Hạn chế phát thải khí nhà kính ở Hà Nội: Hành động cụ thể, thiết thực

09/10/2019 11:29 Tác động môi trường
Phát thải khí nhà kính là một trong những nguyên nhân gây biến đổi khí hậu, trong đó các hoạt động sinh sống và sản xuất của con người là nguồn phát thải chính. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực với môi trường tự nhiên và con người, Hà Nội đã, đang triển khai nhiều hành động cụ thể, thiết thực.
Nâng cao hiệu quả hệ thống kiểm kê khí nhà kính

Xác định 5 lĩnh vực phát thải khí nhà kính

Căn cứ nguồn gốc phát sinh, mức độ phát thải tuyệt đối và xu hướng phát thải cũng như mức độ ảnh hưởng, theo hướng dẫn của IPCC (Ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu), Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội đã xác định được kết quả tính toán phát thải khí nhà kính cho 5 cơ sở của 5 lĩnh vực phát thải trên địa bàn thành phố. Trong đó, tổng phát thải khí nhà kính lĩnh vực năng lượng của thành phố Hà Nội trong năm 2015 là hơn 12.167.000 tấn CO2 tương đương, trong đó, tiểu lĩnh vực dân cư chiếm tỷ trọng cao nhất (khoảng 55,85%), tiếp đến tiểu lĩnh vực công nghiệp sản xuất và xây dựng (28,77%).

Kết quả phân tích cho thấy, tiêu thụ điện ở khu vực dân cư là nguồn phát thải lớn nhất, chiếm hơn một nửa tổng phát thải của toàn thành phố trong lĩnh vực năng lượng (khoảng 52%). Đây là khu vực quan trọng nhất mà thành phố cần tập trung nỗ lực cho các công tác tiết kiệm năng lượng, nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Nguồn phát thải lớn thứ hai đến từ tiêu thụ điện trong công nghiệp sản xuất và xây dựng, chiếm tỷ lệ khoảng 29%. Còn tổng 2 nguồn phát thải liên quan đến tiêu thụ than tổ ong (thương mại dịch vụ và dân sinh) là 5%. Loại hình năng lượng than tổ ong đã cũ và cần được thay thế bằng những hình thức đun nấu hiện đại hơn, không chỉ vì lý do phát thải khí nhà kính mà còn vì những mục đích môi trường và sức khỏe cộng đồng.

han che phat thai khi nha kinh o ha noi hanh dong cu the thiet thuc

Hà Nội tăng cường các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính.

Với các quá trình công nghiệp, tổng lượng phát thải khí nhà kính trên địa bàn thành phố chủ yếu từ hoạt động sản xuất xi măng khoảng 171.700 tấn CO2. Tổng lượng phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực nông nghiệp tương đương 3.273.000 tấn CO2; nguồn phát thải lớn nhất là từ canh tác lúa, nguồn phát thải lớn thứ hai từ đất nông nghiệp. Lĩnh vực LULUCF, trên địa bàn thành phố hấp thụ 987 tấn CO2; các nguồn phát thải và hấp thụ chính là từ đất có rừng và đất trồng trọt. Còn tổng lượng phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực chất thải trên địa bàn thành phố khoảng 2.568.689 tấn CO2; trong đó, hạng mục phát thải khí nhà kính nhiều nhất là phát thải từ các bãi chôn lấp rác thải, hạng mục phát thải ít nhất là phát thải CO2 từ đốt chất thải trong các lò đốt.

Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Tuấn Định, tổng phát thải khí nhà kính của Hà Nội năm 2015 của cả 5 lĩnh vực là 18.181.091 tấn CO2 tương đương, chiếm 7% tổng phát thải của quốc gia năm 2013 - là năm có kết quả tính toán kiểm kê khí nhà kính mới nhất hiện nay. Trong đó, lĩnh vực năng lượng là lĩnh vực có tỷ lệ phát thải lớn nhất chiếm 67%; tiếp đến là lĩnh vực nông nghiệp, chất thải; lĩnh vực các quá trình công nghiệp chiếm tỷ lệ nhỏ nhất, chỉ 1% trong tổng phát thải khí nhà kính. Như vậy, việc xây dựng các hành động giảm nhẹ khí nhà kính cho thành phố Hà Nội tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp và chất thải.

Nỗ lực giảm thiểu

Dự báo phát thải khí nhà kính năm 2030 trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục gia tăng. Trong đó, tổng lượng phát thải khí nhà kính lĩnh vực năng lượng vào năm 2030 tăng lên hơn 3 lần so với mức phát thải vào năm 2015. Đến năm 2030, con số này tăng lên đến 42.743.628 tấn CO2 tương đương. Năm 2030, phát thải khí nhà kính lĩnh vực các quá trình công nghiệp trên địa bàn thành phố chủ yếu vẫn từ sản xuất xi măng và sản xuất sắt thép, khoảng 366.610 tấn CO2 tương đương. Tổng lượng phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực nông nghiệp trong năm 2030 tương đương 2.380.200 tấn CO2 tương đương. Lĩnh vực LULUCF ước tính cho năm 2030 là phát thải 39.747 tấn CO2 tương đương. Lượng phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực chất thải ước tính cho năm 2030 là 4.722.760 tấn CO2 tương đương.

Để hạn chế tác động tiêu cực, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Đáng chú ý, trong lĩnh vực nông nghiệp, các sở, ngành thành phố sẽ áp dụng nông lộ phơi, tưới khô ướt xen kẽ được Viện lúa Quốc tế IRRI phát minh hoặc hệ thống canh tác lúa cải tiến (AWD/SRI) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn. Cũng trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ tái sử dụng phế phụ phẩm lúa làm phân ủ compost. Theo đó, phụ phẩm lúa hiện nay chủ yếu được đốt gây ô nhiễm môi trường và là nguồn phát thải khí nhà kính lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng cũng như làm thất thoát lượng carbon. Chất thải trồng trọt dư thừa được thải trực tiếp ra môi trường ảnh hưởng tiêu cực đến hàm lượng đạm có sẵn trong đất và quá trình phát triển cây lúa. Quá trình để phụ phẩm trồng trọt trên đồng ruộng hoặc đốt đều gây phát thải khí nhà kính. Cày vùi rơm rạ cũng là nguyên nhân phân hủy hữu cơ yếm khí, sẽ dẫn đến phát thải khí CH4 và gây độc tố cho rễ cây lúa ở các thời vụ canh tác tiếp theo. Quản lý tốt hạn chất thải trồng trọt như sử dụng làm phân bón hữu ca qua hình thức ủ yếm khí không những tránh được phát thải khí nhà kính mà còn giảm được các chi phí do ảnh hưởng của đốt rơm rạ đến sức khỏe cộng đồng, giảm quá trình phân hủy hữu cơ và mất hàm lượng dinh dưỡng. Đây được xem là giải pháp được đánh giá có tiềm năng cao trong giảm phát thải khí nhà kính.

Còn giải pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong các quá trình công nghiệp trên địa bàn thành phố là tập trung cho cải tiến công nghệ, nhất là phát triển vật liệu xây dựng không nung. Điểm nhấn đáng chú ý nhất trong quá trình phát triển vật liệu xây dựng những năm gần đây chính là đẩy mạnh việc sử dụng chất thải công nghiệp để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, vừa tiết kiệm tài nguyên lại thân thiện với môi trường, trong đó, nổi bật nhất là chương trình phát triển vật liệu xây không nung.

Có thể nói, với những giải pháp, hành động cụ thể, thiết thực, hiệu quả như đã nêu ở trên, hy vọng sẽ góp phần giảm đáng kể hiệu ứng nhà kính trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo Sở TN&MT Hà Nội
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động