Đưa vùng Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, ổn định, bền vững…

26/11/2022 22:52 Chính trị
Hội nghị công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24- NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa diễn ra tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm đưa Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước. Bên cạnh đó, nhiều lãnh đạo các địa phương cũng đã có các kiến nghị sớm có cơ chế cụ thể cho quy hoạch vùng.
Đưa vùng Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, ổn định, bền vững…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị

Đưa vùng Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao

Tham dự Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cùng hơn 1.000 đại biểu gồm lãnh đạo các bộ, ngành và 6 tỉnh Đông Nam Bộ, 2 tỉnh Long An, Tiền Giang cùng các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị chỉ rõ mục tiêu đến năm 2030, đưa Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, có động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực…

Đến năm 2045, đưa Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại…, trở thành trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới; kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng - an ninh; có chất lượng cuộc sống cao, có trình độ y tế, giáo dục thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á. TP. Hồ Chí Minh là hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng, phát triển thành trung tâm tài chính quốc tế, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực châu Á, nơi tập trung của các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới.

Đưa vùng Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, ổn định, bền vững…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Nghị quyết số 154/NQ-CP của Chính phủ ban hành 19 chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 của vùng Đông Nam Bộ như: tốc độ tăng trưởng bình quân từ 8 - 8,5%/năm, GRDP bình quân đầu người 380 triệu đồng, tỉ lệ đạt chuẩn nông thôn mới 100%, tỉ lệ thất nghiệp dưới 3%… Chính phủ cũng ban hành 35 nhiệm vụ, đề án cụ thể liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều mặt của phát triển. Trong đó có đề án về phát triển nhanh, bền vững, tạo bước đột phá, lan tỏa và hoàn thiện thể chế chính sách và phát triển liên kết vùng. Ngoài ra còn có các đề án về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kết cấu hạ tầng đô thị cũng như phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 24 cũng đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển vùng Đông Nam Bộ một cách bền vững, tạo đột phá, lan tỏa, phát triển vùng, liên vùng; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đấy mạnh phát triển liên kết vùng cũng như phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại…

Đưa vùng Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, ổn định, bền vững…
Thủ tướng Chính phủ tham quan mô hình vùng Đông Nam Bộ

Cần sớm có cơ chế cụ thể cho quy hoạch vùng Đông Nam Bộ

Với vị trí nằm trên trục đường xuyên Á, có hệ thống cảng nước sâu có thể tiếp nhận tàu container trọng tải lớn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giữ vai trò cửa ngõ hướng ra biển của vùng Đông Nam Bộ. Các dự án như: Đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường Vành đai 4 T. Hồ Chí Minh, đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu và hệ thống giao thông liên cảng sẽ hình thành hệ thống giao thông đa phương thức, kết nối liên hoàn, đồng bộ.

Trong chương trình hành động của Chính phủ ban hành theo nghị quyết 154 có những nhiệm vụ cụ thể như: tăng cường kết nối các khu công nghiệp, khu chế xuất để thành cụm liên kết ngành công nghiệp; phát triển vùng Đông Nam Bộ thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, giao lưu quốc tế của Đông Nam Á; phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia; TP. Hồ Chí Minh là đô thị hạt nhân, tập trung chuyển nhanh sang dịch vụ chất lượng cao, tài chính quốc tế…

Để thực hiện mục tiêu biến Trung tâm logistics Cái Mép Hạ thành Khu thương mại tự do, là động lực mới phát triển vùng Đông Nam Bộ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang cập nhật chủ trương trên vào Quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.

Đưa vùng Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, ổn định, bền vững…
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại Hội nghị

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đang kết nối, phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương trong Vùng đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ, kết nối với TP. Hồ Chí Minh, với các đô thị phát triển trong vùng Đông Nam Bộ và cả nước, kết nối với hành lang kinh tế xuyên Á.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, tỉnh xây dựng chiến lược thu hút các nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, năng lực quản lý đến khu thương mại tự do Cái Mép Hạ. Do đó, địa phương kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu tổng thể về mô hình quản lý cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu Thương mại tự do Cái Mép Hạ.

Phạm vi không chỉ là cơ chế, chính sách đặc thù riêng lẻ mà gắn với việc xây dựng thể chế, thiết chế, pháp lý có tác động lớn, rộng. Chính phủ cần hướng dẫn các địa phương trong việc xây dựng Khu thương mại tự do phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của pháp luật Việt Nam, bảo đảm cơ sở pháp lý để thực hiện quản lý nhà nước về phát triển vùng và điều tiết các nhu cầu của vùng” - ông Nguyễn Văn Thọ kiến nghị.

Đưa vùng Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, ổn định, bền vững…
Chủ tịch TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi (giữa) tại Hội nghị

Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh tổng kết Nghị quyết 53 về phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đánh giá, so với tiềm năng và nguồn lực sẵn có, những đóng góp của vùng Đông Nam Bộ là chưa xứng tầm, trong đó vai trò đầu tàu của TP. Hồ Chí Minh chưa được phát huy hết.

Bởi vậy, để thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, chủ trương hành động của Chính phủ, ngoài giải quyết các điểm nghẽn trong phát triển Vùng, TP. Hồ Chí Minh cũng tập trung thay đổi mô hình phát triển trong bối cảnh mới, gắn kết với phát triển Vùng.

Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh tiến hành tái cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao. Tập trung phát triển kinh tế theo hướng phát triển các ngành dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao, gắn với xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm thương mại - du lịch, logistics quốc tế, tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng công nghệ cao và giá trị gia tăng cao, rà soát chuyển đổi công năng các Khu chế xuất-Khu công nghiệp theo hướng phát triển công nghệ cao.

Thành phố sẽ tích cực phối hợp với các địa phương trong Vùng để xây dựng chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2023-2030 với các nội dung trọng tâm theo Nghị quyết- 24. Trước mắt là phối hợp triển khai tốt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xem quy hoạch Vùng là công cụ điều phối quan trọng trong quá trình phát triển cả Vùng….

Để làm tốt điều này, ông Phan Văn Mãi cho biết, TP. Hồ Chí Minh cũng như của các địa phương trong Vùng cần có cơ chế phối hợp đồng bộ, kịp thời và hiệu quả. Cơ chế phối hợp này là giữa các địa phương trong Vùng và sự phối hợp giữa các địa phương với các bộ ngành.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi kiến nghị, Chính phủ cần củng cố thành phần Hội đồng vùng, cơ chế hoạt động, trong đó quy định rõ ràng cơ chế triển khai quy hoạch Vùng, cũng như quy hoạch các địa phương, quy chế hoạt động trong điều phối các công trình trọng điểm của Vùng; cho phép thành lập quỹ phát triển giao thông, hạ tầng vùng với nguồn vốn hỗn hợp.

"Chúng tôi thấy mô hình vốn cho Vành đai 3 rất hiệu quả, vừa kết hợp vốn Trung ương và vốn địa phương. Có nguồn quỹ phát triển hạ tầng giao thông Vùng thì sẽ giải quyết nhanh hơn các vấn đề giao thông của vùng. TP Hồ Chí Minh cam kết với Chính phủ là sẽ hành động với trách nhiệm cao nhất để hiện thực hóa Nghị quyết 24, đóng góp vào sự phát triển chung của vùng và cả nước” - ông Phan Văn Mãi cho biết.

Đưa vùng Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, ổn định, bền vững…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Phó Thủ tướng Lê Minh Khái dự lễ triển lãm ảnh nghệ thuật “Đông Nam bộ đột phá mới - Tầm cao mới”

Trong khuôn khổ Hội nghị cũng diễn ra lễ trao thỏa thuận hợp tác về phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ giữa Bộ Kế hoạch - Đầu tư với các đối tác phát triển, cũng như các biên bản ghi nhớ, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Triển lãm ảnh nghệ thuật "Đông Nam Bộ: “Đột phá mới - Tầm cao mới" và gian hàng trưng bày những sản phẩm có thế mạnh của các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ. Triển lãm nhằm giới thiệu vẻ đẹp hiện đại, năng động, sáng tạo của vùng đất và con người vùng Đông Nam Bộ, khắc họa những thế mạnh về dịch vụ, công nghiệp, du lịch của các tỉnh, thành phố trong vùng, những nét đẹp tiêu biểu trong đời sống văn hóa, tinh thần, đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc của đồng bào vùng Đông Nam Bộ./.

Phạm Sinh - Trường Giang

Trường Giang
Tổng hợp
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động