Cần tích cực giảm biên chế để cải cách chính sách tiền lương tốt
Theo Nghị quyết của Quốc hội, đến năm 2020 (trước khi thực hiện kế hoạch cải cách tiền lương của 2021) mức tiền lương cơ sở bình quân mỗi năm sẽ được điều chỉnh nâng 8%.
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng: "Năm ngoái ta đã tăng lương 7%, năm nay nếu mức tăng là 110.000 đồng tức là tăng 7,33%, đúng với tinh thần Nghị quyết. Vấn đề là Chính phủ cân đối nguồn lực để tăng lương được lấy ở đâu. Đấy mới là vấn đề quan trọng".
Ông Bùi Sỹ Lợi trả lời báo chí bên hành lang quốc hội. Ảnh: Báo Điện tử Đảng Cộng sản. |
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng, ngoài những đề xuất như giảm chi hành chính, tiết kiệm, tăng nguồn thu ngân sách…, Chính phủ phải hết sức lưu ý, hiện nay, cả nước đang thực hiện Nghị quyết 28 của Trung ương về đổi mới hệ thống chính trị với các đơn vị tổ chức trong đảng và Nghị quyết 19 về đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập. Phải dùng tiền tiết kiệm được khi đưa công chức, viên chức ra khỏi bộ máy hưởng lương Nhà nước, để dùng quỹ này bổ sung cho nguồn cải cách tiền lương.
Điển hình là ngành Y trong 2 năm qua đã cắt giảm được 25.000 biên chế, tiết giảm được phần ngân sách Trung ương chi trả lương là 2.100 tỉ. Nguồn ngân sách này được tập trung để cải cách tiền lương năm 2020.
"Quan trọng là nếu ta tập trung để nâng được mức lương cơ sở vào năm 2020, thì chúng ta sẽ có cơ hội để cải cách tiền lương vào 2021 theo Nghị quyết của Trung ương" - ông Bùi Sỹ Lợi cho hay.
Báo cáo của Bộ Nội vụ cho thấy, tiến độ sắp xếp đơn vị hành chính sự nghiệp và các tổ chức chính trị xã hội chậm và hiệu quả chưa cao. Do đó, việc này tác động lớn đến chính sách cải cách tiền lương trong năm 2021 khi thực hiện chính sách tiền lương. Bởi nếu bộ máy quá cồng kềnh, thì ngân sách không chịu nổi. Từ đó lạm phát về tiền lương sẽ xảy ra.
Ông Lợi nhấn mạnh: "Muốn cải cách chính sách tiền lương tốt thì Chính phủ phải tích cực tinh giảm biên chế và đặc biệt là sắp xếp lại các đơn vị công lập. Nhanh chóng chuyển sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm, mà hiểu đúng ở đây là tự chủ về tài chính, bộ máy, biên chế, lao động để các đơn vị tự lo. Nhà nước giao cho các đơn vị công lập nhiệm vụ gì thì Nhà nước trả tiền dịch vụ công đó. Từ đó mới cải cách được chính sách tiền lương".
Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cảnh báo việc tăng lương sẽ ảnh hưởng tới việc tăng chi thường xuyên trong khi Nhà nước đang nỗ lực để giảm tỉ lệ chi này. Ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định: Đương nhiên tăng lương sẽ dẫn tới tăng chi thường xuyên. Tuy nhiên, giảm chi thường xuyên, nhưng việc tăng lương cũng là theo Nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội, nhằm đảm bảo đời sống của người lao động. Vấn đề là Chính phủ phải điều hành kinh tế vĩ mô để không làm tăng chỉ số giá sinh hoạt CPI và tiếp tục cải cách bộ máy nhằm giảm biên chế và chuyển mạnh các đơn vị sự nghiệp công lập sang mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm, thì mới có nguồn để cải cách tiền lương và mới giảm được chi hành chính, trong đó có chi ngân sách cho tiền lương.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ và Chính phủ, việc sắp xếp bộ máy hành chính Nhà nước, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển đổi mô hình đang rất chậm so với yêu cầu. "Đáng ra, đến năm 2020, nước ta phải giảm được bình quân 10% biên chế; nhưng thực tế có ngành nghề, đơn vị có thể phải giảm, nhưng có những đơn vị lại không thể giảm được. Vấn đề quan trọng là ta phải sớm sắp xếp, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập và mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm, thì điều đó mới có tác dụng" - ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Cũng theo ông Lợi, bộ máy Nhà nước của ta có hơn 300.000 công chức trong tổ chức Đảng, tổ chức chính trị chiếm tỉ trọng không lớn trong dân số. Vấn đề là phải xử lý khu vực viên chức, vì đây là khu vực có tới 2,2 triệu người. Theo tính toán của cơ quan thẩm tra báo cáo của Chính phủ, việc tăng lương năm sau nếu thực hiện sẽ cần phải dùng đến 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương, 40% nguồn tăng thu ngân sách Trung ương của năm nay để đảm bảo. Điều đó sẽ ảnh hưởng lớn tới chi đầu tư phát triển.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, việc tăng lương chắc chắn sẽ đe dọa đến việc đầu tư cho xây dựng cơ bản, hạ tầng cơ sở. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn nâng năng suất lao động, sử dụng nguồn lao động hiệu quả thì nhất thiết phải tăng lương. Đầu tư tăng lương cũng chính là đầu tư cho phát triển và tăng lương trong giai đoạn hiện nay của công chức, viên chức có ý nghĩa quan trọng để tạo ra hiệu suất lao động, hiệu quả công việc.
Trong cải cách tiền lương bao giờ cũng tính toán 2 phương án. Một là có lợi cho người lao động để thúc đẩy phát triển kinh tế. Hai là không có lợi cho người lao động mà đầu tư vào xây dựng cơ bản thì việc không đầu tư cho người lao động có tác động tiêu cực nhiều hơn.
"Vậy nên theo tôi trong giai đoạn hiện nay, đầu tư cho người lao động thông qua việc cải thiện tiền lương chính là đầu tư cho phát triển" - ông Bùi Sỹ Lợi cho hay.
Tin mới
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.