Hà Nội: Sẽ đầu tư 750 tỷ đồng để xử lý môi trường 50 làng nghề trọng điểm

26/02/2020 06:08 Địa phương
Với hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, cùng với tốc độ phát triển, mở rộng, môi trường làng nghề Hà Nội đang bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm, thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách tạo ra những bước chuyển trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường ở một số làng nghề.
Quy định về bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn Hà Nội
ha noi se dau tu 750 ty dong de xu ly moi truong 50 lang nghe trong diem
Làng nghề mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ)

Hiện Thành phố Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, phân bố không đều. Tình trạng ô nhiễm không khí, bụi, tiếng ồn, nguồn nước, chất thải, nhất là chất thải rắn ở một số làng nghề trên địa bàn ngày một gia tăng, đe dọa lớn tới hệ sinh thái, sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của người dân và sự phát triển bền vững của chính các làng nghề. Theo kết quả khảo sát, phân tích của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tại 65 làng nghề, thì có tới 60/65 làng nghề ô nhiễm môi trường, chỉ có 6/65 làng nghề đạt các tiêu chuẩn an toàn môi trường.

Cụ thể, có 40 làng nghề ô nhiễm môi trường nước tới mức nghiêm trọng, 17 làng nghề ô nhiễm, 8 làng nghề không ô nhiễm; về môi trường không khí, có 12 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 10 làng nghề ô nhiễm, 43 làng nghề không ô nhiễm; môi trường đất (đánh giá 37/65 làng nghề) có 3 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 2 làng nghề ô nhiễm và 23 làng nghề không ô nhiễm.

Hầu hết các làng nghề đều chưa có hệ thống hạ tầng đạt yêu cầu, nhất là hệ thống cấp thoát nước thải thiếu đồng bộ. Phần lớn nước thải từ các làng nghề chưa qua xử lý thải ra môi trường ao, hồ với mức độ ô nhiễm rất cao.

Tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, lượng nước thải sản xuất có nơi ước tính lên đến 7.000 m3/ngày như các làng: Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai thuộc huyện Hoài Đức. Nơi ít nhất cũng thải ra môi trường 1.000 m3 mỗi ngày/làng nghề. Không chỉ nguồn nước, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, tiếng ồn và ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa tốt đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội và dân sinh.

Trước thực trạng trên, thời gian qua, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thực hiện nhiệm vụ “Rà soát, đánh giá, phân loại làng nghề”. Theo đó, năm 2019, rà soát, đánh giá phân loại 128 làng nghề. Năm 2020, rà soát đánh giá phân loại 107 làng nghề; xây dựng và thực hiện kế hoạch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng tại các khu vực làng nghề trong giai đoạn 2018 - 2020 với mục tiêu cụ thể trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường làng nghề; tăng cường năng lực cho các cán bộ làm công tác quản lý môi trường làng nghề cấp cơ sở; nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của các nhóm cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường làng nghề; khuyến khích các hoạt động sản xuất hướng tới xây dựng làng nghề sinh thái thân thiện với môi trường; đồng thời hướng dẫn các quận huyện có làng nghề rà soát, tổng hợp báo cáo UBND Thành phố tiếp tục thực hiện đánh giá, phân loại theo mức độ ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề còn lại để bổ sung vào phụ lục 1 của Đề án bảo vệ môi trường làng nghề, tiến tới 100% các làng nghề được rà soát, đánh giá, phân loại theo Thông tư 31/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường để có kế hoạch xử lý ô nhiễm phù hợp với từng loại hình sản xuất, với điều kiện thực tế của địa phương...

HĐND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành nghị định về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề thành phố Hà Nội, trong đó, xác định hỗ trợ đánh giá tác động môi trường đối với các làng được UBND Thành phố công nhận danh hiệu “Làng nghề, Làng nghề truyền thống” 200 triệu đồng/làng nghề để thực hiện việc đánh giá tác động môi trường.

Cùng với đó, Thành phố đã kêu gọi đầu tư các dự án xử lý môi trường làng nghề với 8 dự án xử lý nước thải, rác thải tại các làng nghề trên địa bàn các huyện Quốc Oai, Mê Linh, Hoài Đức, Thường Tín với tổng vốn đầu tư dự kiến là 569 tỷ đồng và kêu gọi đầu tư 48 cụm công nghiệp phát triển làng nghề trên địa bàn các huyện Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thanh Trì và quận Hà Đông với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 9.000 tỷ đồng.

Sở Công Thương Hà Nội cũng đưa ra kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề trên địa bàn thành phố với khoản kinh phí 1.350 tỷ đồng. Trong đó, đến hết năm 2020, sẽ bố trí khoảng 750 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 50 làng nghề trọng điểm… Giai đoạn 2020-2030, cần 600 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề khác.

Thu Trang
Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động