Kiên Giang: Nhiều sai phạm trong quản lý rác thải, nước thải
Quản lý rác thải vì môi trường nông thôn bền vững |
Cảnh nước thải đen ngòm chảy cuồn cuộn ra biển ở khu phố 7, thị trấn Dương Đông, Phú Quốc. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, UBND tỉnh Kiên Giang, các sở, ngành, UBND cấp huyện còn một số hạn chế, vi phạm trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, môi trường.
UBND tỉnh chưa thật sự chú trọng đúng mức đến công tác bảo vệ môi trường nói chung, trong đó có việc xử lý rác thải, nước thải; 12/13 bãi rác chưa có biện pháp xử lý đúng kỹ thuật gây ô nhiễm môi trường nhưng UBND tỉnh chưa chú trọng đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư để xây dựng các khu xử lý chất thải rắn có công nghệ phù hợp. Đặc biệt là trên địa bàn huyện Phú Quốc, mặc dù lượng nước thải và rác thải thực tế đều vượt nhiều lần so với dự báo theo Quy hoạch tại Quyết định số 633/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng UBND tỉnh Kiên Giang chưa có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời.
Công tác kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức, thiếu kiểm tra, giám sát đối với các chủ nguồn thải, đặc biệt là chủ đầu tư các dự án trong việc thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vi phạm quy định của pháp luật vê bảo vệ môi trường; thiếu kiểm tra, kiểm soát khối lượng đá thực tế khai thác, dẫn đến Công ty TNHH Siam City Cement Việt Nam kê khai nộp phí bảo vệ môi trường chưa đúng quy định với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng.
Về xử lý nước thải, đặc biệt là nước thải trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, cũng chưa được chính quyền các cấp quan tâm đúng mức. Huyện Phú Quốc chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải ở các khu vực tập trung đông dân cư, đặc biệt tại thị trấn Dương Đông toàn bộ toàn nước thải sinh hoạt của dân cư xung quanh sông Dương Đông đều xả trực tiếp xuống sông gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngọt, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại khu vực sông.
Tại Khu công nghiệp Thạnh Lộc, nhà máy xử lý nước thải tập trung đang trong quá trình xây dựng, chưa hoàn thiện nhưng đã có 3 nhà đầu tư thứ cấp xây dựng xong nhà xưởng và đi vào hoạt động, đều là các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Thanh tra Chính phủ nêu rõ, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2011-2017 chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành chung; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Ban quản lý các Khu kinh tế tỉnh Kiên Giang và Giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng Khu kinh tế, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Kiên Giang, Chủ tịch UBND thành phố Rạch Giá chịu trách nhiệm chính đối với các vi phạm, thiếu sót nêu tại kết luận thanh tra.