Hà Nội ô nhiễm bụi ở ngưỡng rất cao là do hiện tượng nghịch nhiệt

05/09/2019 04:00 Tác động môi trường
Kết quả quan trắc cho thấy vấn đề ô nhiễm không khí tại Hà Nội chủ yếu là bụi. Các thông số khác như SO2, NO2, CO, O3 về cơ bản vẫn nằm trong giới hạn cho phép, trừ một số vị trí cục bộ nằm gần đường giao thông, thông số NO2 đã ở mức có dấu hiệu ô nhiễm.
Cần minh bạch thông tin ô nhiễm vụ cháy Công ty Rạng Đông Nguồn gây ô nhiễm môi trường nước các lưu vực sông Tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải

Liên quan đến chỉ số đánh giá chất lượng không khí Hà Nội trong những ngày gần đây đều ở ngưỡng rất cao, thường xuyên ở mức có hại cho sức khỏe người dân, chiều 4/9, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, để đánh giá toàn diện chất lượng không khí tại một khu vực nhất định cần phải phân tích, đánh giá số liệu quan trắc của nhiều thông số liên tục trong ngày và trong năm.

Đối với Thủ đô Hà Nội, kết quả quan trắc cho thấy vấn đề ô nhiễm không khí chủ yếu là bụi. Các thông số khác như SO2, NO2, CO, O3 về cơ bản vẫn nằm trong giới hạn cho phép, trừ một số vị trí cục bộ nằm gần đường giao thông, thông số NO2 đã ở mức có dấu hiệu ô nhiễm. Do đó, khi đề cập đến chỉ số chất lượng không khí (AQI) cần nêu rõ thông số ô nhiễm là thông số nào.

Hà Nội ô nhiễm bụi ở ngưỡng rất cao là do hiện tượng nghịch nhiệt
Hà Nội ô nhiễm bụi ở ngưỡng rất cao là do hiện tượng nghịch nhiệt - ảnh MH.

Thông thường, các tháng mùa Hè là mùa mưa, chất lượng không khí tốt nhất trong năm. Tuy nhiên trong thời gian này vẫn có những thời điểm điều kiện khí tượng bất thường làm cho nồng độ bụi tăng cao. Trong ngày 26/8, nồng độ bụi PM2.5 tăng cao đột biến, chỉ số chất lượng không khí ở mức kém tại các trạm quan trắc không khí tại Hà Nội. Chỉ số AQI ngày 26/8 cao nhất là 145 tại trạm Hàng Đậu, thấp nhất là 102 tại trạm Tân Mai. Thời điểm nồng độ bụi PM2.5 lên cao nhất là đêm và rạng sáng ngày 26/8, có thể do thời gian này tương đối lặng gió, làm hạn chế việc luân chuyển các chất ô nhiễm lên tầng cao.

Để lý giải chính xác điều kiện khí tượng nào gây ra hiện tượng nồng độ bụi tăng cao đột biến cần có các nghiên cứu chuyên sâu, đặc biệt là ứng dụng các mô hình chất lượng không khí. Nhiều nghiên cứu tại Hà Nội đã chỉ ra hiện tượng nghịch nhiệt là một trong các nguyên nhân chính làm cho nồng độ các chất ô nhiễm (đặc biệt là bụi PM2.5) tăng cao đột biến.

Nghiên cứu của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy, nghịch nhiệt là một hiện tượng của khí quyển xảy ra khi nhiệt độ của lớp khí quyển trên cao lớn hơn nhiệt độ của lớp khí quyển phía dưới. Nghịch nhiệt xảy ra hầu như ở tất cả các thời điểm khác nhau của năm, thường xảy ra với tần suất cao vào mùa Đông khi không khí ổn định, đêm kéo dài và có không khí lạnh tràn về. Khi xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, lớp nghịch nhiệt đóng vai trò như một “chiếc mũ” và dừng quá trình xáo trộn trong bầu khí quyển, khiến cho các chất ô nhiễm bị giữ lại trong môi trường không khí. Quá trình này làm nồng độ các chất ô nhiễm tăng cao khiến chất lượng môi trường không khí tại lớp gần bề mặt đất bị suy giảm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tại các nước đang phát triển, nhiều nghiên cứu đã chứng minh, sức khỏe con người bị ảnh hưởng do tiếp xúc với môi trường không khí ô nhiễm trong những ngày xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt ngày càng tăng trong những năm gần đây. Nghịch nhiệt cũng làm gia tăng bệnh hô hấp cấp.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, một số biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội như tăng cường phương tiện giao thông công cộng, nghiên cứu giải pháp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đi vào nội thành; khuyến khích sản xuất, sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện môi trường. Giảm thiểu nguồn thải tĩnh (công nghiệp) trong khu vực đô thị, cần di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp trong nội thành ra các khu công nghiệp ở ngoại thành; giảm thiểu nguồn thải từ hoạt động xây dựng, từ mặt đường phố cần tăng cường vệ sinh mặt đường, sử dụng xe hút bụi, tưới nước.

Bên cạnh đó, việc cần làm là tăng cường công tác thanh kiểm tra các đối tượng gây ô nhiễm không khí, đặc biệt là các phương tiện giao thông, trong đó nghiên cứu giải pháp đăng kiểm đối với xe máy; nâng cao năng lực quan trắc, đầu tư đồng bộ hệ thống trang thiết bị và các phần mềm mô hình hóa chất lượng không khí; tăng cường công tác tuyên truyền, công bố thông tin về chất lượng không khí cho cộng đồng.

Theo Minh Nguyệt/TTXVN
Xin chờ trong giây lát...

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn

Phiên bản di động