Chương trình OCOP tỉnh Quảng Trị: Tạo sức bật phát triển kinh tế vùng nông thôn
Đưa Quảng Trị thành trung tâm năng lượng sạch của miền Trung |
Tích cực trong công tác chỉ đạo điều hành
Trao đổi về công tác chỉ đạo điều hành, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Mặc dù chương trình OCOP là một chương trình mới, tuy nhiên UBND tỉnh đã rất quan tâm chỉ đạo, ban hành các chủ trương, văn bản để triển khai thực hiện. Các Sở, ban ngành có liên quan, các địa phương và người dân nắm bắt và chủ động triển khai quyết liệt, bước đầu có chuyển biến tích cực.
Sau khi có Quyết định 490/QĐ-TTg, ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành quyết định thành lập Ban điều hành (BĐH) OCOP, với mục tiêu gia tăng giá trị sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân gắn liền với xây dựng NTM.
Theo đó, BĐH Chương trình OCOP tỉnh đã phân công nhiệm vụ cho các thành viên, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực chương trình OCOP, Chi cục Phát triển nông thôn là cơ quan tham mưu chuyên trách, thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc và giám sát triển khai thực hiện chương trình.
Từ năm 2019 đến nay, UBND tỉnh cùng với các địa phương trong tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm giúp cán bộ và chủ thể (doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, làng nghề, các hộ sản xuất kinh doanh) hiểu được mục đích, ý nghĩa mà chương trình OCOP muốn hướng đến. BĐH Chương trình OCOP tỉnh đã tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho hơn 280 cán bộ từ cấp tỉnh đến xã, mở các lớp tập huấn về OCOP cho các chủ thể sản xuất trên địa bàn tỉnh; đồng thời mời Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống Nông nghiệp (thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) tư vấn tổng thể thực hiện chương trình OCOP gồm: công tác khảo sát đánh giá, đào tạo tập huấn, tư vấn chủ thể, hỗ trợ phát triển sản phẩm, phân hạng sản phẩm và tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm triển khai thực hiện, lập kế hoạch triển khai năm 2020.
Qua đó, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo với các nội dung triển khai và nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình OCOP năm 2020, đồng thời ban hành Quy định mức chi hỗ trợ triển khai, thực hiện. UBND các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai trên địa bàn, hướng dẫn chỉ đạo các xã, thị trấn, cơ sở sản xuất đăng ký sản phẩm tham gia chương trình OCOP năm 2020.
Nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP
Sau gần 2 năm thực hiện chương trình OCOP, nhiều sản phẩm truyền thống, đặc trưng của tỉnh Quảng Trị khẳng định được lợi thế trên thị trường.
Sau khi khảo sát, toàn tỉnh có khoảng 35 sản phẩm thế mạnh tham gia chương trình OCOP, trong đó 19 sản phẩm đã được đánh giá, gồm: 02 sản phẩm đạt mức điểm 4 sao là sản phẩm Dầu Lạc nguyên Chất super green của Công ty TNHH MTV Từ Phong và sản phẩm Gạo sạch Triệu Phong của HTX Nông sản sạch Triệu Phong; 17 sản phẩm đạt mức điểm 3 sao (trong đó có 13 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 01 sản phẩm đồ uống, 01 sản phẩm thảo dược, 02 sản phẩm Derco).
Ngoài ra, Quảng Trị có gần 100 sản phẩm, vật phẩm tiềm năng có thể phát triển, tham gia OCOP. Hiện nay có 05 sản phẩm có doanh thu trên 20 tỷ đồng/năm gồm: Nước mắm (52,6 tỷ đồng), bún bánh (85 tỷ đồng), cá hấp (60 tỷ đồng), ném củ (21 tỷ đồng) và cao dược liệu (20 tỷ đồng).
Đại diện BĐH chương trình OCOP tỉnh trao Giấy chứng nhận các sản phẩm OCOP năm 2019. |
Một điểm mới là việc thực hiện Chương trình OCOP tại các địa phương được triển khai khá đồng bộ, lồng ghép vào Chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân, nhất là việc đẩy mạnh liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP. Các sản phẩm nếu được khai thác, phát huy tốt sẽ góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, thúc đẩy xây dựng NTM.
Thời gian tới, tỉnh Quảng Trị tiếp tục thực hiện các mô hình liên kết, sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Các chủ thể tham gia chương trình OCOP cần tập trung cao hơn cho việc hoàn thiện nội dung của phương án sản xuất kinh doanh, không chạy theo số lượng mà cần nâng cao chất lượng để tạo tính bền vững cho sản phẩm. Đối với các chủ thể sản xuất có sản phẩm đạt sao cần tuân thủ các nguyên tắc và cam kết về chất lượng sản phẩm, tiếp tục phát huy tính chủ động hơn nữa trong lựa chọn và nâng cao chất lượng sản phẩm đã được công nhận đạt sao OCOP cũng như các sản phẩm chưa đạt; hợp tác, liên kết với các đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; phấn đấu trong thời gian tới tiếp tục có thêm nhiều sản phẩm được công nhận sao từ Chương trình OCOP.
Đưa thương hiệu sản phẩm OCOP Quảng Trị vươn xa
Hiện nay, thị trường tiêu thụ chính của các sản phẩm OCOP Quảng Trị vẫn là thị trường trong nước, chủ yếu là khu vực Trung bộ, một số sản phẩm xuất khẩu đi Lào, Trung Quốc. Số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sản xuất sản phẩm theo tiêu chí OCOP còn thấp, chỉ ở hình thức cơ sở sản xuất kinh doanh.
Để khẳng định thương hiệu và đưa thương hiệu sản phẩm của tỉnh vươn rộng ra thị trường trong, ngoài tỉnh và thế giới, Quảng Trị đang tích cực triển khai thực hiện các tiêu chí về nâng cao chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, tạo dựng uy tín trên thị trường.
Rất nhiều sản phẩm tham gia chương trình OCOP của các đơn vị trong tỉnh. |
Thời gian qua, tỉnh đã và đang phối hợp với các đơn vị truyền thông, các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài tỉnh thực hiện công tác tuyên truyền, xây dựng các phóng sự về chương trình OCOP, tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của các địa phương. Tổ chức các hội nghị tuyên truyền từ cấp tỉnh đến huyện, xã nhằm giới thiệu về các nội dung và chu trình thực hiện chương trình. Hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh.
Theo đó, năm 2019 Tỉnh đã tổ chức tham gia 06 hội chợ trong nước với lượng khách tham quan, mua sắm bình quân 3.000 lượt người/hội chợ. Doanh thu bình quân 200 triệu đồng/hội chợ. Tổ chức các đoàn doanh nghiệp đi giao thương, xúc tiến thương mại tại các tỉnh, thành phố. Qua đó giúp các doanh nghiệp gặp gỡ, trực tiếp giao dịch, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng mối liên kết với các doanh nghiệp, các nhà phân phối, đại lý, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại các tỉnh/thành phố.
Rất đông khách hàng tham quan mua sắm với đa dạng các sản phẩm. |
Tỉnh cũng đã kêu gọi, lựa chọn doanh nghiệp đầu tư cùng với nguồn vốn hỗ trợ từ các Tổ chức phi chính phủ để thiết lập Cửa hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm OCOP của tỉnh. Theo đánh giá của người tiêu dùng, đây là địa chỉ đáng tin cậy về chất lượng sản phẩm cũng như là trung tâm để tư vấn, phản hồi cho các chủ thể hoàn thiện hơn về phong cách bao bì, nhãn mác và cầu nối để thiết lập các liên kết tiêu thụ sản phẩm với các nhà phân phối khác trên toàn quốc.
Với quyết tâm cùng những giải pháp đồng bộ, các sản phẩm chủ lực của Quảng Trị sẽ ngày càng được nâng cao về chất lượng, khẳng định thương hiệu, tạo nền tảng vươn ra thị trường thế giới trong tương lai gần.