Khu công nghiệp sinh thái: Mô hình phát triển bền vững

17/10/2019 17:11 Tăng trưởng xanh
Sáng kiến khu công nghiệp sinh thái (KCNST) phù hợp với kế hoạch chiến lược chung của Liên hiệp quốc tại Việt Nam trong giai đoạn 2017-2021, đặc biệt ưu tiên 2 lĩnh vực trọng tâm là đảm bảo khả năng chống chịu với khí hậu và bền vững về môi trường, thúc đẩy sự thịnh vượng, quan hệ đối tác vì một mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, bao trùm.
Phát triển các khu công nghiệp sinh thái, bảo vệ môi trường
khu cong nghiep sinh thai mo hinh phat trien ben vung
Khu công nghiệp sinh thái sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của các khu công nghiệp.

Nhằm thúc đẩy quá trình chuyển giao, triển khai, nhân rộng các công nghệ, giải pháp sạch nhằm giảm thiểu rác thải độc hại, phát thải khí nhà kính cũng như các chất gây ô nhiễm nguồn nước và quản lý tốt hóa chất tại các KCN, ngay từ năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện Dự án "Triển khai sáng kiến KCNST hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam". Dự án được triển khai thí điểm tại các KCN Khánh Phú và Gián Khẩu (Ninh Bình), KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng) và KCN Trà Nóc 1 & 2 (Cần Thơ).

Sau 5 năm thực hiện, dự án đã đạt được nhiều kết quả tích cực, các khái niệm, đặc điểm, lợi ích,… của mô hình KCNST đã được phổ biến đến các bộ, ngành liên quan và các địa phương, các KCN thí điểm, doanh nghiệp tham gia dự án. Thông qua hỗ trợ kỹ thuật của dự án, mô hình KCNST lần đầu tiên được thể chế hóa tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý KCN và khu kinh tế, đặt nền móng pháp lý cho việc chuyển đổi các KCN thông thường sang KCNST, thực hiện các hoạt động liên quan và nhân rộng mô hình này trong thời gian tới. Việc triển khai mô hình KCNST đã góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, 72 doanh nghiệp tại 4 KCN thí điểm tham gia trực tiếp vào các hoạt động của dự án và hưởng lợi từ các kết quả hết sức cụ thể, góp phần nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường của các doanh nghiệp. Dự án đã tư vấn hơn 900 giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch cho các doanh nghiệp. Thông qua việc thực hiện các giải pháp này, các doanh nghiệp đã tiết kiệm tổng thể được hơn 76 tỉ đồng/năm, tương đương hơn 3 triệu USD/năm do cắt giảm lượng tiêu thụ tài nguyên và vật liệu. Cụ thể là giảm tiêu thụ hơn 22.000 Mwh điện, giảm 600.000 m3 nước sạch, giảm hơn 140TJ (Têrerun) nhiên liệu hóa thạch và giảm gần 3.600 tấn hóa chất và chất thải. Về mặt môi trường, các cắt giảm này giúp giảm được 32kt (ki-lô-tấn) khí CO2 hằng năm.

Thông qua các hoạt động tăng cường năng lực và chuyển giao công nghệ của dự án, các doanh nghiệp trong KCN đã được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ thuật để thực hiện cải tiến quy trình sản xuất. Cùng với đó, các doanh nghiệp đã đóng góp vào dự án hơn 207 tỉ đồng, đầu tư thực hiện các giải pháp. Qua đó cho thấy, việc triển khai thực hiện các sáng kiến KCNST có thể huy động được nguồn lực to lớn từ khu vực kinh tế tư nhân nếu được triển khai đúng.

Tiếp nối các kết quả tích cực của giai đoạn 1 và mở rộng các hoạt động trên quy mô lớn hơn khi cơ sở pháp lý về KCNST đã được xác lập, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất xây dựng và thực hiện dự án giai đoạn 2, với thời gian thực hiện tối thiểu 3 năm, gồm 6 hợp phần về tăng cường chính sách và hướng dẫn về KCNST, tăng cường năng lực, thể chế, nghiên cứu khả thi việc xây dựng công cụ quản lý KCNST, thúc đẩy tiếp cận tài chính đầu tư cho KCNST, thực hiện KCNST, quản lý dự án và chia sẻ kiến thức.

Thu Vân
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động