Hà Tĩnh: Điểm sáng trong phát triển công nghệ, thiết bị bảo vệ môi trường

25/05/2023 11:53 Phát triển Công nghiệp môi trường
Ngành Công nghiệp môi trường trở thành lĩnh vực được quan tâm và chú trọng hàng đầu trong công cuộc phát triển kinh tế quốc gia. Mỗi điểm sáng trong sự phát triển của ngành Công nghiệp môi trường ở các địa phương cũng góp phần tô đẹp thêm cho bức tranh toàn cảnh Công nghiệp môi trường nước nhà.
Hà Tĩnh đang từng bước tăng cường các nguồn lực phát triển ngành Công nghiệp môi trường
Hà Tĩnh đang từng bước tăng cường các nguồn lực phát triển ngành Công nghiệp môi trường

Ngày 8/11/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 1363/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh và là tỉnh thứ hai trong cả nước (sau Bắc Giang) được phê duyệt quy hoạch. Quy hoạch đề ra tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt trên 9%/năm trong đó cơ cấu kinh tế: nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 7,9%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 60,3%; dịch vụ chiếm khoảng 26,6% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 5,14%.

Tỉnh tập trung vào 4 ngành kinh tế trọng điểm là: Công nghiệp luyện thép, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo sau thép và sản xuất điện; nông, lâm nghiệp và thủy sản; du lịch; dịch vụ logistics.

Tỉnh cũng đặt ra phương hướng phát triển ngành công nghiệp theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, gắn với mục tiêu đảm bảo các điều kiện về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Tập trung phát triển các sản phẩm có tiềm năng lợi thế như thép và chế tạo các sản phẩm từ thép; sản xuất điện; chế biến nông, lâm, thủy sản; dệt may; vật liệu xây dựng chất lượng cao; dược phẩm sinh học; công nghệ thông tin và các ngành công nghiệp khác có tiềm năng. Phát triển các ngành dịch vụ nhanh, hiệu quả, bền vững, đảm bảo các dịch vụ cơ bản với chất lượng ngày càng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh việc tập trung phát triển các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh đến năm 2030, Hà Tĩnh cũng tập trung, tăng cường các nguồn lực để phát triển ngành Công nghiệp môi trường. Công nghiệp môi trường là một ngành mới, mặc dù còn nhiều khó khăn trong cách thức tiếp cận, triển khai phát triển nhưng cũng có khả năng đem lại hiệu quả về kinh tế và an toàn môi trường cho tỉnh. Thấy được tiềm năng và sức hút của phát triển Công nghiệp môi trường, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 18/5/2018 về đẩy mạnh phát triển Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Nghị quyết số 08-NQ/TU chú trọng xã hội hóa đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư từ các nguồn vốn xã hội hóa đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trong đó chú trọng đầu tư khu xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; hỗ trợ di dời các cơ sở có nguy cơ ô nhiễm cao hiện đang hoạt động trong khu dân cư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; triển khai thực hiện tốt chương trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp hỗ trợ các cơ sở trong việc tổ chức lại sản xuất, quan tâm đổi mới công nghệ, cải tạo môi trường đảm bảo an toàn sản xuất và bảo vệ môi trường công nghiệp. Không xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, các dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường; các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phải được đầu tư xây dựng trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cần tiếp tục chú trọng đầu tư xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường
Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cần tiếp tục chú trọng đầu tư xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường

Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành một số chính sách bảo vệ môi trường tại các Nghị quyết (Nghị quyết số 79/2017/NQ-HĐND ngày 13/12/2017 về một số chính sách bảo vệ môi trường giai đoạn 2018-2020; Nghị quyết số 190/2019/NQ-HĐND ngày 15/12/2019 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 79/2017/NQ-HĐND; Nghị quyết số 97/2022/NQ-HĐND ngày 16/12/2022 về một số chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường giai đoạn 2023-2025). Trong các Nghị quyết này có các chính sách cụ thể góp phần hỗ trợ hệ thống dịch vụ môi trường (thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải), hỗ trợ đầu tư cho các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt, phát triển các hệ thống thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn đô thị tập trung.

UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo xây dựng, ban hành các bộ đơn giá dịch vụ môi trường như: Bộ đơn giá sản phẩm hoạt động quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh (Quyết định số 14/2019/QĐ-UBND ngày 15/3/2019); Quy định mức giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 33/2017/QĐ-UBND ngày 30/6/2017 và Quyết định 14/2021/QĐ-UBND ngày 25/3/2021 về sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định 33/2017/QĐ-UBND), hiện nay, đang tiếp tục nghiên cứu xây dựng giá dịch vụ rác để thay thế Quyết định số 33/2017/QĐ-UBND ngày 30/06/2017 theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Bộ Đơn giá dịch vụ công ích trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 47/QĐ-UBND ngày 08/01/2022); Định mức dịch vụ công ích đô thị trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 1165/QĐ-UBND ngày 06/6/2022).

Ngoài ra, Hà Tĩnh cũng đã tổ chức thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp công nghiệp, dịch vụ môi trường thuộc khu vực nhà nước; thu hút được một số doanh nghiệp dịch vụ môi trường lớn đủ năng lực để đầu tư giải quyết các vấn đề môi trường của địa phương.

Giai đoạn 2017 - 2022, Hà Tĩnh đã cơ bản hoàn thiện cơ chế, chính sách cũng như tăng cường năng lực để phát triển ngành Công nghiệp môi trường. Đến thời điểm hiện nay, Hà Tĩnh đã trở thành một điểm sáng trong phát triển công nghệ bảo vệ môi trường và sản xuất, chế tạo, cung cấp các thiết bị, phương tiện, dụng cụ, sản phẩm bảo vệ môi trường của khu vực miền trung cũng như trên cả nước.

Về phát triển công nghệ bảo vệ môi trường

Về công tác nghiên cứu phát triển công nghệ bảo vệ môi trường, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ vào bảo vệ môi trường đã được đẩy mạnh, góp phần giải quyết những yêu cầu của thực tiễn trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong kiểm soát, phòng ngừa ô nhiễm và xử lý các điểm nóng ô nhiễm trên địa bàn.

Căn cứ vào các quy hoạch, đề án đã được phê duyệt: Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Hà Tĩnh; Quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Hà Tĩnh; Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo; Phương án phát triển khu xử lý chất thải gồm (khu xử lý nước thải; khu xử lý chất thải rắn công nghiệp; khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt; khu xử lý chất thải y tế) đã tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1363/QĐ-TTg ngày 08/11/2022, Hà Tĩnh đã chủ động trong nghiên cứu, thu hút nhân tài, triển khai các đề án, dự án khoa học công nghệ bảo vệ môi trường. Kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án khoa học công nghệ đã cung cấp nguồn dữ liệu quan trọng về thực trạng về công nghệ, thiết bị, dịch vụ môi trường hiện có cũng như nguồn tài nguyên hiện có và các nguồn thải trên địa bàn phục vụ đắc lực cho công tác dự báo, quy hoạch và quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cũng như phát triển ngành Công nghiệp môi trường trên địa bàn tỉnh.

Trong những năm qua, tỉnh đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý môi trường như: phần mềm ENVIMHTi - kết quả của đề tài: “Ứng dụng công nghệ thông tin vào kiểm soát ô nhiễm môi trường tại tỉnh Hà Tĩnh” đang được ứng dụng có hiệu quả trong công tác quan trắc ô nhiễm môi trường các thành phần môi trường một cách có hệ thống, có thể truy xuất theo thời gian, cung cấp các công cụ xử lý số liệu hiệu quả giúp cho công tác dự báo, phòng chống, khắc phục ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường. Trung tâm điều hành trạm quan trắc tự động đã được chuyển giao, vận hành, thực hiện kết nối truyền nhận dữ liệu 24/24h với các trạm quan trắc nước thải, khí thải tự động của các đơn vị có nguồn phát thải lớn như Dự án Formosa Hà Tĩnh, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà máy bia Sài Gòn - Hà Tĩnh. Phần mềm giám sát xe vận chuyển chất thải thông qua việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (ứng dụng công nghệ định vị toàn cầu GPS) cũng được nghiên cứu và ứng dụng để giám sát hoạt động của các phương tiện vận chuyển chất thải trên địa bàn tỉnh. Đề tài “Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu GIS các nguồn nước thải điểm phục vụ công tác quản lý và kiểm soát ô nhiễm môi trường tỉnh Hà Tĩnh” được triển khai đã tổng hợp, phân tích, đánh giá các thông tin, dữ liệu từ các nguồn thải điểm trên địa bàn; Thiết lập các hệ số phát thải đối với các tác nhân ô nhiễm chính; Thiết lập cơ sở dữ liệu GIS trên bản đồ số hoá 1:100.000 về các nguồn thải điểm.

Về phát triển sản xuất, chế tạo, cung cấp các thiết bị, phương tiện, dụng cụ, sản phẩm bảo vệ môi trường

Phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt có nhiều thay đổi

Để thay thế phương pháp xử lý rác thải truyền thống bằng hình thức chôn lấp, tỉnh đã chuyển giao, ứng dụng một số công nghệ xử lý tiên tiến mới như: công nghệ ủ phân vi sinh để xử lý chất thải hữu cơ (áp dụng tại Nhà máy chế biến rác thải Cẩm Quan và Nhà máy chế biến rác thải sinh hoạt Hoành Sơn); công nghệ đốt không sử dụng nhiên liệu (LOSIHO, SANKYO,...hiện đã lắp đặt tại 04 địa phương trên địa bàn tỉnh gồm các huyện Thạch Hà, Nghi Xuân, Hương Sơn, Vũ Quang); nghiên cứu, ứng dụng các loại chế phẩm sinh học như EM, L2100CHV, Sagi Bio-1, Hatimic, EMIC... để xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình.

Công nghệ xử lý chất thải y tế cơ bản đáp ứng được yêu cầu của tỉnh

Cho đến nay, hầu hết các cơ sở y tế trên địa bàn đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải sử dụng các công nghệ xử lý bằng sinh học như Aeroten, màng lọc sinh học AAO, công nghệ bể phản ứng màng MBR... nên kết quả xử lý nước thải cơ bản đã đáp ứng theo quy chuẩn hiện hành. Chất thải y tế nguy hại được xử lý bằng phương pháp đốt bằng công nghệ lò đốt 2 buồng (lò CHUWASTAR - công nghệ Nhật Bản; lò ATI - công nghệ Pháp; lò INCINER 8 - công nghệ Anh). Hiện nay, với sự hỗ trợ của Dự án hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện đã thực hiện lắp đặt và chuyển giao công nghệ xử lý chất thải y tế bằng thiết bị hấp nhiệt ướt tại 03 bệnh viện (Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa thị xã Hồng Lĩnh, Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Sơn).

Công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi cho thấy hiệu quả và nhiều điểm tích cực

Trong thời gian qua, một số công nghệ mới đã được nghiên cứu thử nghiệm và áp dụng tại một số trang trại và bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi: Công nghệ sinh học giá thể cố định MBBR kết hợp hóa lý để xử lý nước thải chăn nuôi sau biogas được ứng dụng tại trang trại chăn nuôi lợn của hợp tác xã Hoàng Phát, xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh; Chế phẩm sinh học HatiBioCN do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Hà Tĩnh sản xuất được thử nghiệm tại một số trang trại chăn nuôi lợn tại huyện Hương Khê; Ứng dụng phát triển hệ thống tự động xử lý nước thải sau biogas được thử nghiệm thành công tạo trang trại chăn nuôi lợn tại xã Kỳ Đồng, huyện Kỳ Anh. Việc nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ này hứa hẹn sẽ khắc phục những tồn tại của các công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi đang được áp dụng hiện nay.

Phát triển công nghệ bảo vệ môi trường và sản xuất, chế tạo, cung cấp các thiết bị, phương tiện, dụng cụ, sản phẩm bảo vệ môi trường là một trong những nội dung cơ bản trong trong phát triển ngành Công nghiệp môi trường. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều điểm sáng hơn nữa trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật, tổ chức về công nghiệp môi trường; sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường và phát triển dịch vụ môi trường để sớm đưa Hà Tĩnh trở thành một tỉnh có ngành Công nghiệp môi trường đứng đầu cả nước.

Nguyễn Giang Nam
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động