Khó khăn có làm tăng cơ hội cho ngành Nhựa Việt Nam?

11/01/2023 10:51 Doanh nghiệp - Doanh nhân
Năm 2022, tăng trưởng ngành Nhựa Việt Nam đạt 1,9%, là năm thấp nhất sau hơn 1 thập niên tăng trưởng liên tục trên 15% có năm trên 30%. Nguyên nhân là do tác động liên tiếp của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế. Trước khó khăn tứ bề, con số tăng trưởng 1,9% được nhận xét là vô cùng quý giá. Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) đang bày cách để các hội viên “Tìm kiếm cơ hội trước khó khăn”.
Khó khăn có làm tăng cơ hội cho ngành Nhựa Việt Nam?
Chủ tịch VPA Hồ Đức Lam (thứ 2 từ trái sang) tặng hoa cảm ơn những đóng góp quan trọng cho ngành Nhựa Việt Nam của chuyên gia Nguyễn Như Khuê

Tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm

Ngày 9/1 tại TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) tổng kết hoạt động năm 2022, dự báo tình hình kinh tế vĩ mô trước thách thức và cơ hội năm 2023.

Năm 2022 sản lượng ngành Nhựa đạt 9,54 triệu tấn, tăng 1,9%. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa Việt Nam tiếp tục tăng nhưng thấp hơn một nửa (10,5%) so với năm 2021, đạt 5,447 tỷ USD. Tổng doanh thu khoảng 25,18 tỷ USD, tăng 5,68% so cùng kỳ.

Doanh thu tăng trưởng nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp chỉ tăng nhẹ từ 3% đến 11% tuỳ theo ngành hàng. Do giá nguyên liệu tăng từ 1,3% đến 3,68%, cộng với chính sách tăng lãi suất cho vay bằng tiền đồng Việt Nam.

Khó khăn có làm tăng cơ hội cho ngành Nhựa Việt Nam?
Bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký VPA báo cáo hoạt động VPA năm 2022 dự báo khó khăn, triển vọng thị trường năm 2023

Bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng Thư ký VPA dẫn chứng bằng con số cụ thể: Kế toán thống kê chỉ ra nếu lãi suất cho vay bằng tiền đồng Việt Nam tăng 0,25% thì lợi nhuận của ngành Nhựa giảm từ 1,1% đến 1,3% tuỳ theo nhóm ngành hàng. Lý do là chi phí lãi vay chiếm tỷ trọng từ 20% đến 35% lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp.

Biến khó khăn thành tiềm năng, cơ hội?

Cũng như nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu khác, chuyện giá tăng, lãi suất tăng vẫn chưa đủ sức kìm hãm khả năng tăng trưởng mà ngành Nhựa phải đối mặt. Chuyên gia Nguyễn Như Khuê, nguyên Phó Chủ tịch VPA, Tổng giám đốc Công ty cộng nghệ hoá nhựa Bông Sen cho biết: Cái khó mà ngành Nhựa Việt Nam đối mặt là phai vượt qua các tiêu chuẩn mà thị trường nhập các nước nhập khẩu đặt ra, nhằm hướng nhà sản xuất phải đi vào sản xuất tuần hoàn, thân thiện môi trường.

Thực tế đã chứng minh “Không thể có sản xuất tuần hoàn nếu không có phân loại tự động”. Việt Nam là nước đứng thứ 5 thế giới về chất thải nhựa với 1,8 triệu tấn/năm. Trong khi nguyên liệu nhựa phụ thuộc lớn vào nhập khẩu với giá cao.

Khó khăn có làm tăng cơ hội cho ngành Nhựa Việt Nam?
"Biến khó khăn thành tiềm năng cơ hội cho ngành Nhựa Việt Nam" do chuyên gia Nguyễn Như Khuê trình bày

“Phải tự cứu mình trước khi trời cứu” là lời khuyên được chuyên gia Nguyễn Như Khuê nhắn gửi tới hội viên VPA bằng cách tăng cường nghiên cứu, cập nhật và vận dụng tốt chính sách pháp luật để được hưởng các ưu đãi, phòng tránh các rủi ro pháp lý, hàng rào kỹ thuật; đồng thời với đẩy mạnh quan hệ đối ngoại, tham gia các hội chợ quốc tế về ngành nhựa để tiếp cận với xu thế phát triển, máy móc công nghệ hiện đại. “So với các nước phát triển Việt Nam có cơ hội chuyển đổi nhanh và tốt hơn nhờ lợi thế đi sau, sẽ dễ dàng tiếp cận với sản xuất tuần hoàn bằng công nghệ hiện đại”. Chuyên gia Nguyễn Như Khuê chỉ ra.

Kinh tế thề giới 2023?

Nhìn lại năm 2022 thông qua nhật ký điều hành chính sách tiền tệ “quay đầu bất ngờ” từ FED - Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, từ lãi suất gần bằng 0 ở đầu năm nhằm khuyến khích tiêu dùng, phục hồi sản xuất do tác động của đại dịch Covid-19, thì sau giữa đến cuối năm 2022 FED liên tục điều chỉnh lãi suất theo hướng tăng dần do chiến tranh bùng nổ. Hiện nay lãi suất của FED đã vượt mốc 4% (4,25%) dẫn đến người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu nhằm chống chịu với lạm phát.

Đại dịch Covid-19 gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu chưa dứt thì chiến tranh, lạm phát kéo đến, người tiêu dùng phải dè xẻn từng đồng chi tiêu là điều hiển nhiên. “Tình trạng khó khăn này còn kéo dài đến bao lâu” là bài toán mà VPA đặt ra với các nhà khoa học, chuyên gia phân tích chính sách kinh tế vĩ mô nhằm giúp hội viên VAP nắm bắt toàn cảnh bức tranh kinh tế trong nước và thế giới, thấy được thuận lợi khó khăn phía trước để xây dựng mục tiêu kế hoạch không chỉ thích ứng mà còn tìm thấy cơ hội trước tứ bề khó khăn của nền kinh tế như hiện nay.

Khó khăn có làm tăng cơ hội cho ngành Nhựa Việt Nam?
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành và các dự báo kinh tế vĩ mô 2023

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, thành viên nhóm nghiên cứu chính sách công Đại học Harvard; giảng viên Đại học FullBrigh cập nhật thông tin: Kinh tế EU đang đi vào suy thoái, FED liên tục tăng lãi suất nhằm kìm chế lạm phát. Nhưng Trung Quốc thì ngược lại vừa khuyến khích tiêu dùng vừa hỗ trợ tài chính cho ngành bất động sản sau thời gian dài áp dụng chính sách Zero Covid.

“Do đứt gãy chuỗi cung ứng, nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng. Việc từ bỏ chính sách Zero Covid kết hợp nới lỏng tiền tệ cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã có sự thay đổi lớn. Dù thay đổi như thế nào thì trong ngắn hạn (6 tháng tới) nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa đi vào ổn định. Thời gian này là cơ hội cho các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam trong việc tìm kiếm, chiếm lĩnh và lấp kín khoảng trống thị trường. Việt Nam đang là điểm sáng trong bức tranh kinh tế, thu hút đầu tư.

Bằng chính sách điều hành tiện tệ thận trọng, linh hoạt, năm 2023 là năm lịch sử về giải ngân vốn đầu tư công ở Việt Nam. Câu chuyện xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng là có, nhưng dư địa thị trường từ các hiệp định thương maị tự do ASEA, EU…luôn mở ra cơ hội cho xuất khẩu, cùng các ngành kinh tế Xanh, kinh tế tuần hoàn. Đất nước có hạ tầng tốt, thu hút đầu tư tăng, kinh tế thế giới đi vào ổn định sau khi FED hạ lãi suất khi đã lên đỉnh 5% (dự kiến Quý II/2023) mở ra cơ hội cho kinh tế Việt Nam, trong đó có các nhà sản xuất, xuất khẩu”. Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành dự báo.

Ông bà xưa đã dạy “Biết mệnh trời cả đời không lo”. Bài toán mà VAP đặt ra, với bức tranh kinh tế vĩ mô cùng các dự báo mà các chuyên gia chỉ ra không chỉ giúp doanh nghiệp ngành Nhựa Việt Nam tìm thấy cơ hội trong khó khăn mà còn có điều kiện vươn xa trong kinh tế tuần hoàn với nền tảng công nghệ hiện đại.

Duy Chí

Duy Chí

THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO

Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động