Kiểm soát ô nhiễm do rác thải nhựa đại dương, tràn dầu, hóa chất độc trên biển
Ảnh minh họa |
Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đang khẩn trương thực hiện lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ của quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Trương Đức Trí cho biết, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tổng cục từ nay đến hết năm 2021. Cùng với đó, Tổng cục sẽ tập trung xây dựng và trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo chất lượng và tiến độ; thực hiện thẩm định và phê duyệt hồ sơ nhận chìm, giao khu vực biển theo đúng quy định; tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch tổng thể thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm, Phó Tổng cục trưởng Trương Đức Trí cũng cho biết, đơn vị sẽ tham mưu, đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục củng cố, tăng cường năng lực quản lý tổng hợp về tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo tại trung ương và địa phương, trọng tâm là bố trí kinh phí thực hiện các dự án, nhiệm vụ có liên quan về đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị chuyên dùng; kiến nghị với cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp lý tạo cơ chế chính sách thu hút ngành nghề phù hợp nhằm nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống cho người lao động trên biển.
Bên cạnh đó, Tổng cục tăng cường phối hợp, triển khai công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, trọng tâm là bảo vệ hành lang bờ biển, ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm do rác thải nhựa đại dương, tràn dầu, hóa chất độc trên biển.
Để thực hiện việc thanh tra, kiểm soát, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo đã chuẩn bị đầy đủ các thủ tục để tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường biển tại các tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Quảng Trị, Quảng Nam, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Khánh Hoà, Kiên Giang khi hết dịch COVID- 19.
Trước đó, 6 tháng đầu năm 2021, Tổng cục đã tiến hành thẩm định 01 Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhận chìm ở biển của Công ty Điện lực dầu khí Hà Tĩnh (hiện đã tổ chức Hội đồng thẩm định, chủ dự án đang chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng thẩm định).
Bên cạnh đó, đã tổ chức 03 đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động nhận chìm ở biển tại Bà Rịa Vũng Tàu, Trà Vinh và Nghệ An; Thông báo chấm dứt hiệu lực của Giấy phép nhận chìm ở biển do hết hạn thời hạn của Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn và Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất. Ngoài ra, Tổng cục đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Cục cảnh sát môi trường, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng để triển khai các nội dung liên quan đến công tác quản lý nhà nước về biển, hải đảo./.