Cơ hội nào cho thị trường tái chế bùn thải

19/09/2023 09:01 Quản lý nguồn thải
Lượng bùn thải ở các đô thị của nước ta ngày càng tăng nhưng cơ chế quản lý, phân loại bùn thải còn chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, việc lựa chọn công nghệ phù hợp, đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật để vừa bảo vệ môi trường, vừa có hiệu quả kinh tế còn bỏ ngỏ. Việc xả thải bùn trực tiếp ra môi trường không chỉ gây ô nhiễm mà còn lãng phí đi một nguồn tài nguyên có thể tận dụng được cho các mục đích khác nhau. Tái chế bùn thải và thúc đẩy thị trường các sản phẩm từ bùn thải tái chế là giải pháp đang được cả xã hội quan tâm.
Cơ hội nào cho thị trường tái chế bùn thải

Thị trường tái chế bùn thải còn nhiều cơ hội rộng mở cho các doanh nghiệp

Nhà nước luôn tạo điều kiện tối đa cho các hoạt động tái chế nói chung và tái chế bùn thải nói riêng

Hoạt động tái chế nói chung và tái chế chất thải nói riêng (trong đó có tái chế bùn thải) luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và có những chính sách để triển khai phù hợp tại Việt Nam. Chính sách bảo vệ môi trường của Nhà nước quy định tại Điều 5 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã chỉ rõ: “Nhà nước ưu tiên xử lý ô nhiễm môi trường, khôi phục hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái, đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ môi trường khu dân cư”… “Tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ xử lý ô nhiễm, tái chế và xử lý chất thải; ưu tiên chuyển giao và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường và các kỹ thuật tốt nhất hiện có; đào tạo nguồn nhân lực về bảo vệ môi trường”. Bên cạnh chủ trương khuyến khích và đảm bảo để các hoạt động tái chế chất thải, Nhà nước cũng đưa ra các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ môi trường đối với các hoạt động tái chế được quy định tại khoản 1 Điều 141 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Song song với đó, Nhà nước cũng đã có Danh mục hoạt động bảo vệ môi trường được ưu đãi, hỗ trợ cho các đối tượng được ưu đãi và hỗ trợ bao gồm các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực đầu tư công trình bảo vệ môi trường, sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ liên quan đến bảo vệ môi trường theo danh mục được quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 về quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường. Các hoạt động được ưu đãi và hỗ trợ bảo vệ môi trường được quy định là các Dự án đầu tư trong lĩnh vực thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải; Doanh nghiệp sản xuất, cung cấp công nghệ, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ phục vụ yêu cầu bảo vệ môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Thông tư này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường nhằm tiếp tục hoàn chỉnh hơn về pháp luật cho việc bảo vệ môi trường cũng như quản lý chất thải, tái chế chất thải nói chung.

Riêng đối với bùn thải của cơ sở sản xuất sau khi đã được phân định, phân loại, không phải là chất thải nguy hại và được xác định là chất thải công nghiệp thông thường thì các cơ sở sản xuất có thể tái sử dụng chất thải này hoặc chuyển giao cho đơn vị có chức năng khác để xử lý theo đúng quy định tại Điều 30 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 13 Điều 3 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường.

Có thể nói rằng, hành lang pháp lý cơ bản cho việc tái chế chất thải nói chung và tái chế bùn thải cơ bản đã đầy đủ. Việc tăng cường sản xuất các sản phẩm tái chế từ bùn thải cũng như kinh doanh dịch vụ tái chế bùn thải hoàn toàn có cơ sở để trở thành một lĩnh vực có thể phát triển tại thị trường trong nước.

Thị trường bùn thải tái chế

Về cơ bản thị trường bùn thải tái chế đã hình thành từ rất lâu tại Việt Nam. Các đơn vị sản xuất, nhà máy, công xưởng là nguồn cung chủ yếu với khối lượng lớn bùn thải trong quá trình sản xuất (hệ thống thoát nước thải công nghiệp; bùn thải từ các trạm/nhà máy xử lý nước cấp; từ các công trình xây dựng) bên cạnh một phần nhỏ đến từ các hệ thống thoát nước thải sinh hoạt đô thị, nước thải từ các hoạt động nạo vét kênh rạch định kỳ; từ bể tự hoại (bùn hầm cầu)…

Với nguồn cung lớn, việc đáp ứng các yêu cầu về xử lý bùn thải, tái chế bùn thải cũng như các dịch vụ tái chế bùn thải hiện nay trên thị trường cũng khá đa dạng, nhiều đơn vị cung ứng sản xuất. Nhiều đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực xử lý chất thải, bùn thải như Công ty CP Giải pháp công nghiệp và Công nghệ môi trường Hòa Phát Eco, Công ty Cổ Phần WesteTech Việt Nam, Công ty TNHH Dịch vụ vệ sinh môi trường số 1 Hà Nội… đã tăng cường đầu tư thiết bị công nghệ trong tái chế bùn thải qua đó phần nào đáp ứng được nhu cầu xử lý tái chế bùn thải như hiện nay.

Việc ứng dụng các công nghệ cao cũng đem đến cho thị trường bùn thải tái chế các sản phẩm đa dạng, nhiều ứng dụng trong thực tế bên cạnh giá thành cạnh tranh và dịch vụ hợp lý.

Tái sử dụng bùn thải để sản xuất gạch không nung và các vật liệu thay thế

Lượng bùn thải hàng năm không ngừng gia tăng do quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa. Hầu hết các kim loại nặng nguy hại (Zn, Pb, Cr, Ni, Hg, Cd, Sn và Va) đều được tìm thấy trong bùn thải với hàm lượng tương đối cao, gấp nhiều lần giới hạn cho phép. Khi thải bỏ bùn thải vào môi trường các kim loại nặng sẽ dễ dàng phát tán sang môi trường đất, nước mặt và nước ngầm. Đây là mối nguy hiểm tiềm tàng đối với sức khỏe của con người cũng như hệ sinh thái tự nhiên.

Cơ hội nào cho thị trường tái chế bùn thải
Tái sử dụng bùn thải để sản xuất gạch không nung mang

Kim loại nặng thường tồn tại trong bùn dưới 5 dạng: dạng ion, dạng liên kết cacbonate; dạng liên kết trong hoặc lớp phủ bên ngoài khối rắn với sắt oxyt và mangan oxyt; dạng liên kết trong các phức chất hữu cơ; dạng trơ, bền, giữ trong cấu trúc các hạt khoáng, không bị giải phóng trong điều kiện tự nhiên.

Việc sử dụng xi măng cố định bùn thải là một giải pháp được áp dụng phổ biến trong thời gian gần đây. Nhiều đơn vị sản xuất đã triển khai có hiệu quả việc sử dụng bùn thải để sản xuất gạch không nung hay sản xuất nguyên liệu thay thế cho sản xuất ximăng.

Tổng công ty Ximăng Việt Nam (VICEM) đã thử nghiệm và thành công chương trình xử lý rác thải, bùn thải làm nhiên, nguyên liệu thay thế trong sản xuất clinker, ximăng đồng thời tăng sử dụng tro xỉ và thạch cao nhân tạo từ cuối năm 2019. Sau một thời gian thử nghiệm, đến năm 2020, VICEM đã xử lý bùn thải tại 5 dây chuyền thuộc 4 đơn vị sản xuất, bao gồm: Nhà máy ximăng Hoàng Thạch, Bút Sơn, Hạ Long và Hà Tiên với tổng khối lượng bùn thải lên tới 15.000 tấn. Tiếp đó, năm 2021, VICEM đã nâng khối lượng xử lý bùn thải lên 70.000 tấn, giúp thay thế 3-5% khối lượng nguyên liệu sét trong nguyên liệu sản xuất ximăng.

Tái chế bùn thải dùng cho nuôi cấy vi sinh tại các hệ thống xử lý nước thải mới xây dựng

Người ta dùng bùn vi sinh để làm “chất xúc tác - chất nền” trong các hệ thống xử lý sinh học chất thải. Tức là nhờ hệ vi sinh vật trong đó dùng chất ô nhiễm trong nước thải, rác thải làm thức ăn. Thông qua đó sẽ phân giải các chất ô nhiễm đó về dạng đơn giản hơn, ít ô nhiễm môi trường hơn.

Tùy thuộc vào công suất và tính chất cũng như thời gian nuôi cấy, bùn vi sinh sẽ có các loại: bùn vi sinh tác nước và bùn nước.

Các loại bùn vi sinh theo dạng ly tâm tách nước là các loại bùn ép và bùn khô. Đây là loại bùn được sử dụng đố với những trạm có công suất lớn. Và những loại bùn này thường sẽ được nuôi cấy trong khoảng thời gian là từ 3 tới 5 ngày.

Dạng bùn lỏng hay còn gọi là dạng bùn nước. Đây là loại bùn sẽ được cung cấp với dạng xe bồn ở những trạm có công suất nhỏ. Đặc biệt đây là loại bùn được nuôi cấy rất nhanh.

Tái chế bùn thải thoát nước thành các loại phân hữu cơ

Bùn thải được lấy từ hồ các hệ thống thoát nước mẫu có hàm lượng chất hữu cơ:

Thông số

Giá trị

CHC

19,11%

N tổng số

0,38%

P2O5 tổng số

1,56%

K2O tổng số

1,27%

pH

7,38

Cu

148,7 ppm

Zn

13,34 ppm

Cd

5,42 ppm

Hàm lượng chất hữu cơ và hàm lượng các chất dinh dưỡng Nts, Pts và Kts trong các mẫu bùn thải đô thị đa số ở mức khá. Khi sử dụng làm phân bón (%CHC > 8%; Nts>0,3%, Pts>0,46%, Kts>0,24). Việc sử dụng bùn thải ủ kỵ khí với các chế phẩm EM sẽ đem lại hiệu quả lớn đồng thời cung cấp hàm lượng các chất dinh dưỡng cao cho nông nghiệp, trồng trọt. Giá trị pH của phân bùn được sử dụng đều ổn định và ở mức trung tính. Hàm lượng CHC trước và sau khi ủ cao phù hợp với định lượng bắt buộc trong phân bón của TT 36/2010/BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhiều đơn vị đã đưa vào sản xuất và thử nghiệm phân hữu cơ phục vụ trồng trọt, chăn nuôi. Các mẫu rau thu hoạch sau thử nghiệm đáp ứng các tiêu chuẩn quy định về hàm lượng các kim loại nặng (Cu, Zn, Cd, Pb) phải nằm trong giới hạn cho phép QCVN 8-2:2011/BYT của Bộ Y tế.

Tái chế bùn thải từ nhà máy, khu công nghiệp làm bột màu hoặc sản xuất đinh

Với bùn cống rãnh, bùn từ các nhà máy xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp, nhà máy luyện kim, cơ khí, xử lý nước. Lại chứa nhiều kim loại nặng như chì, thuỷ ngân, nikel, crom, đồng, sắt…người ta thường dùng phương pháp sinh học để tách kim loại. Phần vô cơ chiếm 59-67% được sử dụng làm vật liệu xây dựng. Bùn từ nhà máy nước hoặc nhà máy phi mạ chứa nhiều sắt (hàm lượng sắt là 1.778-5.334mg/kg) sau xử lý được tận dụng làm bột màu hoặc sản xuất đinh cung cấp ra thị trường.

Tuy nhiên không phải loại bùn thải nào cũng có thể tái chế thành các sản phẩm cung cấp ra thị trường. Nhiều loại bùn thải chứa chất hữu cơ độc hại như chất hữu cơ bền POBs từ nhà máy sản xuất hóa chất, nhựa để xử lý được khá phức tạp, giá thành cao nên ít được các đơn vị quan tâm. Đối với loại bùn này phải dùng tới phương pháp trích ly hóa học (dùng dung môi để tách chất ô nhiễm, sau đó thu hồi dung môi cùng chất bẩn để xử lý).

Các quy định pháp luật hiện nay không cấm nhà máy sản xuất, xử lý bùn thải tái chế như chất thải công nghiệp thông thường. Bên cạnh đó, theo định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn thì đầu ra của ngành này là đầu vào của ngành kia và hiện nay đang được nhà nước rất khuyến khích, tạo điều kiện. Tuy nhiên, không phải nhà máy sản xuất nào cũng có thể tham gia quá trình sản xuất, xử lý chất thải, bùn thải tái chế mà phải có đề án, đầu tư công nghệ, thử nghiệm, chứng minh đảm bảo thì mới được tham gia vào thị trường bùn thải tái chế. Đây cũng là một trong những khó khăn ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường bùn thải tái chế.

Một khó khăn nữa để thúc đẩy thị trường sản phẩm, dịch vụ tái chế bùn thải phát triển đó là việc tiếp cận được nguồn bùn, chất thải công nghiệp thông thường, nhất là bùn thải ở sông Tô Lịch, hồ Tây, hồ Yên Sở… do vướng từ cơ chế, chính sách có liên quan đến khai thác sử dụng.

Trong thời gian tới, các doanh nghiệp trong cả nước đều mong muốn Bộ Xây dựng cùng các Bộ, ngành liên quan cần xây dựng nhiều hơn nữa các cơ chế, chính sách rõ ràng, cụ thể chi phí xử lý cho từng loại chất thải và công bố công khai để thu hút, thúc đẩy, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn thải đặc biệt là các nguồn thải liên quan đến bùn. Việc này sẽ mở ra thêm giải pháp bảo vệ môi trường cho nhiều sông, hồ, ao trên cả nước cũng như kích thích, tạo động lực cho các dịch vụ môi trường cũng như thị trường vật liệu thay thế nguồn nhiên liệu truyền thống bằng nhiên liệu từ rác/chất thải phát triển hơn.

Dương Thị Phấn
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động