Khánh Hòa: Tăng cường thu hút đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn và nâng cao hiệu quả phân loại chất thải rắn

18/03/2024 15:35 Hạ tầng môi trường
Nâng cao năng lực thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Khảnh Hòa đã và đang là vấn đề được các cấp chính quyền hết sức quan tâm. Năm 2024, Khánh Hòa sẽ chú trọng triển khai các giải pháp như thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn, thực hiện phân loại và quy hoạch các khu xử lý... qua đó ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm môi trường như hiện nay.
Tăng cường thu hút đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn và nâng cao hiệu quả phân loại chất thải rắn là giải pháp cụ thể đê Khánh Hòa hướng đến môi trường sống xanh và thu hút phát triển kinh tế - xã hội gắn với du lịch.
Tăng cường thu hút đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn và nâng cao hiệu quả phân loại chất thải rắn là giải pháp cụ thể đê Khánh Hòa hướng đến môi trường sống xanh và thu hút phát triển kinh tế - xã hội gắn với du lịch

Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom khoảng 398.472 tấn/năm; tương đương hơn 1.135 tấn/ngày. Công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực đô thị với tỷ lệ thu gom đạt 95%; ở khu vực nông thôn khoảng 80%. Việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay chủ yếu vẫn là chôn lấp. Hiện nay, chỉ có các bãi chôn lấp Lương Hòa (TP. Nha Trang), Hòn Rọ (thị xã Ninh Hòa) và Cam Thịnh Đông (TP. Cam Ranh) áp dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh; các bãi chôn lấp còn lại ở các địa phương đều cơ bản chưa hợp vệ sinh, một số bãi chôn lấp tự phát, một số đang trong tình trạng quá tải...

Trước đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3778/QĐ-UBND về Bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa với mục tiêu xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho 3 khu vực (phía Bắc, trung tâm và phía Nam) của tỉnh tại thị xã Ninh Hòa, TP. Nha Trang, huyện Cam Lâm.

Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và sản xuất các sản phẩm từ rác tại huyện Cam Lâm đã được UBND tỉnh chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư. Quy mô đầu tư của dự án là xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện với công suất 1.300 tấn rác tươi/ngày và phát điện 32MW; xưởng phân loại chất thải công nghiệp thông thường 250 tấn/ngày; xưởng sản xuất nhựa tận dụng nhựa tái chế 50 tấn/ngày; xưởng sản xuất cấu kiện bê tông và gạch block công suất tận dụng xỉ 200 tấn/ngày.

Tại TP. Nha Trang, đến thời điểm hiện nay có nhiều nhà đầu tư quan tâm, đăng ký nghiên cứu triển khai thực hiện dự án tại xã Vĩnh Lương. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét đưa dự án vào Danh mục thu hồi đất trình HĐND tỉnh thông qua trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư để làm cơ sở đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định. Tuy nhiên, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang và quy hoạch phân khu tại địa điểm đề xuất dự án chưa được duyệt nên chưa có cơ sở để chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.

Tại thị xã Ninh Hòa, có 2 nhà đầu tư quan tâm đăng ký thực hiện dự án đề xuất vị trí tại xã Ninh Xuân và một số nhà đầu tư khác đề xuất vị trí khác. Tuy nhiên, hiện nay, dự án chưa phù hợp với quy hoạch chung nông thôn mới. Thị xã Ninh Hòa đang thực hiện điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã Ninh Hòa đến năm 2040 nhằm đồng bộ với định hướng điều chỉnh Quy hoạch chung Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến 2050. Như vậy, đối với 2 khu vực thành phố Nha Trang và thị xã Ninh Hòa, công tác lập quy hoạch của địa phương đang được thực hiện nên việc đầu tư dự án sẽ được xem xét sau khi các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Mặc dù còn nhiều khó khăn trong việc triển khai các dự án nhà máy xử lý chất thải rắn, nhưng với quyết tâm cao cùng với sự đồng lòng từ các cấp chính quyền cũng như xuất phát từ nhu cầu của nhân dân, thời gian tới Tỉnh sẽ tích cực, chủ động thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn để sớm đưa 3 Dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt đi vào thực hiện.

Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn và làm tốt công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh sẽ giúp Khánh Hòa hướng đến mục tiêu giảm tỷ lệ chôn lấp trực tiếp, tăng tỷ lệ xử lý, công nghệ xử lý tiên tiến trong giai đoạn tới
Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn và làm tốt công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh sẽ giúp Khánh Hòa hướng đến mục tiêu giảm tỷ lệ chôn lấp trực tiếp, tăng tỷ lệ xử lý, công nghệ xử lý tiên tiến trong giai đoạn tới

Cùng với việc thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, địa phương này chú trọng đến công tác phân loại chất thải rắn: Tại các trung tâm thành phố như: thành phố Nha Trang, thành phố Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa, khu kinh tế Vân Phong, khu công nghiệp tập trung cần phân loại thành chất thải rắn (CTR) thông thường (đốt thu hồi năng lượng) và CTR nguy hại (linh kiện điện tử, pin, ác quy, bóng đèn tuýp…được dùng để tái sử dụng hoặc xử lý đặc biệt).

Tại các khu dân cư nông thôn: các huyện còn lại cần tập trung phân loại thành CTR vô cơ (có thể được thu hồi cho tái chế hoặc chôn lấp), CTR hữu cơ (xử lý làm phân hữu cơ phục vụ cho chính sản xuất nông nghiệp của địa phương). Tỷ lệ chất thải rắn được xử lý bằng công nghệ chôn lấp không vượt quá 15% tổng lượng chất thải rắn thu gom được. Tỷ lệ chất thải rắn được xử lý bằng các công nghệ khác (tái chế, tái sử dụng, chế biến phân hữu cơ…) đạt 85%.

Địa phương này cũng đồng thời triển khai phương án phân vùng để xử lý CTR: gom rác thải từ các địa phương có lượng CTR lớn (TP. Nha Trang, TP. Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa và huyện Diên Khánh giáp TP. Nha Trang) để xử lý tập trung bằng công nghệ đốt phát điện quy mô lớn đặt tại TP. Nha Trang. Chất thải rắn tại TP. Cam Ranh và thị xã Ninh Hòa sẽ được xử lý trung gian trước khi vẩn chuyển về TP. Nha Trang để xử lý. Còn lại các huyện khác thì lượng CTR bình quân thấp nên áp dụng phân loại rác để chôn lấp hợp vệ sinh và kết hợp sản xuất phân hữu cơ (đối với huyện có phát triển nông - lâm nghiệp).

Tỉnh Khánh Hòa ưu tiên việc nâng cấp, cải tạo và mở rộng các cơ sở xử lý CTR hiện hữu. Vì thuận tiện giao thông, khoảng cách ly an toàn và gần nguồn thải đã được tính toán kỹ lưỡng trong việc xây dựng các cơ sở này. Việc xây dựng các cơ sở mới chỉ áp dụng cho trường hợp cơ sở xử lý cũ đã lấp đầy, hết quỹ đất để mở rộng phát triển và yêu cầu cấp thiết cần phải xây dựng thêm cơ sở xử lý cho việc xử lý CTR trong tương lai.

Việc triển khai đồng bộ các giải pháp trên nhằm giúp địa phương này hướng đến mục tiêu giảm tỷ lệ chôn lấp trực tiếp, tăng tỷ lệ xử lý, công nghệ xử lý tiên tiến bằng việc phát triển các cơ sở xử lý thất thải trung gian như lò đốt, cơ sở sấy khô sinh học với CTR sinh hoạt giúp giảm thiểu lượng chất thải cần chôn lấp tại các bãi chôn lấp. Triển khai các chương trình phân loại rác thải tại nguồn. Phân loại chất thải rắn tại nguồn và thu gom, vận chuyển, xử lý CTR sinh hoạt theo khối lượng phát sinh theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tăng cường quản lý rác thải sinh hoạt nông thôn, thu gom xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

Phạm Kiên
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động