Đô thị thông minh góp phần thực hiện Chiến lược về tăng trưởng xanh
Chính sách tài chính hướng đến mô hình tăng trưởng xanh Việt Nam đang vượt lên trong cuộc 'đua xanh' Tiết kiệm năng lượng hướng tới tăng trưởng xanh |
Chiều 2/10, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo chuyên đề "Xây dựng đô thị thông minh trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia" với sự tham gia đông đảo của các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, học giả, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây là 1 trong 5 hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 (Industry 4.0 Summit 2019) do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức trong hai ngày 2-3/10.
Việc xây dựng đô thị thông minh góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam. |
Đến năm 2025, có ít nhất 3 đô thị thông minh
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong bối cảnh chung của tiến trình chuyển đổi số, chủ đề xây dựng đô thị thông minh đã và đang trở thành chủ đề nóng tại các chương trình nghị sự trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á năng động, trong đó có Việt Nam.
Thực tiễn quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong hơn 30 năm vừa qua đã chứng kiến sự đóng góp quan trọng của các đô thị. Đô thị hóa đang trở thành một xu thế chủ đạo, định hình kinh tế, môi trường, xã hội và văn hóa các nước đang phát triển, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung này.
Phát triển đô thị là động lực cơ bản cho phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và các vùng miền trên cả nước. Đến nay, cả nước đã có trên 830 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 38,6%. Tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị đạt trung bình từ 12 đến 15%, cao gấp 1,5 đến 2 lần so với mặt bằng chung cả nước. Các trung tâm đô thị đã và đang là những trung tâm của các hoạt động kinh tế - xã hội, đồng thời cũng là trung tâm của hoạt động đổi mới sáng tạo, giáo dục, nghiên cứu khoa học công nghệ, sản xuất, thương mại và hội nhập quốc tế.
Những thành tựu của các đô thị đã đóng góp một phần quan trọng đưa Việt Nam sớm hoàn thành nhiều mục tiêu Thiên Niên Kỷ trước đây, cũng như thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) hiện nay.
Trong những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để phục vụ phát triển đất nước. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, yêu cầu tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước.
Đối với lĩnh vực đô thị, mục tiêu đề ra đến năm 2025, có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc - Trung - Nam; đến năm 2030, hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Quan điểm của Chính phủ trong xây dựng đô thị thông minh
Nhắc lại những chủ trương, chính sách của Chính phủ về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, ngày 01/8/2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030 với các quan điểm cụ thể:
Thứ nhất, phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các định hướng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị của quốc gia và địa phương, phù hợp với đặc thù của từng địa phương;
Thứ hai, là một nội dung quan trọng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sử dụng các phương tiện hỗ trợ công nghệ thông tin truyền thông (ICT) và các phương tiện khác góp phần thúc đẩy nâng cao sức cạnh tranh, đổi mới, sáng tạo, minh bạch, tinh gọn, hiệu lực hiệu quả quản lý của chính quyền các đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, năng lượng và các nguồn lực phát triển, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống đô thị, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội;
Quang cảnh tại hội thảo. Ảnh: Hiền Hòa |
Thứ ba, lấy người dân làm trung tâm, hướng tới mục tiêu để mọi thành phần trong xã hội có thể được thụ hưởng lợi ích, tham gia đầu tư xây dựng và giám sát, quản lý đô thị thông minh, góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và các Mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam;
Thứ tư, dựa trên thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, ứng dụng các công nghệ hiện đại, đồng bộ, đảm bảo tính trung lập về công nghệ, có khả năng tương thích với nhiều nền tảng, đảm bảo an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và bảo vệ thông tin cá nhân của người dân, đảm bảo sự đồng bộ giữa các giải pháp công nghệ và phi công nghệ;
Thứ năm, đảm bảo tính thống nhất, tối ưu hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng ICT hiện có dựa trên Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh, các quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật để đảm bảo khả năng tương tác, hoạt động đồng bộ của đô thị thông minh cũng như giữa các đô thị thông minh; sử dụng các chỉ số chính đánh giá về hiệu quả hoạt động (KPI) cho đô thị thông minh;
Thứ sáu, tổ chức thực hiện phát triển đô thị thông minh bền vững kết hợp cả hai cách từ trên xuống và từ dưới lên, Trung ương điều hành tập trung xây dựng hệ thống quy định pháp lý và chính sách hỗ trợ, các địa phương đóng vai trò chủ động. Khuyến khích sự tham gia đầu tư, xã hội hóa phát triển đô thị thông minh trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí và rủi ro, hài hòa lợi ích của các bên có liên quan, khuyến khích sử dụng các sản phẩm, dịch vụ trong nước. Tổ chức thực hiện thí điểm điển hình, rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng, tiến hành dần từng bước, có những tiến bộ cụ thể và vững chắc, dựa trên đặc điểm riêng của đô thị, hài hòa giữa yêu cầu phát triển dài hạn của đô thị với nhu cầu bức thiết của người dân, đảm bảo hiệu quả đầu tư ngắn hạn và dài hạn, không phát triển tự phát, tràn lan, theo phong trào;
Thứ bảy, giai đoạn 2018 - 2025 ưu tiên xây dựng các nội dung cơ bản bao gồm: Quy hoạch đô thị thông minh; Xây dựng và quản lý đô thị thông minh; Cung cấp các tiện ích đô thị thông minh cho các tổ chức, cá nhân trong đô thị với cơ sở nền tảng là hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và hệ thống hạ tầng ICT trong đó bao gồm cơ sở dữ liệu không gian đô thị thông minh được kết nối liên thông và hệ thống tích hợp hai hệ thống trên.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh khẳng định, xây dựng đô thị thông minh là nhiệm vụ rất mới, hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích nhưng cũng có rất nhiều khó khăn, thách thức. Thực tế đó đòi hỏi sự hợp tác và chia sẻ là yêu cầu tất yếu để có thể thực hiện được các mục tiêu đã đề ra.
Con người phải làm chủ công nghệ
Hội thảo có sự tham gia của rất nhiều diễn giả, chuyên gia uy tín đến từ các quốc gia và địa phương trên cả nước. Đây sẽ là cơ hội quý báu để trao đổi, thảo luận và làm rõ những cơ hội, thách thức trong phát triển thành phố thông minh; chia sẻ kinh nghiệm, cách làm tốt cũng như đưa ra những lời khuyên, khuyến nghị cụ thể cho xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Theo các đại biểu, dù đã có đầy đủ các chủ trương, chính sách để xây dựng, phát triển đô thị thông minh, nhưng để thành hiện thực cần có điều kiện, yếu tố đi kèm, trong đó đô thị thông minh đòi hỏi con người phải làm chủ công nghệ để chỉ đạo, thực hiện.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Thành Hưng, xây dựng đô thị thông minh là yêu cầu tất yếu hiện nay nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ môi trường sống tiện ích, thân thiện và an toàn của người dân trong bối cảnh bùng nổ của các đô thị.
Thực tế đến nay trên cả nước đã có khoảng 30 địa phương phê duyệt và triển khai các đề án, dự án về phát triển đô thị thông minh. Nhưng theo đánh giá của Bộ TT&TT, việc phát triển đô thị thông minh còn nhiều bất cập và lúng túng. Các bộ ngành vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện việc xây dựng và ban hành quy định hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy chuẩn, các cơ chế, chính sách về đô thị thông minh. Các địa phương cũng mới bước đầu triển khai một số ứng dụng và dịch vụ cơ bản cho đô thị thông minh.
Chia sẻ quan điểm của Bộ TT&TT về vấn đề xây dựng đô thị thông minh, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng khuyến nghị, các địa phương cần có nhận thức đúng về đô thị thông minh, các điều kiện cần và đủ để từng bước xây dựng thành công đô thị thông minh tại địa phương, tránh đầu tư dàn trải, làm theo phong trào.