Hiện trạng xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh Bắc Giang
Kiên Giang: Nhiều sai phạm trong quản lý rác thải, nước thải |
Nước thải chăn nuôi chưa được thu gom, xử lý đảm bảo quy chuẩn gây ô nhiễm nguồn nước mặt. |
Đối với nước thải sinh hoạt, quá trình đô thị hóa, dân số đô thị tăng nhanh kéo theo vấn đề ô nhiễm khu đô thị, khu dân cư diễn biến theo chiều hướng gia tăng: ô nhiễm môi trường nước các thủy vực tiếp nhận nước thải sinh hoạt của khu dân cư do các chất hữu cơ, dinh dưỡng, amoni, vi sinh vật. Thành phố Bắc Giang đang triển khai dự án nâng công suất trạm xử lý nước thải thành phố lên 20.000 m3/ngày đêm, nạo vét, cải tạo một số hồ, cống, rãnh, chất lượng nước và cảnh quan môi trường đã được cải thiện rõ rệt. Hạ tầng kỹ thuật về thu gom, xử lý nước thải tại các thị trấn, thị tứ, khu dân cư tập trung ở khu vực nông thôn chưa được đầu tư đồng bộ, nước thải từ các hộ gia đình được thu gom, một phần được xử lý qua bể tự hoại, còn lại chưa được xử lý, thải trực tiếp ra rãnh thoát nước chung hoặc ra các ao, hồ, thủy vực xung quanh.
Đối với nước thải công nghiệp, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện có 4/4 khu công nghiệp (KCN) đi vào hoạt động đã xây dựng và vận hành trạm xử lý nước thải tập trung, đạt tỷ lệ 100%: KCN Đình Trám, KCN Sông Khê – Nội Hoàng; KCN Quang Châu; KCN Vân Trung và 29 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích 1.030 ha, trong đó có 12 cụm công nghiệp đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết. Tuy nhiên, tại một số cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh nước thải hoặc chỉ xử lý sơ bộ qua hệ thống các bể lắng lọc cơ học hoặc xả thẳng trực tiếp ra môi trường mà chưa qua hệ thống xử lý gây ô nhiễm môi trường.
Theo Báo cáo kết quả quan trắc môi trường định kỳ năm 2018 tỉnh Bắc Giang, tình hình ô nhiễm nguồn nước mặt, nước dưới đất trên địa bàn tỉnh như sau:
Kết quả quan trắc nước mặt tại 50 vị trí trên địa bàn tỉnh cho thấy có 42 vị trí ô nhiễm bởi thành phần môi trường; có 27 vị trí nước mặt có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi thông số Tổng chất rắn lơ lửng, vượt từ 1,1 – 3,85 lần; có 36 vị trí đã có dấu hiệu bị ô nhiễm hưu cơ, do thông số BOD5, COD, NH4+, NO3-; NO3-; PO43- vượt 1,09-19,5 lần; có 07 vị trí có dấu hiệu ô nhiễm vi sinh vật, do thông số Coliform, vượt từ 1,09 – 5,73 lần.
Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu do tác động của nguồn nước thải từ các làng nghề chế biến thực phẩm, nước thải chăn nuôi, nước thải sinh hoạt của các hộ dân chưa được thu gom, xử lý đảm bảo quy chuẩn cho phép theo quy định.
Kết quả quan trắc đối với 29 vị trí nước dưới đất trên địa bàn tỉnh cho thấy 07/29 vị trí quan trắc chưa phát hiện dấu hiệu ô nhiễm, có 22/29 vị trí phát hiện dấu hiệu ô nhiễm bởi 04 thông số.
Nhìn chung, số vị trí quan trắc năm 2018 có dấu hiệu bị ô nhiễm tăng hơn so với năm 2017. Nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm trên do khu vực xung quanh vị trí giếng nước của các hộ dân có nguồn thải sinh hoạt, chăn nuôi của nhân dân chưa được xử lý đảm bảo, đã tích đọng lâu dài ngấm vào mạch nước ngầm từ đó ảnh hưởng đến chất lượng nước dưới đất của các hộ dân.
Một số khu vực bị ô nhiễm có vị trí gần các khu, cụm công nghiệp, bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt không đảm bảo, chất thải từ các khu vực này chưa được xử lý đảm bảo, xả thải ra môi trường, tích tụ lâu dài, ảnh hưởng đến chất lượng nước dưới đất của khu vực xung quanh. Năm 2018 lượng mưa ít hơn so với năm 2017, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự tích đọng ô nhiễm nêu trên.
Một số vấn đề tồn tại cần giải quyết trong Kế hoạch quan trắc, giám sát về số lượng, chất lượng nguồn nước, hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh, đó là các nguồn nước trên địa bàn tỉnh đang tiếp nhận một lượng lớn nước thải sản xuất, sinh hoạt chưa qua xử lý, hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn, nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; các bệnh viện; các cơ sở khai thác mỏ... cần thiết phải tiến hành điều tra, thống kê và đánh giá hiện trạng các nguồn thải vào nguồn nước. Hiện trạng xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng lên. Do đó chưa kiểm soát được toàn bộ các nguồn thải gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước dẫn đến nhiều nguồn nước đang dần xảy ra hiện tượng ô nhiễm cục bộ vào mùa khô. Cơ sở tạo lập bộ dữ liệu về quan trắc, giám sát các nguồn nước mặt, nguồn nước dưới đất trên địa bàn tỉnh phục vụ công tác quản lý và bảo vệ nguồn nước, phục vụ quản lý cấp phép, quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội là chưa đồng bộ và đầy đủ. Do đó, cần tiến hành quan trắc, giám sát số lượng, chất lượng nguồn nước, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh.