Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc luôn khắc sâu lời Bác dạy
Các đại biểu tham dự sự kiện. |
Tới dự có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí Ủy viên, nguyên Uỷ viên BCH Trung ương Đảng; đại biểu các cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành bạn và Quân khu 2.
Về phía tỉnh Vĩnh Phúc có đồng chí Hoàng Thị Thuý Lan - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc; đồng chí Phạm Văn Vọng - Nguyên Ủy viên BCH TW Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương; Đồng chí Phạm Hoàng Anh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; đồng chí Lê Duy Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc; các quý vị đại biểu, khách quý và các tầng lớp Nhân dân về dự buổi Lễ trọng thể này.
Phát biểu tại Lễ ký niệm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng những thành tựu Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Vĩnh Phúc đã đạt được trong những năm qua. |
Quá trình xây dựng và phát triển, tỉnh Vĩnh Phúc đã vinh dự được 8 lần đón Bác Hồ về thăm, đặc biệt trong lần thăm thứ 7, ngày 2/3/1963, Người đã căn dặn “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”.
60 năm qua, có thời điểm Vĩnh Phúc hợp nhất với Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú, rồi lại tách ra tái lập tỉnh, nhưng Đảng bộ và Nhân dân Vĩnh Phúc lúc nào cũng khắc sâu lời dạy của Bác Hồ.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Vĩnh Phúc luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hậu phương, cung cấp hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến. Là tỉnh dẫn đầu toàn miền Bắc về sản xuất lương thực, cây trồng, làm thủy lợi và phong trào hợp tác hóa nông nghiệp.
Cùng với quân và dân toàn miền Bắc, quân và dân tỉnh Vĩnh Phúc luôn xiết chặt đội ngũ trong tư thế "tay cày, tay súng", "tay búa, tay súng", thanh niên "3 sẵn sàng'', phụ nữ ''3 đảm đang" quyết tâm bảo vệ vững chắc thành quả xây dựng Chủ nghĩa xã hội; không ngừng chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Tổng kết các cuộc kháng chiến, có hàng chục vạn người con của quê hương Vĩnh Phúc đã tham gia, có gần 16 nghìn liệt sỹ, 1.600 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 500 cán bộ Lão thành cách mạng; và trên 700 cán bộ Tiền khởi nghĩa; có trên 12 nghìn thương, bệnh binh cùng hàng chục vạn người đang được hưởng chính sách người có công với cách mạng.
Nhiều tập thể, cá nhân của tỉnh được Đảng và Nhà nước trao tặng, truy tặng huân chương và các danh hiệu cao quý. Trong đó, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm. |
Sau 26 tái lập tỉnh, vùng đất quê hương của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc – “cha đẻ” của chủ trương “khoán hộ”, với quan điểm “phải để nông dân làm chủ ruộng đất của mình” đã vươn lên mạnh mẽ không ngừng, đạt nhiều thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Từ khi tái lập năm 1997 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn giữ ở mức cao, có năm trên 20%, bình quân giai đoạn 1997 - 2022 đạt 13,27%/năm.
Năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 8,29% (đứng thứ 9 cả nước). Năm 2022, vượt qua nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid, kinh tế của tỉnh đã phục hồi ấn tượng, tăng trưởng mạnh mẽ, đạt và vượt mục tiêu đề ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,54%, là mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2014 đến nay và cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước.
Trao tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ. |
Từ một tỉnh thuần nông, với sự năng động, đổi mới, sáng tạo của các thế hệ lãnh đạo trong thu hút đầu tư, Vĩnh Phúc đã trở thành một tỉnh công nghiệp – một trung tâm công nghiệp sản xuất ô tô, xe máy của cả nước, một địa phương đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH. Tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ chiếm đến 93,15%; nông lâm nghiệp, thuỷ sản chỉ còn 6,85%.
Thu ngân sách hàng năm tăng nhanh và năm 2022 đạt hơn 40.000 tỷ đồng, nằm trong số ít địa phương có số thu nội địa cao nhất cả nước; nhiều năm liền chỉ đứng sau Thủ đô Hà Nội. Công nghiệp, dịch vụ, du lịch phát triển, thu hút đầu trở thành điểm sáng của cả nước.
Đô thị Vĩnh Phúc văn minh, hiện đại, đáng sống đang dần hiện hữu. Thị trấn Tam Đảo được công nhận là Thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới; Khu danh thắng Tây Thiên, các khu nghỉ dưỡng cao cấp, các sân golf Tam Đảo, Đầm Vạc, Đại Lải, Thanh Lanh đã trở thành điểm đến của đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Diện mạo nông thôn thay đổi toàn diện. Những địa danh in dấu chân Bác Hồ về thăm trước đây như Vĩnh Yên, Tam Đảo, Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Phúc Yên nay đều là địa phương phát triển, địa danh đáng sống. Văn hóa, giáo dục được nâng cao vượt bậc, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông được cải thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ.
GRDP bình quân ước đạt 127,9 triệu đồng/người năm 2022, đứng ở vị trí thứ 9 cả nước; Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1% và kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm mạnh trong những năm tới. Vĩnh Phúc luôn nằm trong top đầu cả nước về chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn; nhiều năm liên tục có học sinh đạt Huy chương trong các Kỳ thi Olympic Quốc tế. Hệ thống trường học, bệnh viện, thiết chế văn hóa, thể thao đã và đang được quan tâm đầu tư xây dựng theo hướng hiện đại.
Để có được Vĩnh Phúc “giàu có, phồn vinh” như hôm nay, các thế hệ cán bộ, đảng viên tỉnh Vĩnh Phúc luôn khắc ghi lời dạy thiêng liêng của Bác kính yêu và thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, trong đó lấy đổi mới phương thức lãnh đạo và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân làm nòng cốt...
THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO