Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam: Nhận diện “điểm nghẽn”, nhìn từ góc nhìn mới
Ảnh minh họa |
Theo các chuyên gia, có 3 khó khăn mà doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đang phải đối mặt, bao gồm:
Thứ nhất, làm thế nào để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng các linh phụ kiện của doanh nghiệp trong và ngoài nước, đồng thời phải liên tục cải tiến và nâng cao năng lực để tối ưu hóa hoạt động sản xuất, nhằm tạo ra các sản phẩm có thể cạnh tranh được về giá cả, chất lượng sản phẩm cũng như thời gian đáp ứng với các đối thủ trong và ngoài nước từ đó nâng cao năng lực, mở rộng quy mô và tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng lớn hơn, quy mô thị trường rộng hơn.
Thứ hai, phần lớn là các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, mới thành lập vì vậy tiềm lực tài chính khá yếu, năng lực và kinh nghiệm thị trường không nhiều, vì thế để vượt qua sự cạnh tranh, hay vượt qua các khủng hoảng như là COVID-19, xung đột Nga-Ukraine cũng như tình hình lạm phát, suy thoái kinh tế trên thế giới đang diễn ra sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thử thách. Đây cũng là nguyên nhân làm chậm sự tăng trưởng của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng từ đó sẽ ảnh hưởng đến năng lực đáp ứng nội địa cho các ngành công nghiệp liên quan nói chung.
Thứ ba, là năng lực đáp ứng và công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hiện nay phần lớn chưa theo kịp yêu cầu của khách hàng, nhất là khách hàng là những tập đoàn quy mô toàn cầu, nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có đơn hàng nhưng không đáp ứng được các tiêu chuẩn khách hàng yêu cầu nên dẫn đến mất đơn hàng về các đối thủ khác, đó là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thậm chí một số đơn hàng đáng lẽ là của doanh nghiệp Việt Nam nhưng vì không đáp ứng được nên phải chuyển sang các nước khác xung quanh chúng ta như Trung Quốc, Thái Lan… đây là điều vô cùng đáng tiếc cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nói riêng và ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước nói chung.
Để phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ cả về số lượng cũng như quy mô, ngoài bản thân các doanh nghiệp phải tự thân vận động, cải tiến máy móc, công nghệ, thì sự hỗ trợ của nhà nước và cơ quan chức năng như Bộ Công Thương cũng vô cùng quan trọng.
Theo đó, nhà nước cần ban hành Luật Công nghiệp hỗ trợ, vì hiện nay những chính sách đối với ngành công nghiệp hỗ trợ mới chỉ dừng lại ở cấp độ Nghị định, Thông tư.
Cùng với đó, có thêm những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cụ thể như ưu đãi về thuế, ưu đãi tín dụng, hay các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Đặc biệt, nhà nước cần có quỹ đầu tư để phục vụ cho phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong thời gian 5 năm đầu tiên sau khi thành lập doanh nghiệp. Có các chính sách ưu đãi, khuyến khích hơn với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ áp dụng các kỹ thuật mới, có tính cạnh tranh hay có năng lực đáp ứng tốt với yêu cầu của thị trường.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cho rằng, để ngành công nghiệp hỗ trợ bứt phá, trước hết, Chính phủ cần đẩy mạnh hỗ trợ, khuyến khích, bảo hộ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ không vi phạm các quy định các hiệp định kinh tế quốc tế đã và sẽ ký với quốc tế.