Hướng đến mục tiêu 100% tàu cá tại Bình Định sẽ gom rác thải nhựa mang vào bờ
Tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2030, 100% ngư dân hoạt động khai thác thủy sản trên các tàu cá được phổ biến tuyên truyền, tập huấn về quản lý, hành động giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; 100% tàu khai thác thủy sản thu gom rác thải nhựa (bao gồm cả rác sinh hoạt và rác sản xuất) của tàu cá mang vào bờ, tập trung tại các điểm thu gom ở cảng cá, chuyển các đơn vị có chức năng xử lý. 100% các cảng cá tổ chức thu gom, phân loại rác thải nhựa phát sinh từ tàu cá chuyển cho các đơn vị chức năng xử lý; hoàn thiện và đồng bộ cơ sở dữ liệu về rác thải nhựa đại dương của tàu cá.
Tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2030, 100% tàu khai thác thủy sản (có chiều dài từ 15 m trở lên) thu gom rác thải nhựa của tàu cá mang về bờ. (Ảnh: ÁI TRINH) |
Quy trình này áp dụng đối với chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên các tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên khi tham gia hoạt động khai thác thủy sản và các đơn vị, tổ chức tham gia quản lý, kiểm soát rác thải nhựa đại dương tại các cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi, Tam Quan. Khuyến khích áp dụng Quy trình này đối với các tàu cá có chiều dài từ 12 m đến dưới 15 m khi tham gia hoạt động khai thác thủy sản.
Sở NN&PTNT yêu cầu Ban Quản lý Cảng cá Đề Gi, Tam Quan, Quy Nhơn bố trí các điểm thu gom rác thải nhựa tại cảng cá; thành lập Đội thu gom rác thải tàu cá trên cơ sở nguồn nhân lực của Đội Vệ sinh môi trường cảng cá, đảm bảo tổ chức thu gom, phân loại rác thải nhựa sinh hoạt phát sinh từ tàu cá và chuyển giao cho các cơ sở thu mua, tái chế vật liệu.
Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản tỉnh và UBND các xã, phường ven biển đẩy mạnh tuyên truyền và tăng cường công tác phối hợp, quản lý, giám sát việc thực hiện của chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá của địa phương tuân thủ việc thu gom và đưa rác thải rắn sinh hoạt trên tàu cá vào bờ sau mỗi chuyến biển theo quy định.
Theo ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, việc thực hiện tốt quy trình kiểm soát, quản lý rác thải nhựa đại dương tàu cá sẽ giúp giảm thiểu rác thải nhựa đại dương trong hoạt động khai thác thủy sản, từng bước quản lý rác thải nhựa đại dương theo tiếp cận từ đầu nguồn, thực hiện kinh tế tuần hoàn và phát triển xanh. Đồng thời, nâng cao nhận thức của cộng đồng ngư dân, các DN hoạt động nghề cá, góp phần thực hiện thành công kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản giai đoạn 2020 - 2030 và kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. /.