Cận cảnh dự án cải thiện môi trường gần 11.300 tỷ đồng ở TP. Hồ Chí Minh sắp hoạt động
Toàn cảnh nhà máy xử lý nước thải lớn nhất TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị đi vào vận hành |
Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng có công suất xử lý 469.000 m3 nước thải mỗi ngày đêm dự kiến sẽ chính thức đi vào hoạt động từ tháng 12/2023.
Theo đó, Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng sẽ trở thành nhà máy xử lý nước thải có công suất lớn nhất TP. Hồ Chí Minh hiện nay đi vào hoạt động, dù xếp sau dự án án xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè có công suất 480.000m3 mỗi ngày vẫn đang trong giai đoạn thi công.
Với công suất 469.000m3 nước thải mỗi ngày đêm, Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng có thể thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt cho lưu vực hơn 2.500ha thuộc các quận 4, 5, 6, 8, 10 và 11, từ đó giúp giảm ô nhiễm lưu vực kênh Tàu Hũ - kênh Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ.
Khu nhận nước từ Trạm bơm và phân về các khu vực xử lý |
Cùng với nhà máy xử lý nước thải, dự án còn các gói thầu lớn khác như cải tạo kênh Tàu Hủ đoạn từ kênh Ngang số 1 tới bến Phú Định (dài hơn 4,8km) và kênh Ngang số 1, 2, 3 (dài hơn 1,2km); cải tạo hệ thống thoát nước rạch Hàng Bàng; mở rộng trạm bơm Đồng Diều; xây dựng hệ thống cống bao... Tổng mức đầu tư gần 11.300 tỉ đồng từ vốn vay ODA Nhật Bản và nguồn đối ứng trong nước.
Theo quy trình hoạt động, nước thải sinh hoạt tại lưu vực 2.500ha thuộc các quận 4, 5, 6, 8, 10 và 11 ban đầu sẽ được thu gom toàn bộ, sau đó theo hệ thống cống bao đưa về trạm bơm Đồng Diều ở quận 8. Tại đây, nước thải sẽ được loại bỏ sơ bộ cát, rác, rồi bơm qua tuyến cống chuyển tải dài khoảng 2,8 km về nhà máy Bình Hưng xử lý, trước khi thải ra môi trường.
Nước thải từ bể phân phối sẽ được chia đều cho 10 bể lắng sơ cấp qua mương phân phối |
Với công nghệ hồ sục khí kết hợp với bùn hoạt tính và bể khử trùng, nước thải sau khi qua nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng sẽ luôn đảm bảo được quy chuẩn Việt Nam 40:2011 loại B. Bên cạnh mục tiêu giảm ô nhiễm lưu vực các kênh Tàu Hủ - kênh Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ, bùn dư trong quá trình xử lý nước thải sẽ được xử lý với công nghệ lên men tiên tiến để tạo thành sản phẩm phân compost sử dụng vào mục đích nông nghiệp.
Nước thải được cung cấp lượng oxy cần thiết tại bể sục khí để công tác xử lý được hiệu quả |
Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng đã được UBND TP. Hồ Chí Minh giao cho Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP. Hồ Chí Minh và Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị toàn quyền sở hữu, quản lý, vận hành.
Máy tách nước ly tâm để lấy bùn chuyển đến khu vực sản xuất phân compost |
Hệ thống lọc nước tái sử dụng |
Tất cả các hạn mục xây lắp của nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng đã hoàn thiện, chờ các thủ tục cuối cùng trước khi đưa vào vận hành |
Hiện ngoài các trạm xử lý nước thải nhỏ tại TP. Thủ Đức và huyện Bình Chánh, Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng sẽ là nhà máy xử lý nước thải thứ 3 của TP. Hồ Chí Minh đi vào hoạt động, cùng với hai nhà máy xử lý nước thải đã đưa vào hoạt động trước đó là Tham Lương - Bến Cát (công suất 131.000 m3), Bình Hưng Hoà (30.000 m3). Riêng dự án xử lý nước thải cho toàn bộ lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dự kiến tiếp tục kéo dài đến năm 2026 mới hoàn thành.
Thanh Hải
Tin mới
Tin khác
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.