Gia Lai: Rộc Tưng - Gò đá được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt

19/05/2023 08:51 Văn hóa
Di tích khảo cổ Rộc Tưng - Gò Đá rộng khoảng 50 ha, nằm trên địa bàn xã Xuân An và phường An Bình của thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Di tích đã bổ sung tư liệu mới trong nghiên cứu về giai đoạn lịch sử xa xưa nhất của Việt Nam và góp phần thay đổi nhận thức về đời sống cư dân đầu tiên ở Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh: Chương trình khai quật khảo cổ tại di tích Rộc Tưng - Gò Đá (thị xã An Khê) được tiến hành từ năm 2015 đến năm 2019 bởi sự hợp tác giữa Viện Khảo cổ học - Dân tộc Novosibirsk thuộc Viện Hàn Lâm khoa học Liên bang Nga và Viện Khảo cổ học Việt Nam. Kết quả khai quật đã phát hiện nhiều hiện vật có giá trị rất quan trọng, có niên đại khoảng 80 vạn năm, điển hình là bộ rìu tay sơ kỳ Đá cũ An Khê là bằng chứng sinh động về văn hóa của cộng đồng cư dân sơ kỳ Đá cũ trên đất Gia Lai. Trong 5 năm thực hiện chương trình hợp tác Nga - Việt tại tỉnh Gia Lai đã diễn ra 02 cuộc hội thảo khoa học quốc tế nhằm đánh giá, nhận định về kết quả khai quật tại địa phương.

Gia Lai: Rộc Tưng - Gò đá được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt
Các nhà khảo cổ học Việt - Nga và lãnh đạo tỉnh Gia Lai tham quan Di tích khảo cổ học Rộc Tưng - Gò Đá.(Ảnh: Hoàng Ngọc)

Từ những kết quả được khẳng định sau hội thảo khoa học quốc tế về khảo cổ học lần thứ nhất, di tích khảo cổ học Rộc Tưng - Gò Đá được UBND tỉnh Gia Lai xếp hạng là Di tích cấp tỉnh ngày 15- 01 - 2018. Năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai đã xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị nâng hạng Di tích này. Ngày 04-11-2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3237/QĐ-BVHTTDL xếp hạng quốc gia đối với Di tích khảo cổ Rộc Tưng - Gò Đá.

Di tích rộng khoảng 50 ha, nằm trên địa bàn xã Xuân An và phường An Bình của thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Di tích đã bổ sung tư liệu mới trong nghiên cứu về giai đoạn lịch sử xa xưa nhất của Việt Nam và góp phần thay đổi nhận thức về đời sống cư dân đầu tiên ở Việt Nam. Lâu nay, thời điểm mở đầu lịch sử Việt Nam được cho là cách đây 50 vạn năm (qua tư liệu di cốt người đứng thẳng - home erectus - tìm thẩy ở Thẩm Khuyên và Thẩm Hai của tỉnh Lạng Sơn) nhưng ở Di tích Rộc Tưng - Gò Đá, các nhà khoa học đã xác định được thời điểm mở đầu lịch sử Việt Nam là cách ngày nay khoảng 80 vạn năm. Tư liệu này đã được bổ sung vào chương trình đầu tiên của bộ sách Lịch sử Việt Nam (Quốc sử), đánh dấu bước nhận thức mới về lĩnh vực này.

Những phát hiện kỹ nghệ Đá cũ ở An Khê đã làm thay đổi nhận thức về tổ tiên loài người. Trước đây, nhiều người cho rằng cư dân sơ kỳ Đá cũ là người ăn lông, ở lỗ, sống lang thang nay đây mai đó, ghè đá tạo một vài công cụ vạn năng. Phát hiện về kỹ nghệ, công cụ đá tại Di tích này cho thấy cư dân sơ kỳ Đá cũ An Khê đã biết lựa chọn nguyên liệu, chất liệu đá sao cho phù hợp với chức năng công cụ định chế tác, họ có sự tập trung cao, tương thích nhất định với cảnh quan môi trường. Công cụ ở đây đã có thể dùng để chặt tre, gỗ, xẻ thịt thú rừng, nạo da động vật, đào đất tìm con mồi. Những di tồn văn hóa khảo cổ kỹ nghệ An Khê thuộc Di tích Rộc Tưng - Gò Đá đã bổ sung vào bản đồ sơ kỳ Đá cũ của thế giới và con đường hình thành văn hóa đầu tiên của nhân loại.

Kỹ nghệ An Khê thuộc kỹ nghệ ghè hai mặt - được xem là một phát kiến vĩ đại của nhân loại trong giai đoạn bình minh của loài người. Sau khi khai quật và nghiên cứu, tổ hợp công cụ ghè hai mặt trong kỹ nghệ An Khê đã được điền vào bản đồ kỹ nghệ ghè hai mặt trên thế giới.

Nhiều người từng tin rằng phương Tây phổ biến rìu tay có hình dáng cân đối, ghè đẽo quy chuẩn, thể hiện sự tiến bộ, năng động của con người, còn phương Đông tồn tại lâu đời kỹ nghệ cuội ghè đẽo thô sơ và phụ thuộc vào hình dáng tự nhiên của hòn cuội, thể hiện khu vực bảo thủ, trì trệ, lạc hậu và hầu như không có đóng góp gì cho tiến bộ của nhân loại. Các Di tích sơ kỳ Đá cũ được phát hiện ở Châu Á, trong đó có An Khê đã cung cấp nhiều bằng chứng mới cho việc đánh giá lại vị trí các kỹ nghệ công cụ đá ở phương Đông.

Trong thời gian tới UBND tỉnh Gia Lai sẽ đề xuất xây dựng Đề án khai quật, nghiên cứu, phát huy giá trị hệ thống Di tích sơ kỳ Đá cũ An Khê Gia Lai với dự toán kinh phí khoảng 50 tỉ đồng. Bên cạnh việc bảo tồn, UBND tỉnh sẽ cho các nhà khoa học và sinh viên thuê đất để khai quật thêm một số diện tích gần Di tích để nghiên cứu khoa học, với điều kiện nộp toàn bộ hiện vật cho UBND tỉnh. Xây dựng tour du lịch Rộc Tưng - Gò Đá kết nối với quần thể Di tích Tây Sơn Thượng đạo, Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng, Bảo tàng Quang Trung và nghỉ dưỡng biển Quy Nhơn…Kết hợp với đa dạng sản phẩm du lịch như nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm du lịch gắn với sản phẩm OCOP, nông nghiệp công nghệ cao…

Công Thành
Công Thành
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động