụ công tác phòng chống dịch.


Ảnh: VGP/Đoàn Bắc

Thông tin đúng, đầy đủ, kịp thời
Về công tác thông tin truyền thông, Phó Thủ tướng giao Bộ TT&TT phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giao Trung ương, Bộ NN&PTNT khẩn trương tổ chức tuyên truyền sâu rộng, đúng mức, phù hợp với diễn biến tình hình.
Tuyên truyền để người dân hiểu rõ triệu chứng, các nguyên nhân gây bệnh, mức độ nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi, cách phòng, chống bệnh; không gây hoang mang, lo lắng, từ đó tích cực tham gia công tác khống chế dịch. Cùng với đó, tuyên truyền, vận động người chăn nuôi, buôn bán thực hiện nghiêm túc 5 Không: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Để chủ động trong việc phát hiện sớm dịch bệnh, Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức nghiên cứu các giải pháp khoa học phòng, chống dịch bệnh và vaccine phòng bệnh, nguyên vật liệu chẩn đoán, xét nghiệm bệnh. Tổ chức xây dựng phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế nhằm chủ động chẩn đoán, xét nghiệm chính xác các loại dịch bệnh động vật.
“Cần sớm có giải pháp huy động các doanh nghiệp có tiềm năng đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm của tư nhân đạt chuẩn quốc tế để tham gia chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật; tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực cơ quan quản lý thú y các cấp, kể cả các cơ quan kiểm dịch động vật tại cửa khẩu, sân bay, đường bộ, cảng biển”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành NN&PTNT chủ động đề nghị các tổ chức quốc tế (FAO, OIE) và các nước (Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, EU,...) xem xét, hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và các loại dịch bệnh động vật khác.

 VGP
Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động