Hướng tới Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn

09/04/2024 08:44 Kinh tế, xã hội
Các công viên địa chất với nhiều giá trị địa chất, địa mạo, cảnh quan cùng các giá trị di sản, di tích lịch sử, rất có tiềm năng phát triển và hưởng lợi từ du lịch địa chất. UBND tỉnh Lạng Sơn đang xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu.

Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu là một khu vực tự nhiên có ranh giới địa lý - hành chính rõ ràng, chứa đựng tập hợp các di sản địa chất và cảnh quan tầm cỡ quốc tế có giá trị khoa học, giáo dục, phát triển bền vững, cùng các giá trị khác về đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa, xã hội và có diện tích lớn để phát triển kinh tế địa phương, thông qua hình thức phát triển du lịch và các dịch vụ phụ trợ khác được UNESCO công nhận.

Lịch sử hàng trăm triệu năm của CVĐC Lạng Sơn

Ngày 13/12/2021 của UBND tỉnh Lạng Sơn có quyết định thành lập CVĐC Lạng Sơn gồm phạm vi hành chính của 5 huyện, với tổng diện tích 3.845,8 km2. Đến năm 2023, CVĐC điều chỉnh phạm vi ranh giới lên 8 huyện, thành phố (Bắc Sơn, Chi Lăng, Hữu Lũng, Lộc Bình, Văn Quan, Tp. Lạng Sơn; một phần địa giới hành chính của huyện Bình Gia, một phần địa giới hành chính của huyện Cao Lộc) với diện tích khoảng trên 4.840 km2. Đây là nơi có hệ thống hóa thạch cổ sinh phong phú, cho thấy lịch sử sự sống trong hàng trăm triệu năm, với thời điểm xa nhất là 500 triệu năm trước. Có những hóa thạch cho thấy trước đây Lạng Sơn từng là vùng biển.

Đến với CVĐC Lạng Sơn, ngoài việc khám phá những nét độc đáo của giá trị di sản, du khách có thể tham gia trò chơi leo núi mạo hiểm. Môn thể thao đòi hỏi thể lực, sự khéo léo và lòng can đảm này được biết đến từ khoảng hơn 10 năm trước tại huyện Hữu Lũng. Khi chinh phục được những ngọn núi cao nơi đây, du khách có thể phóng tầm mắt tận hưởng khung cảnh đồng lúa, nương ngô xanh mướt phía dưới. Nếu không yêu thích leo núi, du khách có thể thả mình trong làn nước xanh mát tại các hồ tắm trong núi như Mỏ Cả, Mỏ Mây...

Cũng như nhiều địa phương khác, vùng CVĐC Lạng Sơn có các giá trị văn hóa, xã hội, lịch sử rất đa dạng, phong phú với sự bảo tồn khá nguyên vẹn 7 nhóm di sản văn hóa phi vật thể gồm: Tiếng nói và chữ viết, tập quán xã hội, các điệu dân ca dân vũ cùng nghệ thuật trình diễn độc đáo; các lễ hội và nghề thủ công truyền thống. Công viên địa chất Lạng Sơn cũng bao gồm nhiều di chỉ khảo cổ có giá trị như ở hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai, Kéo Lèng, nền văn hóa Bắc Sơn... chứng minh nơi đây là một trong những chiếc nôi của người Việt cổ trong một hệ sinh thái núi đá vôi với gần 800 loài thực vật, trong đó có hàng chục loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam...

Tiềm năng di sản địa chất ở các huyện thuộc vùng CVĐC Lạng Sơn cũng khá phong phú. Quá trình karst hóa cùng với các điều kiện về địa hình, khí hậu, thủy văn và một số điều kiện khác đã tạo cho vùng CVĐC Lạng Sơn một hệ thống hang động đá vôi đẹp, nhiều thạch nhũ và hầu hết đều được bảo tồn nguyên vẹn...

Hướng tới Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn

CVĐC Lạng Sơn

Khám phá CVĐC Lạng Sơn

CVĐC Lạng Sơn hiện có tổng cộng 4 tuyến với 38 điểm du lịch đang được triển khai. Hành trình khám phá các tuyến chủ yếu đi qua trục đường quốc lộ 1A, 1B, 4B và 279 thuận tiện. Mỗi tuyến có từ 7 đến 11 điểm tham quan đa dạng khác nhau, cụ thể:

Khám phá thế giới Thượng Ngàn là hành trình tham quan đầu tiên gắn với màu áo Xanh của Thánh Mẫu Thượng Ngàn. Tuyến du lịch này có 8 điểm, quãng đường khoảng 120 km, khởi nguồn từ đền Bắc Lệ của huyện Hữu Lũng vốn là địa điểm nổi tiếng trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, nơi đặt Trung tâm thông tin Công viên địa chất.

Hành trình về miền Thiên giới là tuyến du lịch số 2 gắn với màu áo Đỏ của Thánh Mẫu Liễu Hạnh với 11 điểm tham quan, quãng đường khoảng 130 km. Mở đầu là cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, qua đền Mẫu Đồng Đăng đến các điểm dọc quốc lộ 1B về miền quê hương cách mạng Bắc Sơn anh hùng.

Cuộc sống dân dã nơi trần thế là tuyến du lịch số 3 gắn với màu Vàng đặc trưng của tượng đồng nguyên bản các vị Thánh Mẫu. Có 9 điểm tham quan trên hành trình khoảng 130 km, khởi nguồn từ huyện Bắc Sơn.

Khám phá Thủy cung là chủ đề của tuyến du lịch số 4, gắn với màu áo Trắng của Thánh Mẫu Thoải, có 10 điểm tham quan trên quãng đường khoảng 80 km. Bắt đầu từ chùa Tam Thanh, theo quốc lộ 4B đi về hướng Lộc Bình. Hành trình còn qua các điểm thác Bản Khiếng, chùa Tiên, đền Mẫu Thoải linh thiêng…

Hồ sơ CVĐC Lạng Sơn đã được trình lên UNESCO, đồng thời tỉnh Lạng Sơn cũng khẩn trương hoàn thiện các tiêu chí về hạ tầng và cảnh quan, dự kiến cơ bản xong trong tháng 7/20­24 để đón đoàn chuyên gia thẩm định danh hiệu CVĐC toàn cầu Lạng Sơn, hướng tới mở cửa cho công chúng tham quan, khai thác phát triển du lịch bền vững.

Tại Việt Nam, hiện UNESCO đã vinh danh 3 CVĐC toàn cầu, gồm: CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang; CVĐC toàn cầu Non nước Cao Bằng và CVĐC toàn cầu Đắk Nông.

Ly Sơn
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động