Để môi trường, cảnh quan sau bão sạch đẹp

26/09/2024 10:50 Kinh tế, xã hội
Sau khi bão số 3 đi qua, các ngành, cơ quan chức năng, địa phương và nhân dân tỉnh Thái bình đã nhanh chóng bắt tay vào công tác vệ sinh môi trường (VSMT), khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, sản xuất.
Nhân dân phường Đề Thám, thành phố Thái Bình tham gia dọn vệ sinh môi trường.
Nhân dân phường Đề Thám, thành phố Thái Bình tham gia dọn vệ sinh môi trường.

Mưa, lũ đã làm cuộc sống, sinh hoạt của nhiều gia đình bị đảo lộn. Dù công tác thu gom rác thải đã được các địa phương thực hiện khá tốt nhưng môi trường sau mưa, lũ vẫn phức tạp do nhiều nguồn thải ứ đọng lâu ngày.

Vì vậy, ưu tiên hàng đầu của các địa phương trong những ngày qua là nhanh chóng khắc phục hậu quả sau mưa, lũ; tuyên truyền nhân dân chủ động vệ sinh nhà cửa, thu gom rác thải để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm.

Ông Mai Thế Hưng, Trưởng phòng Quản lý môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình cho biết: Ngày 13/9/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành công văn về việc tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa, lũ trên địa bàn tỉnh.

Với phương châm nước rút đến đâu làm VSMT đến đó; tổ chức thu gom rác thải, bùn đất trôi dạt do bão, lũ; kịp thời thu gom, xử lý xác gia súc, gia cầm và tẩy uế chỗ có xác gia súc, gia cầm chết; phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ để tránh phát sinh các dịch bệnh truyền nhiễm.

Với các khu vực có nguy cơ phát tán ô nhiễm cao (như bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, điểm tập kết chất thải rắn, khu xử lý chất thải rắn, kho hóa chất, kho thuốc bảo vệ thực vật, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các cơ sở y tế, cơ sở chăn nuôi, giết mổ tập trung...), chỉ đạo chủ cơ sở, tổ chức được phân công quản lý có phương án chủ động khoanh vùng, cô lập, xử lý tại chỗ hoặc chuyển giao chất thải, đặc biệt là chất thải nguy hại, lây nhiễm; tăng cường trang thiết bị và tần suất vận chuyển chất thải đến khu xử lý chất thải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Sau bão, tại thành phố Thái Bình cây cối đổ ngổn ngang, rất nhiều cây to bị bật gốc, kèm theo đó là lượng rác thải phát sinh rất lớn, chủ yếu là rác hữu cơ cây xanh. Để nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa, bão, thành phố đã chỉ đạo các xã, phường, các đơn vị triển khai ngay công tác VSMT. 100% xã, phường phát động các thôn, tổ dân phố ra quân tổng VSMT từ ngày 13 - 15/9.

Chủ tịch UBND phường Đề Thám Bùi Thị Hương cho biết: Những ngày vừa qua, bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây ra những thiệt hại về cơ sở hạ tầng, cây cối, môi trường, gây ra ngập úng tại một số địa phương, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân. Trên địa bàn phường có một số điểm ngập úng, nhà tập thể xuống cấp phải di dời các hộ dân đến nơi an toàn. Thời điểm bão tan, nước rút cũng chính là lúc người dân đối mặt với ô nhiễm môi trường do rác thải còn tồn đọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Thực hiện chỉ đạo của thành phố, UBND phường tổ chức ra quân tổng VSMT sau bão và kêu gọi các cơ quan, đơn vị, trường học, hộ gia đình và nhân dân cùng tham gia VSMT, thu dọn cây cối gãy, đổ; khơi thông cống, rãnh, kênh mương; thu gom rác thải; phun khử trùng phòng, chống dịch bệnh...

Những chiếc xe thu gom rác nối dài, các tốp công nhân làm việc không ngơi tay, áo ướt đẫm mồ hôi là hình ảnh dễ bắt gặp trên đường phố những ngày này. Bão số 3 làm nhiều cây đổ, phát sinh lượng rác rất lớn, nhất là rác thải cồng kềnh, tuy nhiên Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Bình đã triển khai thực hiện nhiệm vụ với tinh thần cao nhất.

Chị Nguyễn Thị Hồng Chinh, công nhân Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Bình cho biết: Từ sau bão số 3 đến nay chúng tôi phải làm thêm giờ, tăng ca cả ngày lẫn đêm. Buổi tối đi thu gom rác thải sinh hoạt, ban ngày cùng các lực lượng hỗ trợ thu dọn cành cây gãy, đổ. Để thực hiện đúng yêu cầu Công ty đã đặt ra, 100% người lao động đều nỗ lực, quyết tâm cao theo tinh thần “làm việc gấp hai, gấp ba ngày thường”.

Còn theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hưng Hà Đinh Thị The, ngay sau khi bão tan, Hội đã chỉ đạo 100% cơ sở hội tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân tổng VSMT trên địa bàn xã, thị trấn; phối hợp cùng lực lượng chức năng khắc phục hậu quả sau bão. Nhờ đó, các tuyến đường, ngõ xóm, khu dân cư, trường học, nhà văn hóa, các điểm di tích, khu vui chơi... sớm được trả lại không gian xanh.

Hội phụ nữ xã Văn Lang (Hưng Hà) tham gia dọn vệ sinh môi trường sau bão số 3.
Hội phụ nữ xã Văn Lang (Hưng Hà) tham gia dọn vệ sinh môi trường sau bão số 3.

Vũ Thư là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng lớn của bão số 3. Nước lũ làm ngập úng nặng nhiều diện tích lúa, hoa màu, cây cảnh và một số khu dân cư ở các xã Vũ Vân, Bách Thuận, Tân Lập...

Ngay sau khi nước rút, UBND huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện huy động cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên tham gia tổng VSMT; đồng thời, huy động tối đa lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phối hợp với các thôn, tổ dân phố tổng VSMT.

Đến nay, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều tổ chức các hoạt động VSMT, thu gom rác thải với khối lượng rác thải gấp 3 - 5 lần ngày thường, trồng lại cây xanh, khơi thông hệ thống thoát nước. Nhờ đó, môi trường, cảnh quan sớm gọn gàng trở lại, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân đang dần trở lại bình thường.

Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động