Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực Đo đạc và Bản đồ
|
Đo đạc, lập bản đồ địa chính. Ảnh: MH
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Hội nghị KH&CN toàn quốc ngành Đo đạc và Bản đồ ngày 5/10. Hội nghị đã tổng kết đánh giá các thành tựu của ngành đo đạc, bản đồ và định hướng cho công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ của ngành trong thời gian tới phục vụ xây dựng Chiến lược phát triển ngành đo đạc và bản đồ, chiến lược phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030 tạo nền tảng để ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0.
Tại Hội nghị, các nhà khoa học, nhà quản lý đã tổng kết những kết quả nổi bật trong hoạt động khoa học, công nghệ. Đáng chú ý là việc nghiên cứu hoàn thiện hệ thống tọa độ, độ cao quốc gia trên quan điểm hiện đại có kết nối với Hệ quy chiếu động quốc tế (ITRF); nghiên cứu, ứng dụng và khai thác hiệu quả công nghệ định vị vệ tinh toàn cầu (GNSS); nghiên cứu, ứng dụng công nghệ đo trọng lực tuyệt đối độ chính xác cao nhằm hoàn thiện mạng lưới trọng lực quốc gia; những thành tựu về nghiên cứu, ứng dụng công nghệ đo vẽ ảnh số, công nghệ LiDAR trong thành lập bản đồ địa hình, bản đồ địa chính, mô hình số độ cao; Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ đo sâu chùm tia trong đo đạc, thành lập bản đồ địa hình đáy biển; nghiên cứu ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, kết quả nghiên cứu đã được áp dụng trong hai dự án lớn của Chính phủ: Dự án xây dựng hệ thống dữ liệu nền địa lý tỷ lệ 1/2000, 1/5000 ở các khu vực kinh tế trọng điểm, khu vực thành phố và Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý tỷ lệ 1/10.000 phủ trùm toàn quốc; nghiên cứu các nội dung liên quan đến phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; tiếp nhận và khai thác Trạm thu ảnh viễn thám thuộc Hệ thống giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường tại Việt Nam.
Định hướng nghiên cứu khoa học công nghệ bản đồ đến năm 2025 là nghiên cứu cơ sở khoa học để hoàn thiện thể chế, pháp luật về đo đạc bản đồ, trong đó tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và định mức kinh tế kỹ thuật trong đo đạc và bản đồ; nghiên cứu cơ bản về Trái đất bằng phương pháp đo đạc và bản đồ tiên tiến, hiện đại gồm: nghiên cứu chuyển dịch vỏ trái đất phục vụ dự báo, cảnh báo tai biến thiên nhiên và các hiện tượng cực đoan, nghiên cứu xây dựng mô hình địa động lực phần đất liền, vùng biển Việt Nam và lân cận; nghiên cứu phát triển ứng dụng chuyển giao công nghệ cao để phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu; ứng dụng các thành tựu mới của công nghệ ảnh số, công nghệ quét LiDAR, công nghệ viễn thám, GIS, GNSS... nghiên cứu để xây dựng và phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến việc thu nhận, lưu trữ, cập nhật, tích hợp và chia sẻ dữ liệu không gian địa lý, phát triển ứng dụng, khai thác hiệu quả hạ tầng dữ liệu không gian địa lý.